Tranh luận "nảy lửa" vấn đề văn hóa ở vụ clip nữ sinh

Bạn đọc viếtThứ Sáu, 19/03/2010 12:06:00 +07:00

(VTC News) Ngay sau khi được đưa ra, văn hóa vùng miền trong ứng xử, mà dẫn chứng trực tiếp là những clip nữ sinh hành hung bạn, đã gây tranh luận khá gay gắt..

(VTC News) Ngay sau khi được đưa ra thảo luận, vấn đề văn hóa vùng miền trong ứng xử, mà dẫn chứng trực tiếp là những clip nữ sinh hành hung bạn gây chấn động gần đây, đã gây ra dư luận trái chiều trong độc giả VTC News. Có những ý kiến phản đối quan điểm này khá gay gắt, nhưng đa phần ý kiến khác đều thừa nhận có ảnh hưởng khá rõ nét của môi trường sống đối với hành vi.

 

Thiết nghĩ, đây không phải một vấn đề nói cho vui, mà hoàn toàn nghiêm túc xét trên bình diện văn hóa và xã hội học, đồng thời có nhiều ý nghĩa thực tiễn đặt ra với các nhà giáo dục. Do đó, VTC News xin tổng hợp những quan điểm độc giả đã phân tích, bình luận về vụ việc này.

 

* Quan điểm phản đối: Ở đâu cũng có người này, người khác

 

Le Thanh, [email protected]: Sai lầm


Tôi cho rằng nhận định quá sai lầm. Cái cốt yếu để làm nên nhân cách con người chính là gia đình. Còn yếu tố vùng miền chỉ ảnh hưởng chút ít, cái chính vẫn là cách giáo dục gia đình.


Đây mới chỉ là 1 video clip trong rất nhiều clip mà nữ sinh đánh nhau chưa tung lên mạng mà thôi. Theo tôi người miền Nam hiền hoà nhưng sống không tình cảm bằng miền Bắc. Các vị vẫn chưa nhìn thấy trong miền Nam sự việc như thế nhưng tính chất còn kinh khủng như thế nào đâu.


Nói chung cái gì cũng có 2 mặt của nó, có người này người nọ, mỗi vùng miền trên đất nước lại khác nhau. Điều tôi muốn nói là những gia đình hãy xem lại cách dạy dỗ con cái của mình hơn nữa để chúng không lạc vào những con đường tội lỗi.


Nguyen Thanh Luan, [email protected]

Bạn đã xem hết ở Youtube xem chưa? Ở Tp.HCM cũng nữ sinh đánh nhau, cũng những đòn như thế, rồi từng có ở Lâm Đồng. Toàn là nữ sinh không đó!


luon vui ve, [email protected]:


Tôi không đồng tình, không nên vơ đũa cả nắm như thế...


Sự thực là phần đông vẫn là phần thắng, dù phần đông đó sai. Tác giả bài viết kia đã vô tình vơ hết những gương người tốt việc tốt, thanh niên mùa hè xanh, con em ngoan, học trò giỏi… vào chuyện này, tôi thấy không tán thành.


Còn về chuyện nữ sinh đánh nhau, nói thật là mọi người đã quá thờ ơ, để bây giờ biết thì mới làm đóa lên và giả bộ ngây ngô không biết... Sự thực là chuyện đánh nhau và giải quyết xích mích với nhau bằng nắm đấm đã tồn tại từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ, không chỉ riêng con trai hay con gái. Chỉ là bây giờ phát triển internet nên mọi người mới được xem cận cảnh như thế.


Không có gì hoàn thiện cả, ví dụ: 1 ngôi trường xếp hạng xuất sắc, toàn học sinh giỏi... nhưng lấy gì đảm bảo rằng trong ngôi trường đó ai cũng yêu thương và ai cũng đối xử tốt với nhau. Học sinh vẫn là học sinh, vẫn là con người, chúng có những thắc mắc và bất đồng với nhau, và khi không có sự giải quyết hay lắng nghe từ phía nhà trường thì chúng bắt buộc phải... tự giải quyết.


Đánh nhau như thế không phải hiếm, tôi dám nói không hiếm vì chuyện này, ngoài bắc hay trong nam, miền núi hay miền xuôi, đâu đâu chả có vài vụ... Đó là hậu quả từ tấm gương người lớn. Và việc video clip này chỉ là 1 hậu quả trong rất nhiều nguyên nhân mà những người thân, hay những người lớn mà em đã tiếp xúc đã để lại.


Còn nhớ khi tôi còn đi học, tôi vẫn thấy những đàn anh đàn chị ăn hiếp những đứa “lính mới” như tôi, vẫn thấy bè phái trong trường lớp, ăn nói luôn phải e dè vì sợ nói đụng đến anh nào là bị gọi ra công viên. Mà hồi đó mà có quay phim, chắc cũng như video clip kia thôi. Cô giáo hay bảo vệ thì cũng thế thôi, họ chỉ ngồi trong nhà trường, làm gì rảnh mà đi theo mà bảo vệ học sinh được chứ. Chả trách họ được. Cha mẹ thì chỉ ở nhà chờ con về hay quá lắm thì đưa con đi rồi rước con về, làm sao họ quản được những thứ con cái mình bị ám ảnh trong đầu.


Nguyệt Như, Tp.HCM: Đừng nhìn theo hướng chủ quan...


Đừng nói thế, ai mà lại giải thích như vậy? Em là 1 nữ sinh viên đầu 9x, là con gái miền bắc chính gốc nhưng lại sống ở miền nam. Em không đồng tình với quan điểm này, bạn bè miền nam, miền bắc em đều có đủ và hầu hết là 9x. Thật sự mà nói chuyện đánh nhau của nữ sinh bây giờ không hiếm, con gái miền nam cũng có  người rất  ác chỉ có điều là họ không đưa lên mạng thôi. Cái tệ của những bạn nữ sinh miền bắc là đánh nhau rồi đưa cho thiên hạ xem cái sai, cái hư, cái xấu của chính mình. Và hơn nữa, con gái miền nam ghét kiểu đánh nhau bạo lực, yêu đương vớ vẩn từ những bộ phim HQ hay HK.


* Ý kiến ủng hộ: Văn hóa thực sự là một yếu tố đáng suy nghĩ

 

Lang Thang, [email protected]: Đúng đấy


Tôi đã từng sống ở cả trong nam lẫn ngoài bắc nên thấy nhận xét của bạn rất đúng. Không chỉ giọng nói, tính cách của người miền nam cũng nhẹ nhàng hơn. Ở các quán nhậu trong nam thường không có va chạm, xô xát, nhưng chuyện đánh nhau ở các quán rượu ngoài bắc lại rất bình thường. Người ngoài bắc (một số) có thể gây gổ đánh nhau chỉ vì thấy "ngứa mắt", trong nam thì không vậy.


Trần Văn Dũng, [email protected]: Văn hóa người Bắc

 

Tôi quê ở Thanh Hóa, nơi không phân biệt rõ miền bắc hay miền trung, tuy nhiên lối sống thì theo văn hóa miền bắc là chủ yếu. Tôi cũng đã bôn ba gần 10 năm ở miền nam, miền trung, có một điều mà hầu hết mọi người đều biết và đều nghĩ là: người miền bắc thường sống ít ôn hòa hơn người miền nam, hay người ta vẫn thường nói "người miền nam hiền hơn và thiện chí hơn" thậm chí nghe giọng nói của họ cũng có cảm tình hơn là miền bắc, trong ứng xử thông thường họ cũng ít nói tục.

ket bui ngoc, [email protected]: Tôi nghĩ là khá chính xác


Là một người từ miền bắc, dân Hải Dương, vào nam sinh sống hơn 15 năm, tôi cảm nhận một thực tế rất rõ ràng, con người miền nam chân thành, đôn hậu, ghét nói dối, và đặc biệt trẻ em, thanh niên trong nam, dù ra ngoài đường có là giang hồ, nhưng khi về nhà gặp khách, vẫn cúi đầu khoanh tay chào hỏi.  


Tôi cho rằng những người bắc như tôi, nếu sống lâu trong nam sẽ cảm nhận những tật xấu của chính mình và loại bỏ dần dần. Chính cuộc sống xung quanh giáo dục cho con người tính tình nhân cách, mở một cửa hàng ở Sài Gòn mà bán kiểu chợ Đồng Xuân thì chỉ có nước dẹp tiệm. Tôi đã chứng kiến cháu tôi, ra ngoài quê chơi hơn 1 tháng, khi vào Sài Gòn thấy khác hẳn, đó chính là sự nói tục.  


Quoc Dang, [email protected]: Văn hóa vùng miền


Tôi là một người miền nam, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Tôi không dám luận bàn nhiều về văn hóa vùng miền, vì chưa hiểu hết. Nhưng chắc mọi người vẫn còn chưa quên câu chuyện lễ hội hoa, thay vì trân trọng thì ở Hà Nội người ta lại chà đạp lên cả hoa. Đó là câu chuyện văn hóa nhưng cũng là vấn đề của toàn xã hội.


Nói vậy cũng không có nghĩa là miền nam hoàn toàn tốt. Nếu tốt thì văn hóa đó cần phải được nhân rộng, lấn át cái xấu. Em chưa từng được ra Hà Nội, cũng như chưa bao giờ vượt quá đèo Hải Vân. Em chỉ biết Hà Nội qua tivi, báo chí... nhưng em nghĩ người Hà Nội cần làm cái gì đó thiết thực hơn cho kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long.


Ngô Sang, [email protected]: Thực sự có ảnh hưởng


Quả thực là văn hóa vùng, miền ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của con người ở từng địa phương đó. Khi tôi học đại học thầy tôi có hỏi tôi rằng: Theo bạn thì yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hành vi con người như thế nào? Đôi điều cùng chia sẻ!


Không chỉ là chuyện “trà dư tửu hậu”, nếu quả thật có khác biệt trong văn hóa ứng xử giữa các miền, thì mỗi ý kiến của bạn có thể góp phần khiến các nhà giáo dục phải đầu tư hơn cho phương pháp đào tạo phù hợp với đặc thù vùng miền, cũng là đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của thực tế. Gửi ý kiến qua ô thảo luận cuối bài, hoặc qua địa chỉ mail [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn