Treo cổ tự tử vì dân tộc mình không có… chữ

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 10/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ông Vù Go Xá đã rất đau khổ vì người Hà Nhì không có con chữ như những dân tộc khác. Để chấm dứt nỗi thống khổ đó, ông đã hai lần... treo cổ.

(VTC News) - Có một câu chuyện thật một trăm phần trăm thế này, mà bất cứ người Hà Nhì nào ở “ngã ba biên giới” đều kể: Ông Vù Go Xá, người Hà Nhì, ở xã Chung Chải, đã rất đau khổ khi người Hà Nhì không có con chữ như những dân tộc khác, và để chấm dứt nỗi thống khổ đó, ông đã hai lần... treo cổ tự tử. Tuy nhiên, lần treo cổ thứ nhất dây bị đứt, lần thứ hai cành cây bị gãy nên ông thoát chết. Ông Vù Go Xá là người chuyên sưu tầm những câu chuyện cổ, những phong tục văn hóa của người Hà Nhì.

Người hiểu dân tộc Hà Nhì nhất là nhà thơ, nhà nghiên cứu người Hà Nhì Chu Thùy Liên, hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Điện Biên. Chị Liên là con gái bà Chu Chà Me, người đầu tiên vạch rừng đi tìm con chữ, mở đường cho phong trào học tập ở vùng đất tận cùng Tổ quốc.

Nhà thơ người Hà Nhì Chu Thùy Liên. 

Bà Chu Chà Me sinh được 3 người con thì cả 3 đều có học thức và thành đạt. Nhà thơ Chu Thùy Liên từng học Đại học Việt Bắc, làm giáo viên của trường Dân tộc nội trú tỉnh, rồi chị mê thơ, mê nghiên cứu, sáng tác nên chuyển sang làm nghệ thuật. Hai anh còn lại cũng tốt nghiệp đại học, trong đó một anh công tác ở Trung đoàn 82, một anh công tác ở Tổng cục Tham mưu.

Những căn lều trọ học ngày càng mọc lên nhiều ở "ngã ba biên giới". 

Chị Chu Thùy Liên dù sinh ra ở phố xá, song lớn lên trong vòng tay mẹ, chị được mẹ kể nhiều chuyện về người Hà Nhì ở mảnh đất mây mù tận cùng Tổ quốc. Chị lớn lên với niềm day dứt về cuộc sống của tổ tiên mình nơi mảnh đất xa xôi ấy, chị đau đáu muốn làm một việc gì đó cho đồng bào của chị. Sau nhiều lần cuốc bộ về tận Leng Su Sìn, nơi mẹ chị sinh ra, nơi ông bà tổ tiên nằm đó, rồi cùng sống cảnh nghèo khó với người Hà Nhì, chị đã viết cuốn sách "Tìm hiểu văn hóa người Hà Nhì ở Việt Nam". Cuốn sách được NXB Dân tộc in và phát hành năm 2004. Có lẽ đây là một tài liệu hiếm hoi, nghiên cứu sâu rộng về lịch sử và văn hóa người Hà Nhì ở nước ta. Ngoài ra, chị Liên còn làm rất nhiều thơ, xuất bản nhiều tập thơ về người Hà Nhì.

Trường học nơi "ngã ba biên giới" xa xôi luôn đông đúc học sinh.

Theo chị Chu Thùy Liên, người Hà Nhì có nguồn gốc từ Tây Tạng. Họ sống leo lối du mục, rồi dần di cư xuống phía Nam và tiếp thu văn hóa của các dân tộc khác nên mới biết trồng lúa nước, làm ruộng bậc thang. Người Hà Nhì có nghị lực rất lớn, lại có tính sáng tạo nên trong quá trình tiếp thu các nền văn hóa, người Hà Nhì biết chọn lọc để học tập cái tốt, cái mới, loại trừ cái xấu, cái cổ hủ. Hiện người Hà Nhì có mặt ở rất nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanma.

Một số tài liệu khác lại nói rằng, người Hà Nhì có gốc gác là người Khương, di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía Nam từ thế kỷ thứ 3. Cũng có tài liệu nghiên cứu văn hóa truyền miệng cho rằng, tổ tiên người Hà Nhì là người Di, được tách ra từ 50 đời trước.

Theo chị Liên, người Hà Nhì từng có chữ viết, song trong quá trình di cư từ Tứ Xuyên xuống phía Nam, người Hà Nhì đã làm thất lạc mất chữ viết. Đã có khá nhiều câu chuyện truyền miệng của người Hà Nhì giải thích cho việc làm mất chữ viết, trong đó có hai truyền thuyết khiến người Hà Nhì tin nhất.

Chuyện thứ nhất kể rằng, cậu học trò Hà Nhì học mãi vẫn không thuộc con chữ nên đã lấy trộm chữ nuốt vào bụng những mong mình được biết chữ, thế là từ bấy người Hà Nhì mất chữ. Chuyện thứ hai kể rằng, ngày xưa người Hà Nhì cũng mang con chữ của mình đi học cùng các dân tộc khác. Con đường đến nơi học chữ phải qua một dòng sông. Người bộ tộc khác bơi qua sông yên ổn, song khi người Hà Nhì ôm chữ bơi qua sông thì lũ đột nhiên đổ về. Để con chữ không bị nước lũ cuốn trôi, mọi người đã cùng nuốt chữ vào bụng với ý nghĩ nếu chữ nằm trong lòng, chữ sẽ không bao giờ mất. Thế nhưng, chữ vào bụng là mất luôn. Từ đó, để ghi nhớ điều gì, người Hà Nhì phải sáng tác thành bài hát cho vần điệu dễ nhớ, bởi không còn con chữ để ghi lại.

Học sinh Hà Nhì trong trường bán trú. 

Chính vì cách ghi nhớ sự kiện bằng việc "phổ nhạc" mà người Hà Nhì có một nền văn hóa rất độc đáo. Tất cả truyền thuyết, sự tích của người Hà Nhì đều được kể lại bằng những bài dí. Thậm chí, những bài khóc của người Hà Nhì cũng có chương, hồi, vần điệu. Trai gái tán tỉnh, yêu đương, hay ly biệt đều có bài dí riêng để hát. Chính vì không có con chữ ghi nhớ sự kiện, người Hà Nhì phải cố công ghi nhớ bằng bộ óc và trái tim mình, do vậy, người Hà Nhì khá thông minh, khả năng ghi nhớ rất tốt.

Đối với người Hà Nhì ở bản Leng Su Sìn, ông Phó Chủ tịch huyện Toán Phu Xè là biểu tượng, tấm gương về sự ham học. Kể từ ngày biết con chữ đầu tiên, năm 15 tuổi, cho đến bây giờ, đã ở tuổi 60, ông vẫn học tập không ngừng nghỉ. Tổng cộng ông có 30 năm liên tục vừa công tác, vừa tranh thủ đi học để có bằng cấp, nâng cao trình độ. Kết quả cho mấy chục năm chăm chỉ học hành, học từ trong Mường Nhé, đến Lai Châu, Điện Biên, rồi Hà Nội, ông đã đạt đến trình độ cao cấp lý luận và là người rất thành đạt với chức vụ phó chủ tịch huyện, từng ứng cử ĐB Quốc hội khóa IX.

Ông Toán Phu Xè. 

Ít ai biết rằng ông Toán Phu Xè có một tuổi thơ rất cực khổ nơi mảnh đất tận cùng Tổ quốc. Bố ông từng là cán bộ trong kháng chiến biên giới Việt - Lào, rồi nhiều năm trời dẫn bộ đội đi tiễu phỉ khắp vùng Mường Tè.

Năm 1955, bọn Phỉ và Tưởng tràn vào, bắt rất nhiều người theo bộ đội và những người tham gia chính quyền xã rồi giết luôn. Trong số 8 người bị giết một lúc có cả người cha yêu quý của ông là Toán Phu Chừ. Năm 1959, mẹ ông tái giá, thế nhưng, bố dượng cũng mất vì tên bay đạn lạc.

Cuộc sống thiếu cha vô cùng vất vả, lại trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên, thế nhưng, cậu thanh niên Toán Phu Xè, khi nhận được ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ, đã quyết tâm vượt qua tất thảy núi cao, rừng rậm để đi học, đi tìm con chữ.

Vì không có chữ nên người Hà Nhì rất khao khát con chữ. 

Ông Xè vẫn nhớ mãi hình ảnh hai hàng nước mắt người mẹ hiền tiễn con qua suối Nậm Ma. Mẹ ông khóc không những vì phải nghìn trùng xa cách, bởi cả năm chưa chắc mẹ con gặp nhau được một lần, mà khóc bởi thương con phải sống cảnh đói khổ. Hôm tiễn con đi tìm con chữ, bà lục tung cả buồng chỉ có được mấy củ sắn, củ khoai cho Xè lót dạ trước khi lên đường.

Con đường đi tìm con chữ xa xôi diệu vợi của Xè chông gai chẳng khác gì thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh.

Để có được thứ ăn, có sức cuốc bộ cả tháng trời trong rừng, Xè dắt theo con dao, chiếc thuổng nhỏ. Trên đường đi, gặp củ sắn, củ khoai mọc dại ven đường cũng bới lấy bỏ vào giỏ, đói thì lôi ra ăn. Không có sắn, có khoai thì vào rừng đào củ mài, củ dong riềng. Suối cạn thì Xè lặn vào hốc đá mò cá, bắt cua, ốc nấu với rau rừng. Cũng có lúc đói quá, Xè đào cả củ chuối để ăn. Nơi nào có người đông đúc thì Xè vào xin khoai, xin gạo. Hành trình đi tìm con chữ của ông Toán Phu Xè, một người Hà Nhì, quả thực đầy gian khổ nhưng thật kỳ diệu.

Còn tiếp…

Diêm Giang
Bình luận
vtcnews.vn