Xin lỗi, tôi không thể gọi ông là bố!

Tâm sựThứ Sáu, 04/06/2010 11:57:00 +07:00

Có thể nhiều người nghĩ tôi là máu lạnh, là bất hiếu, là ích kỉ, nhưng tôi không thể, không thể tha thứ cho người đàn ông đó, càng không thể gọi ông ta là bố!

Có thể nhiều người nghĩ tôi là máu lạnh, là bất hiếu, là ích kỉ, nhưng tôi không thể, không thể tha thứ cho người đàn ông đó, càng không thể gọi ông ta là bố!

Mẹ sinh ra tôi khi đã có một gia đình ấm áp, một người chồng công chức mẫn cán, thế nhưng chính vì sự ra đời của tôi đã phá vỡ những điều tưởng như đơn giản ấy.
 

Tôi không phải là con của bố tôi.

 

Tôi chưa bao giờ được nghe một cách cụ thể, rành mạch về điều đó. Tôi cũng chưa bao giờ nỡ hỏi mẹ. Khi còn nhỏ, tôi đã nghe được những câu nói có khi cay nghiệt, có khi xa xôi bóng bẩy của nhiều người, về cái điều bí mật đó. Đừng nghĩ trẻ con không hiểu gì.
 

Bố thương tôi, nhưng hình như cũng sợ tôi. Chẳng mấy khi tôi được ông bế trên tay, được nựng nịu vuốt ve như những đứa trẻ khác. Ngôi nhà thiếu tiếng cười, lúc nào cũng như ngại ngần, tránh né. Có lẽ lớn lên trong cái không khí căng thẳng và gượng gạo ấy, tôi cũng quen với nó. Nhưng mẹ thì không bao giờ quen được. Mẹ lặng lẽ khóc một mình. Những lần tôi bắt gặp, mẹ nói: À, mẹ bị cay mắt thôi mà. Đến năm tôi lên 5, thì mẹ không còn chịu nổi những cơn “cay mắt” nữa. Bố mẹ chia tay, do mẹ chủ động đề nghị, thậm chí sau này, tôi mới biết mẹ ép bố phải chia tay.

 

Bố đồng ý. Có lẽ lúc đó, bố tưởng rằng mẹ đã  tìm thấy cho mình (và cho tôi) một bến đỗ khác. Nhưng mẹ không đi bước nữa, và bố cũng vậy. Vài tháng một lần, bố đến thăm mẹ con tôi. Tôi còn nhớ như in hình ảnh đó, bố ngồi trên chiếc ghế mây, lặng lẽ. Mẹ cúi đầu, trả lời khe khẽ những câu hỏi của bố về công việc, sức khỏe, về những người thân bên ngoại… Chưa một lần nào, tôi nghe bố nhắc đến chuyện tái hợp.

 

Rồi dưới áp lực của bà nội, bố cũng có một gia đình riêng. Nhưng chẳng được bao lâu, hai, hay ba năm gì đó, người vợ mới cũng rời xa bố, vì bố đã không thể dành chỗ cho người ấy trong trái tim mình. Và rồi, ông lại vài tháng một lần xuất hiện trong ngôi nhà của mẹ con tôi, trên chiếc ghế mây… Mỗi lần nhìn tôi, dường như ông hoang mang; đôi mắt ông hướng xuống mũi giầy, như có chút gì hổ thẹn.

 

Bố mẹ đã từng có một tình yêu mà đến tôi cũng phải mơ ước, một đám cưới được cả hai bên gia đình chúc phúc, xóm giềng ngợi khen. Thế nhưng, chỉ trong vài tháng – chỉ vài tháng, khi bố đi công tác, thì cô vợ trẻ ở nhà lại có mang…

 

Tôi không nghĩ một người như bố lại không đủ cao thượng để chấp nhận đứa trẻ là tôi. Nhưng có lẽ, tôi là nhân chứng cho một nỗi đau quá lớn mà ông không tài nào chịu nổi. Tôi không thể hình dung rõ ràng ông đã trải qua những ngày tháng đó như thế nào, những khi không ở trong căn phòng nhỏ của mẹ con tôi, không ngồi trên chiếc ghế mây và lặng lẽ châm thuốc.

 

Mười lăm tuổi, tôi hỏi mẹ: Sao mẹ không quay về với bố? Mẹ lặng im. Trên môi mẹ thoáng nét cười, nhưng trong mắt là ánh buồn không sao tả nổi.

 

Mười bảy tuổi, tôi hỏi mẹ: Sao mẹ không cho bố quay về? Mẹ mỉm cười.

 

Ngày tôi tốt nghiệp đại học, bố cũng đến tặng hoa. Tôi hỏi mẹ: Sao bố mẹ không quay lại với nhau? Mẹ thở dài. Tôi thật ngốc khi hỏi điều đó. Vì mẹ yêu bố!

 

Mẹ yêu bố, nên không muốn bố phải sống trong dằn vặt. Mẹ yêu bố, nên không thể thản nhiên làm một người vợ thảo hiền, như thể mẹ chưa từng có lỗi gì với bố. Mặc dù hơn ai hết, mẹ xót xa khi bố không thể tìm được hạnh phúc mới cho mình khi vắng mẹ. Cứ thế, suốt chừng ấy năm trời, hai người làm khổ nhau, làm khổ chính mình, như cách họ đã dằn vặt bản thân và dằn vặt lẫn nhau từ lúc tôi ra đời.

