Tranh chấp Hoàng Nham: Trung Quốc lùi trong thể diện

Thế giớiThứ Hai, 04/06/2012 01:30:00 +07:00

(VTC News)- Vụ tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham giữa Trung Quốc - Philippines, Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương nói Trung Quốc sẽ lùi trong thể diện.

(VTC News) - Về vụ tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough/Hoàng Nham, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói Trung Quốc sẽ lùi trong thể diện, tình hình sẽ bớt căng thẳng.


Vụ tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough/Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines đang là vấn đề nóng. Trả lời phỏng vấn VTC News, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học, Bộ Công an phân tích vấn đề này.


Phép thử với Mỹ và ASEAN

- Thưa Thiếu tướng, tại sao Trung Quốc có tranh chấp bãi Scarborough với Philippines vào lúc này?

Năm nay, Trung Quốc và ASEAN kỷ niệm 10 năm tuyên bố chung ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Từ ngày 8/4, bắt đầu có tranh chấp bãi Scarborough/Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines.

Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: TTO 

Có nhiều cách lý giải khác nhau về mục tiêu, ý đồ của Trung Quốc sau bãi Scarborough/Hoàng Nham. Trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, có mấy vụ quan chức Trung Quốc bị xử lý, như vụ Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh; Trần Lương Vũ, Bí thư Thượng Hải.

Nhưng rõ ràng, vụ Bạc Hy Lai là nghiêm trọng nhất so với vụ Trần Lương Vũ, Trần Hy Đồng xét trên mọi phương diên, vụ Bạc Hy Lai lần này đã khiến nội bộ chính trị Trung Quốc bị rối loạn không chỉ trong giới chính trị mà cả trong xã hội 1,3 tỷ dân này.

Khi nội bộ có những vấn đề nặng nề như vậy, Trung Quốc thường đẩy vấn đề ra ngoài để giảm bớt sức căng trong nội bộ. Chúng ta thấy vụ Scarborough xảy ra sau vụ Bạc Hy Lai.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ này, đó là phản ứng của Trung Quốc đối với việc Mỹ trở lại Châu Á.

- Nhưng Mỹ đã bao giờ rời châu Á đâu, thưa ông?

Đúng vậy. Thực ra, chúng ta nói Mỹ trở lại Châu Á thì không đúng vì Mỹ chưa bao giờ rời khỏi châu Á. Phải nói rằng Mỹ quan tâm hơn, bắt đầu quá trình chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương.

Bãi đá Scarborough/ Hoàng Nham

Ngày 18/11/2011, tại quốc hội Australia, Tổng thống Obama tuyên bố rằng, thế kỷ này là thế kỷ của châu Á- Thái Bình Dương, đây là trọng tâm chiến lược của Mỹ, là địa bàn Mỹ phải đặc biệt quan tâm.

Mỹ đã ký tắt với Australia về việc 2.500 lính thủy đánh bộ hiện diện ở nước này năm 2017. Sau đó, Mỹ tổ chức  60 năm kỷ niệm hiệp ước an ninh với Philippines, Mỹ đã hỗ trợ Philippines, nâng cấp hệ thống vũ khí và hải quân để đối phó với những tranh chấp, khó khăn trên biển. Mỹ đã làm, mà không chỉ Mỹ, các đồng minh của Mỹ cũng tham gia cùng.

 
Phải chăng Scarborough là một phép thử của Trung Quốc xem khả năng phản ứng của Mỹ đến đâu. Tôi cho rằng đây là mục đích chủ yếu, thông qua Scarborough, Trung Quốc biết được giới hạn của Mỹ. Ngoài ra, qua Scarborough, Trung Quốc muốn ‘thử’ ASEAN.

Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng nằm trong cái gọi là ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc gọi là quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Nếu vụ Scarborough thành công, thì biết đâu Trung Quốc sẽ làm những việc khác, trong vùng nước họ tuyên bố chủ quyền được bao chiếm bởi ‘đường lưỡi bò’.

Cả Trung Quốc - Philippines đều phải tính toán

- Mỹ tuyên bố họ có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông, trong khi Philippines là đồng minh thân cận của Mỹ. Trong vụ tranh chấp này, Mỹ đóng vai trò thế nào và sẽ có những ảnh hưởng gì, thưa ông?

Tất nhiên, việc Mỹ trở lại châu Á làm Trung Quốc khó chịu. Ngày 23/7/2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẽ không can dự vào tranh chấp chủ quyền. Nhưng Mỹ yêu cầu thứ nhất, phải giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng hòa bình, phản đối dùng vũ lực.

Mỹ cho rằng, tranh chấp lãnh hải phải giải quyết bằng con đường song phương và đa phương, đảm bảo đường hàng hải quốc tế thông suốt.

Thực ra, Mỹ cũng có vai trò nhất định trong tranh chấp Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản và các nước khu vực đều hiểu rằng những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt vùng nước được bao chiếm trong ‘đường lưỡi bò’ là hoàn toàn phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế.

Điều này bị Mỹ và các đồng minh, các nước khu vực phản đối. Chuyện phản đối dù là gián tiếp thì cũng là sức nặng với Trung Quốc.

Mỹ đã gián tiếp hỗ trợ cho lực lượng hải quân một số nước như Philippines, rồi thắt chặt hợp tác quân sự với Indonesia v.v...

Tất nhiên Mỹ sẽ không can thiệp. Có lẽ những tranh chấp mang tính chủ quyền thì Mỹ sẽ không đụng chạm vào. Yêu cầu tối thiểu của Mỹ là đảm bảo thông thương hàng hải quốc tế.

