Vợ ơi biết là sướng, anh sợ lại "tăng K"

Tâm sựThứ Tư, 14/04/2010 06:01:00 +07:00

"Chất" Bách khoa qua con mắt hóm hỉnh của một anh chàng với kinh nghiệm 8 năm làm sinh viên và 1 tháng... làm chồng!

"Chất" Bách khoa qua con mắt hóm hỉnh của một anh chàng với kinh nghiệm 8 năm làm sinh viên và 1 tháng... làm chồng!


Một tháng đầu tiên sống với vợ đã trôi qua. Nó khác hẳn thời gian trước đó. Nhanh chóng, nhẹ nhàng, êm ả là điều mà tôi cảm nhận được từng phút giây trôi qua, đặc biệt những lúc ở bên em.


Gần 8 năm tôi gắn bó với trường đại học Bách Khoa và cũng chừng ấy thời gian chúng tôi yêu nhau. Vậy mà tình yêu chúng tôi dành cho nhau đã có kết quả, còn “tình yêu” tôi dành cho ngôi trường này vẫn chưa đi đến đâu và cũng không biết có tới đích hay không. Còn em, em chỉ gắn bó với trường Kinh tế 4 năm và đã đi làm được 4 năm rồi.


Tháng 8/2002, lần đầu tiên tôi sống xa nhà sau 18 năm được sự nuôi nấng của bố mẹ. Ở cái tuổi trưởng thành ấy nhưng tôi vẫn bị mọi người cho là trẻ con bởi cái xác to oành, khuôn mặt non choẹt ấy. Bỡ ngỡ, cô đơn, thiếu thốn tình cảm, nhớ nhà là điều không thể tránh khỏi ngay từ phút ban đầu của bất kỳ cô cậu sinh viên nào như tôi, cả em cũng vậy. Nhưng may mắn đã đến với chúng tôi, chính xác là với riêng tôi – tôi đã gặp được em để bù đắp sự thiếu thốn đó, khi chúng tôi cùng chung một xóm trọ. Nhiều người không tin vào tình yêu sét đánh, nhưng chúng tôi đã là một minh chứng cho tình yêu ấy.


Có những lúc giận nhau, chuyển nhà trọ để xa nhau nhưng vẫn không thể quên được nhau, “hình bóng” ấy đã do “số trời” định rồi. Nhưng tôi thấy tự hào về em và về cả bản thân tôi nữa, chúng tôi đã “hoãn sự sung sướng đó lại” dù có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua, để có giây phút thực sự tốt đẹp khi chúng tôi là vợ chồng. Một điều được coi là lạc hậu so với các bạn sinh viên hiện nay, nhưng tôi biết, chúng tôi đã có quyết định sáng suốt.


Tám năm học ở ngôi trường này, nhưng vẫn chỉ là sinh viên năm thứ 4, trung bình cứ 2 năm một lớp là "lộ trình" tôi đang đi. Có những lúc tưởng như được “ra trường” sớm rồi nhưng lại có “cứu tinh” xuất hiện. Đó là những thầy hiệu trưởng mà tôi còn nhớ mãi cho dù chưa được tiếp xúc một lần, nhờ những cơ chế thoáng kịp thời thay đổi của các thầy mà tôi đã hai lần “thoát hiểm”. Giai đoạn đại cương (2 năm đầu) lẽ ra chỉ được lưu ban 1 lần, nhưng tôi đã học “kỹ” tới 5 năm để chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyên ngành.


Tôi thực sự biết ơn em vì đã ở bên tôi những lúc tôi vui, làm vơi đi nỗi buồn trong tôi. Lần lưu ban đầu tiên tôi nghĩ không thể vượt qua nổi, bởi nó như là cú sốc giáng xuống tôi và gia đình. Nhưng thực tế ở ngôi trường này là như vậy mà, nó khẳng định chân lý “ở nhà nhất mẹ, nhì con”. Nhờ có em mà tôi gượng dậy được và đi tiếp. Rồi những lần sau, lưu ban nhiều có lẽ đã “quen” nên không cảm thấy buồn nữa. Có lẽ tôi là người có số bạn học cùng đại học nhiều nhất, bây giờ vào bất kỳ lớp nào tôi cũng là “anh cả” rồi.


Thế mà thời gian trôi qua cũng khá nhanh trong tôi, mặc cho bản thân rong ruổi với những ngày đó. Tôi thật cảm phục và trân trọng em, em dành cho tôi những tình cảm chân thật, dù tôi không thể xứng đáng với em. Tuy tôi cũng đã đi làm thêm được hơn một năm qua nhưng chỉ đủ vào miệng, vẫn phải ăn bám bố mẹ khoản học phí, trên hết là em đã quá hiểu tôi rồi nên đã miễn cho tôi khoản “tình phí”.


Ngày 9/3 vừa qua, tôi đã chính thức có được em, chúng tôi đã là vợ chồng. Dù tôi chưa muốn nhưng tôi hiểu, theo lịch ta chúng tôi đã 27 tuổi, không cưới năm nay thì phải 2 năm nữa như vậy sẽ lỡ thì cho em, em lo lắng cũng phải thôi. Và tôi đã bỏ ngoài tai những lời gièm pha của làng xóm rằng “thằng này lớ ngớ bị gái lừa”, hơn cả là tình yêu tôi dành cho em. Chúng tôi đã có những tháng ngày hạnh phúc, được ở bên nhau, tận hưởng những gì tốt đẹp nhất ấp ủ bấy lâu dành cho nhau. Nhưng tôi mong em tha thứ vì chưa thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn đó là một đứa con, vì tôi chỉ muốn nó ra đời khi tôi đã có công việc ổn định.


Nhưng “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Trở lại với việc học của tôi, nhìn vào “bảng thành tích” tôi thấy nản: nợ 21 đơn vị học trình và còn 27 học trình của kỳ đang học nữa, không trả kịp thì cuối năm lại “tăng K”. Nếu ra được trường vào năm sau thì cũng vừa hết tiêu chuẩn được học ở đây rồi. Nhưng vợ lại động viên tôi học tiếp lấy cái bằng, em sẽ lo cho tôi tất cả. Buổi sáng, em chở tôi đến trường rồi mới tới cơ quan em gần đó. Trưa thì hai vợ chồng ăn cơm bụi cùng nhau rồi em lại về chỗ làm, còn tôi không phải thí nghiệm thì là những buổi chiều “chạy sô” đi trả nợ môn học các kỳ trước. Chiều tối, em qua đón tôi rồi trở về nhà trọ, em lo cơm nước còn để tôi nghỉ ngơi lấy sức học. Tất cả tiền bạc em đều lo cho tôi. Thử hỏi có cậu sinh viên nào sướng như tôi không chứ?


Thời gian chúng tôi dành cho nhau chỉ là vẻn vẹn buổi tối. Mặc dù tôi cũng muốn dành những phút lãng mạn cho em để cùng nhau đi đây đi đó, nhưng em bảo tôi dành thời gian đó để học, một tuần chỉ đi xem phim một tối cuối tuần. Tôi không muốn em phải than phiền rằng “có chồng hờ hững cũng như không” nên cũng cố gắng làm những gì có thể được cho em. Em nhận sự “đền đáp” đó là tôi vui rồi. Có những tối em học cùng tôi bằng cách giúp tôi chép lại báo cáo thí nghiệm, bài tập lớn hay tiểu luận môn học của người khác để tôi có đủ điều kiện thi. Còn tôi thì cặm cụi nghiền ngẫm kiến thức để thi qua các môn học, phấn đấu chỉ nợ dưới 25 học trình để được lên lớp. Tôi biết như thế thì tôi sẽ bị hổng kiến thức, nhưng chẳng biết làm thế nào nữa cả, đành tặc lưỡi làm vậy. Nếu không thì năm nay tôi lại “tăng K”. Tôi không muốn “điệp khúc” ấy kéo dài thêm nữa. Tôi biết đã hết tiêu chuẩn lưu ban nhưng sẽ quá tam ba bận, sẽ lại có người đặc cách cho tôi vì tôi quá “yêu trường” này, thời gian gắn bó với nó bằng gần 2 lần sinh viên khác.


Một tháng nữa tôi sẽ bước vào “trận chiến” với “tử thần” để đạt được mục tiêu nhỏ nhoi: được lên lớp. Vì sự động viên của vợ, tôi luôn cố gắng nhưng không biết có làm được điều mà em và gia đình mong mỏi. “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà Trong ba việc ấy thật là khó thay”. Tôi đã làm trái quy luật: nhà do bố mẹ làm cho ở quê rồi lấy vợ, trong khi học hành còn đang dang dở. Tôi biết có nhiều người nói lấy vợ trong hoàn cảnh này là gặp nhiều khó khăn, là khổ nhưng với tôi như vậy là quá sướng rồi, nhiều cậu bạn học phải ngước nhìn và nói: “Ước gì mình được như anh ấy”. Hay là khó khăn không đến với tôi?


Em à, biết là sướng nhưng anh sợ lại “tăng K”, lại chất thêm khó khăn lên đôi vai mềm yếu của em… Đừng so bì và “ghen” vì anh “yêu trường” lâu như thế nhé!


Ôi tha thiết tự hào! Cổng Parabol bao yêu dấu…


Đông Ngàn, [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn