Trẻ khuyết tật đang bị đẩy ra khỏi xã hội

Thời sựThứ Sáu, 31/05/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo UNICEF, trẻ khuyết tật đang bị đẩy ra khỏi xã hội và nằm ngoài phạm vi phục vụ của các dịch vụ xã hội.

(VTC News) - Chiều 30/5, tại Đà Nẵng, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã có buổi lễ công bố báo cáo thường niên với chủ đề “Tình hình trẻ em thế giới 2013: Trẻ em khuyết tật”.

Tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao việc UNICEF lần đầu tiên chọn Việt Nam để công bố báo cáo toàn cầu; khẳng định Việt Nam luôn dành quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em thiệt thòi, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.

Ở Việt Nam hiện có hơn 1,2 triệu trẻ khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ khuyết tật do hậu quả và di chứng chiến tranh, nhiễm chất độc hóa học và bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.

Đây là thách thức lớn với Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm các quyền trẻ em đối với trẻ khuyết tật và giúp các em hòa nhập vào đời sống kinh tế-xã hội.

UNICEF, trẻ khuyết tật, trẻ em, kỳ thị
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại buổi Lễ công bố báo cáo thường niên của UNICEF về Tình hình trẻ em thế giới 2013
Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em, luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Công ước, không phân biệt đối xử và luôn nỗ lực để hướng tới bảo đảm để trẻ khuyết tật được hưởng một cách trọn vẹn, đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình, Phó Chủ tịch nước chia sẻ.

Báo cáo thường niên về tình hình trẻ em khuyết tật trên thế giới cho biết, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 93 triệu trẻ em (dưới 14 tuổi) bị khuyết tật ở mức độ vừa hoặc nặng. Thực tế, con số này cao hơn nhiều.

Một trong những điểm đáng lưu ý của báo cáo là nhiều trẻ khuyết tật không được thừa nhận ngay từ khi mới được sinh ra vì các em không được đăng ký khai sinh.

Thiếu sự thừa nhận chính thức đồng nghĩa với việc các em bị loại ra khỏi các dịch vụ xã hội và những bảo trợ pháp lý cần thiết cho sự sống còn và phát triển của mình. Thực trạng bị đẩy ra bên lề xã hội đã làm cho các em bị phân biệt đối xử nhiều hơn.

Báo cáo cũng cho biết, trẻ em khuyết tật là nhóm ít có khả năng được chăm sóc y tế hoặc được đi học nhất. Trẻ em khuyết tật nằm trong nhóm những trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng, đặc biệt là khi trẻ bị dấu diếm hoặc bị gửi vào các trung tâm. Thực tế, rất nhiều em rơi vào trường hợp này do sự kỳ thị của xã hội hoặc do không đủ chi phí nuôi dưỡng trẻ.

UNICEF, trẻ khuyết tật, trẻ em, kỳ thị
Cô bé thủy tinh Phương Anh, cùng các em nhỏ khuyết tật tại buổi công bố 

Kết quả tựu chung là trẻ em khuyết tật trở thành những người yếu thế nhất trên thế giới. Trẻ em nghèo thuộc nhóm ít có khả năng được đi học hoặc chăm sóc y tế nhưng các em vừa nghèo lại vừa khuyết tật thì còn có ít khả năng hơn nữa trong việc tiếp cận các dịch vụ này.

Sự phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật là một hình thức áp bức. Tình trạng này khiến các em càng bị đẩy ra khỏi xã hội và nằm ngoài phạm vi phục vụ của các dịch vụ xã hội. Các em không được hưởng quyền chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục; các em còn có thể bị quên lãng và lạm dụng.


"Nhìn vào sự khuyết tật trước khi nhìn nhận trẻ không chỉ là hành động không công bằng mà còn làm mất đi những điều trẻ có thể mang lại cho xã hội. Sự mất mát của các em là mất mát chung của toàn xã hội; lợi ích của các em cũng là lợi ích cho toàn xã hội.

Không có nhóm người nào mà quyền lợi bị xâm phạm một cách thường xuyên và tàn nhẫn như nhóm trẻ khuyết tật. Điều đó xảy ra trên toàn thế giới, tại Việt Nam và tất cả các quốc gia”, Ông Anthony Lake, Giám đốc Điều hành UNICEF phát biểu.


Báo cáo đã kêu gọi các chính phủ phê chuẩn và thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật, Công ước về quyền trẻ em và hỗ trợ cho các gia đình chi phí cao hơn trong chăm sóc trẻ em khuyết tật. Ngoài ra báo cáo cũng phát lời kêu gọi các biện pháp chống phân biệt đối xử trong cộng đồng, cung cấp cho người khuyết tật những dịch vụ xã hội căn bản như giáo dục, y tế...
"Con đường phía trước còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, trẻ em không chấp nhận những giới hạn không đáng có và chúng ta cũng vậy", Ông Lake chia sẻ.






Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn