Trẻ babylift: Nỗi cô đơn nơi đất khách và hành trình tìm ký ức Việt Nam

Thời sựThứ Bảy, 25/04/2015 08:16:00 +07:00

Câu chuyện kể về một nhà báo gốc Việt lớn lên ở Australia, từng làm việc cho hãng tin Al Jazeera, là một trong những đứa trẻ được đưa ra nước ngoài

(VTC News) - Câu chuyện kể về một nhà báo gốc Việt lớn lên ở Australia, từng làm việc cho hãng tin Al Jazeera, là một trong những đứa trẻ được đưa ra nước ngoài trong chiến dịch không vận trẻ em 40 về trước.

Đúng vào tháng 4 cách đây 40 năm, chiến dịch Operation Babylift hay còn gọi là Không vận trẻ em đã được Mỹ thực hiện nhằm đưa khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam rời quê hương tới làm con nuôi ở nhiều nước phương Tây.

Chính phủ Mỹ thường quảng bá đây là một nỗ lực nhân đạo vĩ đại nhưng sự thực có nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh chiến dịch này. Nhiều em bé được những gia đình phương Tây nhận nuôi luôn cảm thấy lạc lõng và có những khoảng trống không thể bù đắp trong tâm hồn.
 Catherine Turner được một gia đình người Australia nhận nuôi và trở thành con gái thứ tư của gia đình họ
Câu chuyện sau đây kể về một nhà báo gốc Việt, lớn lên ở Australia, từng làm việc cho hãng tin Al Jazeera đã nói lên phần nào bức tranh này.

"Đây là bức ảnh cũ nhất mà tôi có khi tôi còn là một đứa trẻ sơ sinh. Ai đó đã viết tên tôi, Cẩm Tú, và ngày sinh của tôi. Tôi không biết ai đã chụp bức ảnh này hay người nào đang chìa tay ra trước mặt tôi và tôi cũng không biết bức ảnh này chụp ở đâu, Việt Nam hay ở quê hương mới của tôi, Australia.

Tôi được một gia đình người Australia nhận nuôi và trở thành con gái thứ tư của gia đình họ và có một cái tên mới. Bố mẹ nuôi đã rất yêu thương tôi nhưng những gì họ làm cũng không giúp tôi cảm thấy bớt lạc lõng khi là một đứa trẻ da vàng ở Australia.

Mỗi lần nhìn lại album ảnh thuở bé, tôi nhận ra mình thật khác biệt trong những bức ảnh. Không một đứa trẻ nào giống tôi trong các bữa tiệc, trong các bức ảnh của trường.

Nhiều lúc tôi nhìn mình trong gương, lúc tâm trạng tốt, tôi nghĩ mình cũng không đến nỗi nào, Nhưng đôi khi tôi chụp ảnh và thấy mình thật xấu xí. Trang nhật ký này là tôi viết về cậu bạn mà tôi để ý ở trường. Bạn của cậu ấy chạy đến và nói với tôi rằng cậu ấy gọi cậu là một con cóc xấu xí và một con cua đen. Giây phút đó tôi chỉ biết đứng trân trân. Có phải chính cậu ta đã nói ra những lời phân biệt chủng tộc và độc ác về tôi. Tôi muốn khóc nhưng không thể.

Video: Nhà báo gốc Việt và hành trình tìm lại ký ức


Tôi tự hỏi bản thân mình hàng trăm lần rằng liệu có điều gì có thể lấp đầy khoảng trống của việc không biết tôi đến từ đâu hay ai là mẹ của tôi.


Mong muốn trả lời câu hỏi này đã đưa tôi đến Việt Nam lần đầu tiên khi tôi 27 tuổi. Tôi đã đi khắp nơi để tìm mẹ nhưng vô vọng.

Mọi người gặp tôi đều nói ‘Nhìn cô thật giống người Nhật Bản, giống người Hàn Quốc’ hay ‘Cháu thật giống người Việt Nam’, ‘Cháu thật giống người Trung Quốc’. Tôi không biết mình là ai cả.

Phải đến 2 năm sau, vào năm 2003, tôi mới bất ngờ tìm được mẹ nhờ một người bạn phiên dịch. Sau 30 năm xa cách, chúng tôi mới gặp lại nhau.

Mẹ tôi kể rằng tôi là kết quả của một mối tình dang dở. Do sức khỏe yếu lại khó khăn về kinh tế, mẹ gửi tôi vào trại trẻ mồ côi và đồng ý cho tôi làm con nuôi. Sau khi đất nước thống nhất, mẹ quay lại tìm tôi nhưng cô nhi viện xưa kia đã trở thành đống hoang tàn. Mẹ tôi tưởng tôi đã chết và không hề biết tôi đã rời Việt Nam tới Australia trong chiến dịch không vận trẻ em.
 
Tôi trở về Việt Nam vài lần sau đó, cố gắng tìm cảm giác đây là nhà cả mình. Nhưng có rất nhiều khó khăn, một khoảng cách hơn 30 năm và hai nền văn hóa.

Dù con không trở về đây thường xuyên, dù khó khăn trong giao tiếp nhưng con muốn mẹ biết con luôn nhớ đến mẹ, mẹ là một phần trong trái tim con. Mẹ tôi thật tuyệt. Bà ấy nói rằng dù quê hương của bà chưa thực sự là quê hương của tôi nhưng mẹ con chúng tôi là một. Và đây là lần đầu tiên tôi rời khỏi Việt Nam với một tâm trạng tốt".

Video: Trẻ mồ côi của không vận 1975: 'Nuối tiếc vì không về Việt Nam sớm'



Nguồn: VTC1

>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn