'Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày'

Giáo dụcThứ Hai, 04/01/2016 07:58:00 +07:00

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) đã chia sẻ những điều chưa biết về giáo dục sớm.

(VTC News) - PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) đã chia sẻ những điều chưa biết về giáo dục sớm.

Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ được tiếp xúc với cha mẹ và người thân trong gia đình nhiều nhất.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người
 
"Tuy nhiên sự thiếu hiểu biết về kiến thức và kinh nghiệm trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ của các bậc cha mẹ cũng như của những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đã dẫn đến những sự lãng phí tiềm năng của trẻ vô cùng đáng tiếc", TS Nguyễn Võ Kỳ Anh băn khoăn.

Nhiều phụ huynh thường chỉ quan tâm chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi sự tăng trưởng của trẻ về chiều cao, cân nặng và bệnh tật mà quên mất bồi dưỡng tinh thần và giáo dục phát triển các tố chất của các cháu.

TS Kỳ Anh nhắc lại quan điểm của nhà sinh học người Nga, Ivan Petrovich Pavlov và cho rằng: "Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày".

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong giai đoạn này có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hạn chế và mở rộng tiềm năng về học tập, xã hội, và thể chất trong suốt cuộc sống của trẻ.
Giáo dục sớm
 
Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy sự tương tác tích cực và mối quan hệ hỗ trợ, ổn định với cha mẹ và người chăm sóc gần gũi khác là những yếu tố quan trọng đối với trẻ để phát triển thành những người khỏe mạnh về mặt thể chất, tinh thần và xã hội.

Ngược lại, nếu trẻ tiếp xúc với hoàn cảnh thời thơ ấu bất lợi và stress độc hại, như bị bạo lực, nghèo đói, bị lạm dụng, bị những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kiến trúc não, có thể dẫn đến những tổn thương quan trọng cản trở sự thành công trong học tập và các vấn đề khác về hành vi và sức khỏe tâm thần.

Cho dù sau này có tạo điều kiện cho trẻ chơi và cung cấp những tương tác phù hợp với sự phát triển của trẻ có thể giúp giảm thiểu những tác động bất lợi của các stress trước đó, nhưng khả năng cho não bộ phát triển kiến trúc tối ưu cũng vẫn bị ảnh hưởng theo "quy luật giảm dần".

Do đó, nếu phụ huynh không giáo dục sớm đúng đắn thì trẻ sẽ không có những năng lực và sức khỏe tốt mà chúng cần để thành công trong cuộc sống và ở trường học.

Giáo sư Phùng đức Toàn, cha đẻ của " Phương án 0 tuổi" (Trung Quốc) cho rằng, mỗi một đứa trẻ ở thời kỳ này có thể hoàn thành 7 nhiệm vụ học tập một cách thuận lợi: Nhận biết mọi người và giao tiếp; tập đứng thẳng, tập đi và học vận động; nhận biết sự vật và ghi nhớ sự việc; học cách thao tác bằng tay; niềm say mê âm nhạc; nắm vững ngôn ngữ; nhận biết mặt chữ và đọc hiểu.

TS Kỳ Anh cũng nhắc lại quan điểm của GS.Glenn Doman và cho rằng: “Dạy đọc cho một em bé 6-24 tháng tuổi ở nhà dễ dàng hơn dạy em bé 6 tuổi ở trường”.

Như vậy, tiến hành giáo dục sớm tại gia đình, tạo điều kiện cho mỗi đứa trẻ được trải nghiệm ngay trong mái ấm của gia đình chính là " khoảng khắc vàng" để các tiềm năng, tố chất được phát huy.

Do đó, TS Kỳ Anh bày tỏ quan điểm nếu không áp dụng giáo dục sớm đã lãng phí một nguồn tiềm năng của vô cùng lớn trong mỗi đứa trẻ và cũng chính là tiềm năng của mỗi dòng họ, mỗi dân tộc và đất nước.

Với thành tựu nghiên cứu và thực thi hơn 50 qua của giáo dục sớm thế giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người khẳng định: "Quốc gia nào nhận thức được cơ hội và thắng lợi trong “Cuộc cách mạng mềm” giáo dục sớm thì chỉ trong vòng 30 năm thôi quốc gia đó không chỉ nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình, dòng họ mà còn thay đổi vận mệnh cho cả dân tộc và sẽ góp phần to lớn thay đổi thế giới trong thế kỷ 21".
    
 Giáo sư Shichida Makoto (Nhật bản) đã chủ trương tiến hành một “cuộc cách mạng về giáo dục bán cầu não phải” nhằm phát triển hết tiềm năng của bán cầu não phải. Ngày nay đã có hàng trăm cơ sở giáo dục của Shichida  trên toàn nước Nhật Bản và các nước khác như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Úc, Mỹ, Canada….

Những thành quả của ông đang giúp cho hàng ngàn các cha mẹ và trẻ em phát triển nền tảng cho những thành công trong tương lai. Phương pháp giáo dục Shichida Makoto cũng đã được ứng dụng cho cả những người trưởng thành.

Giáo sư Glenn Doman (Mỹ), vói phương pháp giáo dục nhằm khơi dậy và phát triển trí thông minh của trẻ nhỏ được hình thành dựa trên 3 yếu tố cơ bản: (1) kỹ năng đọc,  (2) khả năng toán học và (3) năng lực nhận thức sâu và rộng. Ông tin rằng  “học Đọc” là cơ sở của mọi sự học tập, lĩnh hội tri thức và sự thành công. Theo ông, dạy đọc cho một em bé 6-24 tháng tuổi ở nhà dễ dàng hơn dạy em bé 6 tuổi ở trường.
    
Trung Quốc đi sau Mỹ, Nhật, nhưng với khát vọng vươn lên của một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. “Biến gánh nặng dân số thành nguồn tài nguyên nhân tài vô biên, biến sự khó nhọc trong nuôi dạy con cái thành niềm hạnh phúc vô bờ bến”, và với  mục tiêu nâng cao tố chất cho trẻ nhỏ. Cho đến nay, đã đào tạo được hàng triệu trẻ em thông minh, tài năng, trở thành làn sóng giáo dục sớm tại quốc gia này.
    
Ở Hàn Quốc, dịch vụ giáo dục cho trẻ mầm non tại gia đình đang được các bậc cha mẹ đầu tư mạnh mẽ; và hiện nay đang xuất hiện các mô đun đi sâu vào từng lĩnh vực giáo dục sớm như toán, ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc.. và cho ra hàng loạt các sản phẩm thành công nghệ giáo dục có bản quyền và đã gia nhập vào thị trường giáo dục ở Việt Nam.

Tại Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhanh chóng áp dụng các nghiên cứu về não, áp dụng chương trình Giáo dục não phải vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu của tất cả các lứa tuổi, và để bổ sung và tăng cường hiệu quả của các chương trình giáo dục mà hầu hết trẻ em đã có thể được tham gia. Họ mở rộng dần dịch vụ  đến các thị trường nước ngoài với tên gọi “Cuộc cách mạng não bộ- Brain Revolution”.

   
Minh Đức

Bình luận
vtcnews.vn