Tranh luận quanh chuyện đeo ‘lục lạc’ cho cụ Rùa

Thời sựThứ Bảy, 14/05/2011 12:31:00 +07:00

(VTC News) – Trong khi nhiều bạn đọc của VTC News cho rằng, cần gắn chip để theo dõi sức khỏe cụ Rùa thì nhiều chuyên gia lại “nói không với chip”.

(VTC News) – Trong khi nhiều bạn đọc của VTC News cho rằng, cần gắn chip để theo dõi sức khỏe cụ Rùa thì nhiều chuyên gia lại “nói không với chip”.

Hãy để cụ Rùa sống tự nhiên hay gắn chip để theo dõi. Ảnh: PGS.TS Hà Đình Đức 

Trong buổi hội thảo sáng nay 13/5 về “Giải pháp tổng thể đảm bảo môi trường sống của Rùa hồ Gươm” tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã nêu các ý kiến khác nhau về việc có nên gắn chip cho cụ Rùa sau khi chữa trị xong.

Ông Tim MacCormack, Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á cho biết, có hai phương pháp theo dõi “linh vật hồ Gươm”. Đó là gắn chip phát sóng vào người cụ Rùa hoặc gắn thiết bị định vị toàn cầu (GPS).

Trời nắng, cụ Rùa bỏ ăn 3 ngày

TS Bùi Quang Tề, thành viên chữa bệnh cho cụ Rùa cho hay, trong 3 ngày nắng nóng vừa rồi, “linh vật hồ Gươm” đã bỏ ăn 3 ngày. Nhiệt độ trong bể nuôi dưỡng lúc đó khoảng 32 độ C, thấp hơn 2 độ so với bên ngoài. Vì thế, chuyên gia này cho rằng, phải đưa cụ Rùa xuống hồ càng sớm càng tốt, để tránh những ngày nắng nóng tháng 6 sắp tới, vì “không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu nắng nóng quá”.

Chuyên gia này tuy đồng tình với việc gắn chip nhưng cũng cảnh báo những tác hại có thể có, như việc sóng phát ra sẽ gây stress cho Rùa hoặc mỗi lần chip hết pin lại phải “bắt” cụ Rùa nên để thay pin mới…

GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam nêu quan điểm, cần nhìn cụ Rùa dưới góc độ tâm linh và sinh học. “Nhưng cũng đừng chỉ thiên về tâm linh mà hãy coi rùa hồ Gươm cũng là một loài động vật hoang dã quý hiếm. Nên giống như nhiều loài khác cần bảo tồn, chúng ta phải gắn chip để theo dõi” – GS Yên nói.

Không đồng tình với điều này, TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản cho rằng, không nên gắn “lục lạc” cho cụ Rùa. Vì mục tiêu quan sát “linh vật hồ Gươm” thì không khó khi nước hồ rất thấp mà diện tích lại hẹp, cụ Rùa lại hay ngoi lên mặt nước. Thêm nữa là các vật đính vào cụ Rùa có thể gây thương tích cho cụ…

Ủng hộ điều đó, TS Bùi Quang Tề, Viện Thủy sản I cho hay, hồ Gươm khá nhỏ nên việc theo dõi cụ Rùa không phải là khó, nên không cần thiết gắn chip. Nhưng có thể gắn thẻ đánh dấu, để nếu bắt được cụ Rùa thứ 2 còn phân biệt với cụ Rùa đang được cứu chữa.

Chuyên gia Đặng Gia Tùng, Phó Giám đốc vườn thú Hà Nội cũng nêu quan điểm không nên gắn chip. Ông còn  kiến nghị, trong thời gian hồ được làm sạch, nên quây vùng nhỏ để thả cụ Rùa xuống, làm quen với môi trường tự nhiên.

Phát biểu hăng hái nhất trong buổi hội thảo sáng nay, “nhà rùa học” Hà Đình Đức nói: “Không nên gắn chip cho cụ Rùa. Vì cứ để cụ sống tự nhiên, không cần “tọc mạch” cụ đang nằm ở chỗ nào”.

Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cho biết, tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu và trình lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội để đưa ra phương án cuối cùng.

Độc giả VTC News ủng hộ việc gắn chip cho cụ Rùa

Bạn đọc Phạm Đức Tâm cho biết: “PGS Hà Đình Đức cứ thần thánh hóa vấn đề, gắn chíp là để theo dõi số lượng, sức khỏe và còn ở đó hãy đã di chuyển di nơi khác”.

“Nên gắn chip cho cụ rùa vì cần phải theo dõi sức khỏe, nơi ở của cụ rùa, không nên dùng từ "tù binh" ở đây. Công nghệ hiện đại nên cần phải như thế là đúng, ví dụ sau này cụ có bị gì thì còn biết chỗ nào mà bắt cụ cho dễ. Tôi ủng hộ gắn chip cho cụ” – bạn đọc Nguyễn Hữu Tình.

Còn GS Huy Trần cho hay:“Gắn chíp là để bảo vệ cụ rùa 1 cách khoa học, các nhà khoa học trên thế giới sử dụng công nghệ này để dễ dàng biết tình trạng sức khỏe, định vị chính xác nơi ở của sinh vật đã được gắn chíp…”.


Phương Đông

Bình luận
vtcnews.vn