Thái độ này của Mỹ là phù hợp với xu thế chung, xu thế không đảo ngược được: hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

- Xét về tiềm lực quân sự, kinh tế, Philippines đang yếu thế hơn so với Trung Quốc, liệu điều này có làm giảm khả năng tranh chấp của Philippines?

Tất nhiên, về mặt nguyên tắc trong các cuộc tranh chấp từ trước tới nay, nếu mất cân bằng hết sức nghiêm trọng như Trung Quốc - Philippines, sẽ làm Philippines ở thế khó khăn.

Nhưng điều này không có nghĩa Trung Quốc muốn làm gì thì làm, cũng không có nghĩa Philippines sẽ bó tay.

Tôi cho rằng, Philippines vẫn có đầy đủ các phương tiện, công cụ trong buộc Trung Quốc phải tính toán chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Phải hợp tác quốc tế rộng lớn hơn

- Trung Quốc lâu nay luôn sử dụng lực lượng tàu Hải giám, tàu Ngư chính ở những vùng biển có tranh cãi chủ quyền. Philippines và các nước khác cần làm gì để ngăn được sự lấn lướt này, thưa Thiếu tướng?

Đúng là trước một đối tượng có sức mạnh vượt trội, các nước ASEAN đều yếu hơn về  kinh tế, về tiềm lực quân sự.

Nói về tranh chấp trên biển thì tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc là tranh chấp mất cân bằng nhất trên hành tinh này.

Điều này đặt ra vấn đề, các nước tranh chấp với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cũng như Philippines hiện nay và các nước khác phải vận động tổng hợp nhiều biện pháp.

Thứ nhất, các nước tranh chấp với Trung Quốc ít ra phải đoàn kết với nhau; thứ hai, thông qua kênh ngoại giao song phương với Trung Quốc, đặt vấn đề thẳng thắn với họ. Việc này Việt Nam và Philippines đã làm.

Và chúng ta cũng không bao giờ bỏ lỡ kênh ngoại giao đa phương, thiết lập một kênh ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước có tranh chấp.

Thứ ba, phải có hợp tác quốc tế rộng rãi hơn, tổ chức nhiều hội thảo quốc tế bàn về tranh chấp Biển Đông.

Đến độ nào đấy phải sử dụng các kênh của Liên Hợp Quốc, sức mạnh tổng hợp về ngoại giao, về chính trị đa phương, song phương.

Các nước có tranh chấp với Trung Quốc không kích động chủ nghĩa dân tộc, nhưng phải nói rõ với người dân về trách nhiệm, chủ quyền của nước mình.

Chắc chắn những biện pháp trên sẽ tạo sức mạnh, chính sức mạnh nằm trong quá trình thực hiện cam kết quốc tế của chúng ta chứ không phải chỉ sức mạnh kinh tế, quân sự.

- Philippines nói họ muốn ASEAN can thiệp. Vậy ASEAN có thể làm được gì trong bối cảnh Trung Quốc luôn lặp lại luận điệu: đàm phán song phương, không đàm phán đa phương?

Thực ra, vai trò của ASEAN trong tranh chấp Scarborough nói riêng và tranh chấp Biển Đông nói chung là không rõ ràng, không đậm nét.

>> CĂNG THẲNG CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO GIỮA PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Chỉ riêng có 4 nước tranh chấp với Trung Quốc tại Trường Sa là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, và một phần thềm lục địa với Indonesia.

Một số nước trong khối ASEAN có quan hệ với Trung Quốc nhưng chưa có tiếng nói chung kịp thời mạnh mẽ, đó là điểm yếu.  Do vậy, vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông còn hạn chế.

Nguy hiểm nếu Trung Quốc thành công

- Trong trường hợp Trung Quốc lấy được bãi đá, điều này ảnh hưởng thế nào tới an ninh khu vực Biển Đông?


Nên nhìn vấn đề này ở góc độ khác, Bãi Scarborough là thí nghiệm mới của chính sách Biển Đông Trung Quốc, xét về mọi góc độ pháp lý quốc tế.

Scarborough rõ ràng nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Trung Quốc vào đây là vi phạm luật quốc tế.

Thực ra,Trung Quốc muốn thông qua Scarborough để khẳng định chủ quyền của mình, để gián tiếp khẳng định tính hợp pháp trong yêu sách ‘đường lưỡi bò’.

Nếu thành công trong Scarborough, Trung Quốc đặt được một nấc thang để quốc tế hóa ‘đường lưỡi bò’, như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Về mặt lý lẽ, cộng đồng Quốc tế ủng hộ Philippines, và chắc chắn Philippines sẽ không bỏ rơi Scarborough.

- Theo ông, vấn đề bãi đá Scarborough/ Hoàng Nham sẽ đi đến đâu?

Tôi nghĩ, mình không thể nói xa được, nhưng từ đây tới cuối năm, tranh chấp Scarborough giữa Trung Quốc – Philippines hai tháng sẽ yên ổn.

Với tư cách là một người nghiên cứu chiến lược độc lập, thì tôi nghĩ rằng những cái Trung Quốc cần đã đạt được rồi, đó là, Trung Quốc đã biết được giới hạn phản ứng của Mỹ, biết được phản ứng của ASEAN, phản ứng của Philippines.  

Tôi chắc chắn từ nay đến cuối năm, sẽ là một khoảng lặng. Trung Quốc sẽ lùi trong thể diện và Philippines cũng không làm gì căng hơn mà tạm thời ngấm ngầm chấp nhận một cái gọi là hiện trạng. Sau đó hai nước sẽ bàn với nhau tìm giải pháp ổn thỏa.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!






Đỗ Hường(Thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn