Tranh cãi lớp tiểu học có ‘Chủ tịch’, chuyên gia giáo dục lên tiếng

Giáo dụcThứ Sáu, 17/07/2015 10:06:00 +07:00

Chuyên gia giáo dục đã chia sẻ quan điểm xung quanh những tranh cãi hiện nay về chức danh "Chủ tịch, Phó chủ tịch" trong dự thảo điều lệ trường tiểu học

(VTC News) – Chuyên gia giáo dục đã chia sẻ quan điểm xung quanh những tranh cãi hiện nay về chức danh "Chủ tịch, Phó chủ tịch" trong dự thảo điều lệ trường tiểu học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến.

TS Vũ Thu Hương, khoa Sư phạm Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ nhiều thông tin xung quanh tranh cãi về chức danh "Chủ tịch, Phó chủ tịch" trong dự thảo điều lệ trường tiểu học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến.

ts vũ thu hương
TS Vũ Thu Hương 
- Dự thảo điều lệ trường tiểu học đang được xin ý kiến có nội dung để chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách hội đồng tự quản khiến dư luận xôn xao. Bà có đồng tình đưa các chức danh này vào trong lớp tiểu học?


Những chức danh Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch hội đồng là tương đương với chức danh lớp trưởng lớp phó. Thực ra, điều lệ trường tiểu học mới không quy định là đổi chức danh lớp trưởng lớp phó thành chủ tịch hay phó chủ tịch.

Hai chức danh liên quan đến hội đồng tự quản nằm trong mô hình trường học mới VNEN.

Hiện nay trong hệ thống giáo dục tiểu học tồn tại 3 mô hình trường học trong đó có mô hình trường học mới VNEN và chức danh chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng tự quản nằm trong mô hình này.

Điều lệ trường tiểu học sắp ban hành chỉ liệt kê các chức danh có thể có trong trường tiểu học theo từng mô hình chứ không quy định đổi lớp trưởng thành chủ tịch.

- Nhiều ý kiến cho rằng để chức danh chủ tịch, phó chủ tịch sẽ khiến các cháu ganh đua không lành mạnh, dẫn tới tự kiêu, tự mãn... Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Theo tôi, chức danh có tên gọi là gì cũng không quá quan trọng. Ganh đua, tự mãn, tự kiêu sẽ xảy ra nếu như trong trường tiểu học có các chức vụ dù đó là chức vụ gì. Để đạt đến việc tránh mọi phản ứng tiêu cực đó, chúng ta chỉ có cách là dẹp hoàn toàn mọi chức vụ đi mà thôi.

- Quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh thì có phù hợp thực tế không khi hiện nay ở các thành phố lớn, mỗi lớp tiểu học thường 50-60 học sinh?

Sĩ số 35 học sinh hiện nay chỉ gây khó khăn cho 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà thôi.

Tuy nhiên, ngay trong thành phố Hà Nội thì quận Hai Bà Trưng cũng đã thực hiện rất tốt quy định sĩ số lớp không quá 35 học sinh.

Như vậy, chủ trương này hoàn toàn có thể thực hiện được. Khó khăn thì ở đâu cũng có nhưng rõ ràng không phải là không thể vượt qua.Vì thế, không thể nói quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh là phi thực tế.
Dự thảo điều lệ trường tiểu học đưa vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch khiến các phụ huynh tranh cãi gay gắt 

- Nhiều giáo viên tiểu học vẫn cho rằng nhiệm vụ của giáo viên vẫn không giảm tải được nhiều theo quy định của dự thảo lần này?

Có thể nói, theo điều lệ mới sắp ban hành thì nhiệm vụ giáo viên sẽ giảm bớt. Đặc biệt là khi quy định sĩ số học sinh không quá 35.

Ngoài ra, số lượng sổ sách của giáo viên cũng được giảm bớt. Như vậy, nhiệm vụ đã giảm bớt nhiều, không thể có chuyện quá tải.

- Quy định hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/ tuần, hiệu phó 4 tiết trên tuần có phù hợp thực tế không khi nhiều hiệu trưởng than rằng phải dạy cho đủ số tiết, trong khi giáo viên chính lại không có thời gian dạy. Đây có phải là thực tế khiến Bộ Giáo dục phải suy nghĩ?

Theo như dự thảo điều lệ quy định thì số 2 tiết trong 1 tuần được tính là tương đương. Nghĩa là hiệu trưởng có thể dạy dồn vào 1 tháng hoặc 1 tuần. Với quy định 2 tiết/tuần, hiệu trưởng sẽ phải dạy 70 tiết trong cả năm học. Nếu là trường học 2 ngày, nghĩa là 7 tiết/ ngày thì có nghĩa là hiệu trưởng sẽ chỉ phải dạy 10 ngày trọn vẹn thôi. Số lượng này thực sự là không quá nhiều.

Việc giảng dạy này sẽ giúp cho hiệu trưởng nắm vững chương trình và hiểu rõ những khó khăn mà giáo viên gặp phải trong quá trình làm việc. Theo tôi, điều này là cần thiết.

- Quy định “Chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu của giáo viên tiểu học là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” liệu có quá lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu hiện nay?


Quy định này đúng là không cao, nhưng hiện nay, giáo viên còn rất thiếu, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa. Nếu đẩy cao quy định, giáo viên sẽ phải dành thời gian để học nâng cao.

Việc này sẽ gặp khó khăn cho giáo viên vì trong năm giáo viên tiểu học phải đứng lớp kín lịch suốt 9 tháng.

Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm những quy định động viên các giáo viên nâng cao trình độ để tiến tới nâng cao chuẩn giáo viên tiểu học trong tương lai không xa.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn