Ai có quyền "đánh cắp" vẻ đẹp tự nhiên của bóng đá?

Bức xúc thường ngàyThứ Hai, 05/07/2010 05:40:00 +07:00

(VTC News) - Bóng đá vốn tự nhiên. World Cup là đỉnh cao của bóng đá. Nếu suy luận kiểu bắc cầu thì vẻ tự nhiên ở World Cup phải “đỉnh”. Nhưng thực tế thì...

(VTC News) - Bóng đá vốn tự nhiên. World Cup là đỉnh cao của bóng đá. Nếu suy luận kiểu bắc cầu thì vẻ tự nhiên ở World Cup phải “đỉnh”. Nhưng thực thế không phải như vậy. FIFA World Cup giờ đây là một cuộc chơi đầy toan tính và nặng “chất”... công nghiệp.

Lợi nhuận thu được từ bóng đá là cực lớn, mà hễ cái gì ra tiền thì người ta sẵn sàng biến nó thành một nền công nghiệp. Sản xuất công nghiệp hàng loạt thì cái nào cũng như cái nào, giống nhau y như đúc, làm gì có chuyện “thổi hồn” riêng cho từng sản phẩm như một người thợ thủ công. Lấy ví dụ, bộ đồ thi đấu của các đội tại World Cup na ná giống nhau, dĩ nhiên mỗi đội tuyển có một sắc áo riêng, nhưng đều trên cái nền giống nhau của các đại gia sản xuất đổ thể thao. Cũng dễ hiểu thôi, sân chơi World Cup lần nào cũng là cuộc chiến giành giật thị phần khốc liệt giữa Adidas, Nike, Puma. Sân vận động, nơi diễn ra các trận đấu cũng từa tựa như nhau, bây giờ mà kiếm ra kiểu kiến trúc cổ như sân Olimpico ở Roma hay quái dị như sân Braga ở Bồ Đào Nha thì thật là khó.

 

 Brazil - nạn nhân của bóng đá "công nghiệp hóa"?


Chuyện ngoài lề đã thế, dưới sân, các đội thi nhau “copy” y chang chiến thuật của nhau. Nét công nghiệp còn thể hiện ở chỗ các HLV sẵn sàng biến đội bóng của mình thành một “cỗ máy” chiến thắng, họ làm mọi cách để chiến thắng: câu giờ, phạm lỗi đá nguội, khiêu khích đối thủ, đổ bê tông trước khung thành… Ôi thôi bao nhiêu là cách. Vì thành tích, họ cũng chẳng cần biết đến cảm giác của khán giả. “Anh đã mua vé hay đã trả tiền xem trực tiếp trận đấu của chúng tôi thì mặc kệ anh, ở đây không có chuyện biểu diễn hay giải trí gì hết. Chúng tôi đến đây để chiến thắng”.

 

Điều đó thể hiện rõ ở World Cup lần này, các nghệ sĩ sân cỏ thực thụ ít có đất để “múa”, một phần là do các HLV của họ đề cao vai trò của tập thể hơn, ai cũng thấm nhuần triết lý bóng đá thực dụng hay do đối thủ của họ áp dụng lối đá pressing, đem xe buýt ra trước khung thành mà chống đỡ... Brazil, Argentina – hai đại diện tiêu biểu của bóng đá nghệ sĩ thất bại tại World Cup này vì lý do trên (May quá! Vẫn còn Tây Ban Nha).

 

Lấy lý do trọng tài sai sót, họ (FIFA) bắt đầu cấy chip điện tử lên khắp sân từ quả bóng, khung thành cho đến vạch vôi cuối sân… rồi đây người ta sẽ có cảm giác đang chơi bóng trên những bo mạch điện tử! Những quyết định sai của trọng tài đã gây ra đau khổ cho vạn người nhưng dù sao cũng là sai sót của con người. Sự ấm ức, tiếc nuối đó đôi khi lại là những cảm xúc, một kỉ niệm khó quên của cả một giải đấu. Nên xem đó là một kinh nghiệm để mà rút tỉa, rạch ròi trắng đen quá không hay.

 

Vùng giới hạn cho HLV xuất hiện vài năm trở lại đây cắt đứt chất lửa mà các HLV truyền cho học trò trên sân, “đóng khung” luôn cả cá tính của họ. Công nghệ truyền hình khiến người ta lười đến sân… Lửa cháy, pháo sáng, pháo giấy… những hình ảnh quen thuộc trên khán đài sẽ không còn nữa vì yêu cầu an ninh do FIFA đặt ra ngày càng nghiêm ngặt…

 

Có thể nhiều người thích cái kiểu công nghiệp mà FIFA đang làm với bóng đá ngày nay. Tôi thì không…

 

Hãy trả lại vẻ đẹp tự nhiên của bóng đá, cũng chính là trả lại tình yêu tự nhiên cho người hâm mộ.

 

 

Vương Trần Quang Tuấn

 

Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này? Có phải bóng đá hiện đại đang dần bị “công nghiệp hóa” và mất đi vẻ đẹp, hay nó đang đẹp lên theo hướng “hiện đại hóa”? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn!

Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Viết bài hay, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ”. Mời bạn đọc tiếp tục gửi những nhận định, bài viết của mình về những chuyện trong hay ngoài sân cỏ World Cup, để nhận được những giải thưởng thú vị từ BBT. Vào đây để gửi bài viết của bạn, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!
Bình luận
vtcnews.vn