 

Bạn có tin được không, một tình yêu như thế, một câu chuyện như thế? Nhưng tôi thì không thể không tin, vì nó là câu chuyện của bố mẹ tôi – trong giấy khai sinh, ông vẫn là người bố hợp pháp của tôi. Tôi hiểu mẹ, tôi thương bố. Và tôi căm ghét một người, người tôi không biết mặt, biết tên, người đã hủy hoại một gia đình hạnh phúc, đã làm bố mẹ tôi suốt cuộc đời đau đớn khôn nguôi. Tôi không đi tìm, không hỏi về ông ta, và tự thấy may mắn vì đã không phải biết gì về con người đó.

 

Thế mà rồi, ông ta xuất hiện!

 

Ông ta xuất hiện khi những gì lỡ dở đã hoàn toàn lỡ dở. Bố mẹ tôi đều đã sắp về hưu, mẹ sống cùng vợ chồng tôi, còn bố vẫn một mình. Tôi nhiều lần khẩn khoản bố về sống cùng, nhưng ông lắc đầu. Ông không còn như xưa, sợ cô bé là tôi. Có lẽ chỉ vì chừng ấy năm qua, ông đã quen thuộc với cuộc sống một mình và những chuyến viếng thăm lặng lẽ mà bất ngờ dành cho tôi và mẹ.

 

Ông ta xuất hiện khi tôi bắt đầu thấy hạnh phúc, hay là đã nhìn nhận hạnh phúc theo một cách khác, khi tôi ngỡ rằng dù có khổ đau trong quá khứ, thì đến giai đoạn này, bố mẹ tôi đã có thể thanh thản nhìn nhau và nhìn những chuyện đã qua, và có quay lại chung sống hay không cũng không còn quá quan trọng nữa.

 

Ông ta xuất hiện, khi mà tôi đã thực sự trở thành con gái của bố tôi theo một nghĩa ngọt ngào và cay đắng nhất. Bố đã không còn ngại ngần khi nhìn tôi, bố mỉm cười khi nghe con trai 2 tuổi của tôi thỏ thẻ gọi bố bằng ông ngoại.

 

Ông ta xuất hiện, để đòi tôi gọi ông ta bằng bố!

 

Người đàn ông đó, người bạn cũ của bố tôi, bây giờ bỗng nhiên xuất hiện để đòi nhận đứa con gái mà ông ta chưa bao giờ biết mặt! Hóa ra, không phải bố không tha thứ cho mẹ tôi, mà chính bố thấy mình có lỗi khi đã không bảo vệ được mẹ...

 

Ông ta bám lấy tôi dai như đỉa. Ông ta nói, con người ta sinh ra trên đời, cái gì cũng chọn được, chỉ riêng cha mẹ là không thể. Ông ta kể những chuyện ngày xưa, những người con trong lịch sử đã tha thứ cho những tội lỗi to lớn của cha mẹ như thế nào. Hiển nhiên rồi, ông ta là một người uyên bác. Nhưng vô ích thôi, dù ông có quỳ xuống xin tôi chấp nhận, có nói mình đang bị ung thư giai đoạn cuối như trong mấy bộ phim Hàn Quốc, thì tôi cũng không tài nào chấp nhận một người bố như ông.

 

Bây giờ, ông lại còn trơ trẽn xuất hiện để xới lại nỗi đau đã chìm khuất đó!

 

Chồng tôi, bố mẹ tôi đều không can thiệp, để tùy tôi quyết định. Có lần, mẹ tôi khẽ nói: Thôi con ạ, ông ấy cũng già rồi… Tôi đáp: nghĩa tử là nghĩa tận, bao giờ ông ta nhắm mắt, con sẽ đến với một vòng hoa. Còn nhận ông ta là bố thì không, con không thể. Đó là lựa chọn của tôi.

 

Có thể nhiều người sẽ nghĩ tôi là cố chấp, là máu lạnh, là bất hiếu, là ích kỉ, nhưng tôi không thể, không thể tha thứ cho người đàn ông đó, càng không thể gọi ông ta là bố! Cái từ ấy hết sức thiêng liêng, hết sức cao quý, ngay cả với một đứa con gái như tôi. Mà không, nhất là với một đứa con gái như tôi, trong suốt đời mình, chưa bao giờ được gọi tiếng Cha một cách trọn vẹn…

 

P.H.A

 

Không thể tin dù đó là sự thật! Một bi kịch gia đình mà mọi cái kết đều khó trở nên hoàn toàn có hậu. Nhưng bạn có cho rằng cô con gái trong câu chuyện này hơi cực đoan với cha đẻ của mình? Nếu đặt địa vị là bạn, bạn có tha thứ cho người cha như vậy? Thế nào là quan niệm đúng đắn về chữ "hiếu" và có phải mọi người cha, người mẹ đều được nhận chữ "hiếu" ấy mà không cần điều kiện gì khác? Hãy chia sẻ quan niệm của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn