Phản hồi: Bạn không cần phải là người Hà Nội!

Tâm sựChủ Nhật, 19/09/2010 02:29:00 +07:00

(VTC News) - Ba chữ “người Hà Nội” chẳng hàm ý gì cao quý hơn nơi khác cả, sở dĩ người Hà Nội tự hào là vì yêu mến thành phố nơi mình sinh ra mà thôi...

(VTC News) -  Sau khi đăng tải tâm sự của độc giả Phạm Tuấn Anh, một bạn trẻ yêu mến và muốn được coi là người Hà Nội, BBT đã nhận được nhiều phản hồi chia sẻ. Dưới đây là một trong những bức thư đầu tiên do một “người Hà Nội” gửi đến.

 

Thân gửi bạn Tuấn Anh!

 

Thú thực, đọc xong lá thư của bạn, tôi rất băn khoăn, một mặt, cảm thấy những trăn trở của bạn có lẽ cũng là trăn trở của nhiều bạn trẻ yêu Hà Nội khác; mặt khác, tôi cũng hiểu vấn đề này hơi nhạy cảm và có thể tạo ra những bất đồng, hiểu lầm không đáng có giữa những người đang cùng nhau xây dựng mảnh đất này. Nhưng tôi nghĩ có những điều thẳng thắn chia sẻ sẽ tốt hơn.

 

Tôi đồng ý với bạn, những thứ giấy tờ mang tính thủ tục không đủ quyết định việc bạn có phải “người Hà Nội” hay không. Một cuốn sổ hộ khẩu chỉ chứng tỏ bạn là “người có hộ khẩu Hà Nội” thôi. Khoảnh khắc cầm một thứ giấy tờ trong tay không thể nào có giá trị thần kỳ biến người tỉnh A thành người tỉnh B, nước A thành nước B được, mặc dù về pháp lý thì đúng là như thế. Bởi vì, nếu như hộ khẩu, hay là đăng kí tạm trú, trong trường hợp của bạn, cho biết bạn đang sống ở nơi nào, thì khái niệm “người tỉnh A” cho biết bạn thuộc về nơi nào. “Thuộc về” đó là khái niệm tình cảm nhiều hơn là vật chất. Mà để thực sự thuộc về một nơi nào đó, bạn cần có sự gắn bó.

 

Tôi có những người quen sống ở Hà Nội đã hàng chục năm rồi, nhưng họ vẫn tự nhận mình là người tỉnh A, tỉnh B, bởi vì dù cũng rất yêu mến thành phố này, nhưng họ không đủ đồng điệu để thuộc về nó. Nếu không sinh ra ở nơi này, bạn cần ít nhất vài chục năm gắn bó để cảm nhận cái chất “người Hà Nội” từ trong tâm hồn, bởi vì độ “ngấm” của một thứ văn hóa nhẹ nhàng, tinh tế như Hà Nội thường không ào ạt, nhanh chóng được.

 

Mà thực ra, “ngấm” hết cái văn hóa đó, chưa chắc đã là một biến chuyển tuyệt đối tích cực đâu, vì người Hà Nội cũng có nhiều “tật xấu” như bạn đã biết; có thể trong quá trình ấy, bạn sẽ đánh mất những nét văn hóa khác cũng đẹp và đáng quý không kém của quê hương bạn, như sự cần cù, cầu tiến chẳng hạn. Chuyển biến về văn hóa từ nơi này sang nơi khác, như giữa Hà Nội và quê bạn chẳng hạn, cũng đâu phải là sự phát triển hay tiến hóa, nó chỉ là một thay đổi của bạn theo môi trường sống mà bạn lựa chọn thôi.

 

Bạn cũng đừng buồn vì những người bạn may mắn đã được nhập hộ khẩu. Cũng giống như bạn, họ chưa phải là người Hà Nội, họ chỉ đang bày tỏ mong muốn ổn định cuộc sống lâu dài ở đây thôi. Đúng là họ có thuận lợi hơn trong một số vấn đề, nhưng tôi tin rằng với sức trẻ và những tình cảm mà vợ chồng bạn dành cho Hà Nội, cuộc sống của 2 bạn sẽ ngày một tốt đẹp, bởi so với nhiều nơi, Hà Nội xét cho cùng vẫn là miền đất hứa với những cơ hội chia đều cho tất cả.

 

Một lần nữa tôi phải nhắc lại, ba chữ “người Hà Nội” chẳng hàm ý gì cao quý hơn nơi khác cả, sở dĩ người Hà Nội chúng tôi tự hào là vì chúng tôi yêu mến thành phố nơi mình sinh ra, cũng như yêu quý mẹ đẻ của mình vậy – điều đó đâu phải vì mẹ tôi giỏi hơn, đẹp hơn, đảm đang hơn mẹ người khác, chỉ đơn giản vì đó là mẹ tôi thôi. Bạn không cần phải là “người Hà Nội” mới có được một chỗ đứng ở thủ đô.

 

Còn tự hào về Hà Nội ngàn năm – tại sao không nhỉ? Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, mọi người Việt đều có quyền tự hào về nó. Hà Nội là của chung tất cả chúng ta.

 

Thùy Minh

Còn bạn, bạn có đồng ý với những quan điểm độc giả trên đưa ra? Bạn có nghĩ đang tồn tại một sự bất công giữa những người đang cùng đóng góp cho thủ đô? Bạn có cho rằng nên cải cách một số quy định và thủ tục hành chính để cuốn hộ khẩu không còn là rào cản quá lớn đối với các bạn trẻ ngoại tỉnh đang làm việc ở Hà Nội? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn