"Giầy thủy tinh" của cô bồi bàn xinh đẹp

Tâm sựThứ Năm, 25/03/2010 06:44:00 +07:00

Một ngày nữa lại trôi qua, em thở dài: “Thôi nó cũng là cái số…”

Một ngày nữa lại trôi qua, em thở dài: “Thôi nó cũng là cái số…”

 

Em là Ngọc, một người phụ nữ gần 30 tuổi đã kết hôn và có hai con. Hàng ngày từ sáng tới tối em chạy bàn tất bật trong một nhà hàng lớn, nơi mà bao nhiêu chị em gái khác như em cũng đang lao đao với cái đồng lương ít ỏi để nuôi con. Em hiền tính nhưng cũng là một người mạnh mẽ, em không xinh đẹp đến nỗi mọi đàn ông trên phố phải ngoảnh đầu lại nhìn, nhưng cái duyên của em cũng làm chết mê chết mệt bao nhiêu người.

 

Cái đời làm bồi bàn này bội bạc lắm. Khi em còn trẻ, em còn được sếp yêu sếp quý, sếp tăng lương, nhưng khi em lớn tuổi thì kể cả em rắc phấn khắp mặt thì trong mắt sếp, em cũng chỉ là cái bị thịt trơ ra đấy, thậm chí là bị đuổi thẳng cổ kể cả em đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm gắn bó. Ngay cả trong cái quầy bar nho nhỏ của nhà hàng, em cũng phải “đấu tranh” với từng “con cáo, con chồn” trong nhóm. Bữa nào mà khó nhận tiền boa của khách là chúng nó lại ẩy em ra để nhận và tính tiền, nhưng tiền boa về là phải chia đều cho cả nhóm, kể cả tiền boa khách dành cho riêng em. Rồi nào là mất tiền, mất đồ, các két bia, từng cái bát cái đĩa, không cẩn thận là có đứa lại đổ oan cho mình.

 

Rồi đến một ngày có một đoàn khách rất sang, đi đầu là một ông người Pháp đã ngũ tuần tuổi cùng các kĩ sư Việt Nam và phiên dịch viên. Và ông người Pháp đó là kĩ sư trưởng của một công trình có tầm cỡ quốc gia. Họ gọi những món rất đắt tiền và khi ra về, em được boa rất nhiều. Anh phiên dịch ghé tai em nói thầm, ông Tây này rất thích em và hỏi em bao nhiêu tuổi, đã có chồng chưa. Em cười và trả lời: “Anh ạ, em cũng gần ba mươi rồi, đã có chồng và hai con trai, không còn trẻ nữa đâu.”

 

ÔngTây nghe phiên dịch xong chỉ tròn xoe mắt ra và nói với một giọng Việt lai lái: “Trẻ… Việt Nam trẻ…” cùng với một ngón trỏ chỉ lên mang tính thán phục. Và em chỉ cười. Khi Ngọc cười, lúc ấy trong Ngọc thật duyên, thật hiền.

 

Nhưng kể từ đó, ông Tây nọ vẫn đến và thậm chí một tuần đến nhà hàng em bốn đến năm lần ăn uống. Em không biết tiếng Pháp, em chỉ nhớ cái tên Giuy-lăng nhưng cũng không rõ đã nói đúng hay chưa cái tên ấy. Ông hỏi về gia đình và bạn bè em, sở thích của em, và hai đứa con trai của em. Ông khen chúng đáng yêu như mẹ nó vậy. Lần nào đến ông cũng có quà cho em. Nào là xà bông, nước hoa Pháp, nào là đồ trang điểm thơm phức mùi Tây… Lần một lần hai em còn thấy phấn khởi, nhưng đến lần thứ ba, em lại cảm thấy ngại. Có lần ông đi công tác từ sân bay trở về, gọi số máy của em để mang quà tới chỗ làm cho em, nhưng em từ chối, em sợ rằng mọi việc sẽ đi quá xa. Dường như người đàn ông mang tên Giuy-lăng đó cũng hiểu và tế nhị hơn, chỉ tặng em vào những dịp lễ. Em cảm thấy yên tâm hơn. Đám bạn làm cùng tổ bàn chỉ xuýt xoa, có đứa nói xấu sau lưng rằng em là con cave, con điếm. Em mặc kệ, em không làm điều gì xấu, em cũng không lợi dụng Giuy-lăng, em chỉ là bạn của ông ấy thôi.

 

Ba tháng trôi qua. Thế rồi cũng đến ngày ấy khi Giuy-lăng cầu hôn em tại ngay nhà hàng em đang làm việc rằng ông ấy yêu em vô cùng và ông ấy sẽ coi hai con trai em như con đẻ của mình và cho chúng sống hạnh phúc và du học bên Pháp, rằng sẽ cho em cuộc sống thiên đường mà em hằng mơ ước. Em chỉ cười lấy lệ và từ chối. Ông ấy vẫn để em suy nghĩ thêm về quyết định đó.

 

Tim em đập loạn lên. Em không thở được. Các chị em thân thiết trong tổ bàn không nói gì chỉ nhìn em lo lắng. Còn mấy đứa “dẻo mỏ” thì cười khẩy: “Để xem cái con đấy đĩ đến mức nào?”

 

Nhìn hai đứa con của mình ôm nhau ngủ trong cái giường gấp ọp ẹp mà em thấy đau lòng, em không thể lo cho chúng một cái giường đẹp, một cái phòng riêng, cả đại gia đình của em sống cùng với bố mẹ chồng và cô em dâu trong một căn hộ tập thể nhỏ. Nhưng ít ra là chúng cũng chưa phải đói, đó là điều em luôn mừng thầm. Nhưng một tương lai tốt đẹp cho chúng là điều em khó có thể mơ tới.

 

Nghĩ về lời cầu hôn của Giuy-lăng, em lại nghĩ về chồng mình, là một người công nhân ở một xí nghiệp nhỏ nhà nước, lương tháng chỉ ba cọc ba đồng, nuôi mình khó, nuôi các con còn khó hơn. Hai vợ chồng lao đao mãi nhưng cũng phải nhờ cậy cả vào tiền lương hưu của bố mẹ chồng mới đủ sống. Em thở dài. Chồng em  đó, tính tình hay cáu bẳn và thô tục nhưng được cái là thương vợ thương con. Nhưng cái khó nó cũng bó cái khôn. Em có yêu chồng em không? Em thở dài. Thật sống từng đấy năm với nhau, em cũng không thể trả lời câu hỏi: tình yêu là cái gì? Phải chăng là một chút lãng mạn phút đầu mà ta chưa biết hương vị của nó ra sao thì đã phải sống với nó cả cuộc đời này.

 

Em có yêu Giuy-lăng không? Em lại thở dài. Đời là thế đó. Cái khó nó bó cái khôn. Nhưng rồi em đã quyết định rằng các con em cần có bố. Em đã trả lời với ông ấy như thế.  Em biết Giuy-lăng thất vọng lắm và em không còn gặp ông ấy nữa. Hơn một tháng sau, em nhận được thư cô thư ký của Giuy-lăng rằng ông ấy đã giam mình hơn tháng trời trong khách sạn và uống rượu thâu đêm. Giờ ông đã trở về Pháp và chúc cho gia đình em hạnh phúc. Em cảm thấy thật có lỗi, nhưng rồi cũng thật nhẹ nhõm.

 

Mấy chị trong tổ bàn chỉ cười đùa: “Cái con bé này, suýt nữa thì được đi giày thủy tinh nhé! Tiếc chưa?” Trong khi mấy đứa khác thì mỉa mai: “Vẫn chỉ là một con cave mà thôi, không cơ hội này thì lại cơ hội khác. Quen nghề khó bỏ lắm.”

 

Em cũng chả thèm quan tâm chúng nó. Một ngày nữa lại trôi qua, em thở dài: “Thôi nó cũng là cái số…”

 

Trường Sơn, [email protected]

 

Bình luận
vtcnews.vn