Trị bệnh dạ dày khiến nhiều người mất ăn mất ngủ vì lo

Sức khỏeThứ Ba, 19/01/2016 07:24:00 +07:00

Trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh phổ biến, và hiện nay tỷ lệ này đang ngày càng tăng lên chủ yếu là do lối sống sinh hoạt ăn uống không khoa học.

Trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh phổ biến, và hiện nay tỷ lệ này đang ngày càng tăng lên chủ yếu là do lối sống sinh hoạt ăn uống không khoa học.

Bệnh dễ bị xem thường vì khi biểu hiện ra bên ngoài không mấy nguy hiểm nên người mắc bệnh thường không chú trọng tới việc chữa trị sớm nên dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường trước.

Biểu hiện của bệnh

Triệu chứng trào ngược dạ dày dễ nhận biết nhất là: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Bệnh cũng có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng khác như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng... dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý tim phổi, viêm họng. Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện.

Ợ hơi là hiện tượng sinh lý bình thường của dạ dày nhưng nếu bạn thường xuyên ợ hơi ngay cả khi đói hoặc không uống bất cứ thứ gì, cần nghĩ đến khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
 

Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ, có khi đến tận vùng hạ họng, mang tai, kèm theo đó là vị chua trong miệng. Nguyên nhân là do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, axit hoặc dịch mật trong dịch dạ dày tiếp xúc với niêm mạc thực quản gây cảm giác nóng, nóng rát.

Ợ chua là triệu chứng xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng khi đánh răng. Trương lực co bóp của dạ dày tăng lên cao nhất khi bụng rỗng, đẩy dịch dạ dày lên đến cuống họng gây cảm giác ợ chua. Việc đánh răng làm tăng kích thích, bởi vậy dễ gây nôn vào buổi sáng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày. Nước vàng, chua mà bệnh nhân nôn ra chính là axit trong dịch vị.

Buồn nôn, nôn

Đây là nhóm triệu chứng trào ngược dạ dày rất phổ biến, thường xuất hiện khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn, các chất trào ngược lên thực quản không chỉ là hơi, dịch tiêu hóa mà cả thức ăn khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, nôn.

Ngay cả khi bệnh chưa tiến triển nặng, người bệnh cũng dễ nôn hơn người bình thường khi chịu cùng một tác động gây nôn giống nhau như say tàu xe, ốm nghén, uống thuốc...


Đau, tức ngực


40 - 45% bệnh nhân trào ngược có triệu chứng này. Người bệnh có cảm giác bị thắt ở ngực, đè ép, xuyên ra lưng và cánh tay nên rất dễ nhầm sang bệnh về tim mạch. Thực chất dấu hiệu này là do đau đoạn thực quản chạy qua ngực. Khi axit trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh, gây cảm giác đau ở tim.

Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày thực quản còn gây ra các triệu chứng khác như: đắng miệng, nhiều nước bọt, khó nuốt, cảm giác vướng ở vùng họng, khàn giọng, đau họng, ho khan kéo dài không có nguyên nhân...

Khi bạn thường xuyên gặp phải một trong các triệu chứng ở trên, cần nghĩ tới khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh phải được chữa trị sớm và triệt để ngay khi phát hiện ra. Chữa trị càng sớm thì hiệu quả càng cao để tránh những biến chứng nguy hiểm khó lường.

Biến chứng thường gặp do trào ngược dạ dày

Loét, chảy máu thực quản: axit dạ dày trào ngược tiếp xúc với niêm mạc thực quản làm tổn thương niêm mạc gây viêm, loét. Khi có các yếu tố tác động các yếu tố bị chảy máu, gây đau và khiến người bệnh khó chịu, đặc biệt khi nuốt ngay cả khi uống nước.

Hẹp thực quản: trào ngược dạ dày thực quản nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến viêm loét thực quản. Khi các vết loét liền lại thành mô sẹo, làm chít hẹp thực quản gây tình trạng khó nuốt. Có khi người bệnh không ăn uống gì cũng có cảm giác vướng ở cổ họng.

Barrett thực quản: do niêm mạc thực quản tiếp xúc thường xuyên với axit dạ dày trào ngược lâu ngày làm các tế bào ở vùng thấp thực quản bị thay đổi màu sắc và thành phần (bị biến dạng) gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thư.

Khi đã chuyển thành Barrett thực quản thì không thể điều trị hết bằng thuốc mà cần theo dõi kỹ bằng nội soi, nếu có dấu hiệu nguy cơ cao chuyển sang ung thư thì can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.


Con đường dẫn đến ung thư thực quản: từ viêm thực quản mức độ nhẹ nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, có nhiều khả năng trở thành ung thư thực quản.

Ung thư thực quản có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của thực quản tuy nhiên phần lớn bị ở phần ống dưới thực quản - nơi dễ dàng tiếp xúc với các dịch axit dạ dày. Thường thì ung thư xảy ra từ các lớp lót bên trong niêm mạc thực quản. Để phát hiện ung thư thực quản thường sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính và chụp cắt lớp phát xạ positron.


Điều trị trào ngược dạ dày có khó?


Bệnh trào ngược dạ dày hoàn toàn chữa được nếu được điều trị từ căn nguyên. Biện pháp điều trị thông thường là dùng thuốc làm giảm axit dịch vị. Tuy nhiên cũng không đơn giản vì nếu dùng thuốc lâu ngày ngày, nồng độ axit dạ dày thấp không đủ để tiêu hóa thức ăn, làm tăng hiện tượng bệnh lý lên.

Đây  là vòng tròn bệnh lý trào ngược dạ dày, gây khó khăn trong điều trị. Do vậy vấn đề đạt ra là cân bằng được môi trường  axit dạ dày không bị dư thừa và đảm bảo được chức năng tiêu hóa của nó.

Ngoài ra, người bệnh nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống làm việc khoa học kết hợp giữ tinh thần thoải mải, vui vẻ, tránh lo âu, phiền muộn. Nên tập thể dục nhẹ nhàng, ổn định cân nặng. Kiêng không hút thuốc lá, uống rượu... Như vậy, bệnh trào ngược dạ dày sẽ được đẩy lùi.


Nguồn: Sức khỏe đời sống
 
   
Bình luận
vtcnews.vn