Trần Xuân Phúc – Người đi tìm hình của Bác

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 11:03:00 +07:00

Hàng xóm có vẻ chẳng lạ gì cái “thói” ngang nhiên của gã họa sĩ gàn gàn chỉ thích vẽ tranh Bác Hồ ấy. Anh bảo, có những thời điểm, cái hành lang này...

Hành lang tầng 5 khu tập thể Thành Ủy Hà Nội thường xuyên trong tình trạng bị “trưng dụng” để… phơi tranh. Hàng xóm có vẻ chẳng lạ gì cái “thói” ngang nhiên của gã họa sĩ gàn gàn chỉ thích vẽ tranh Bác Hồ ấy. Anh bảo, có những thời điểm, cái hành lang này cũng chẳng đủ để tranh của anh đứng “tắm nắng”.

 

 

Chân dung họa sĩ vẽ bác Hồ

Từ trước tới nay, nói tới những họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ, người ta thường hay nói đến cố họa sĩ Diệp Minh Châu với bức tranh Bác Hồ và ba em bé Bắc Trung Nam vẽ bằng máu; họa sĩ Dương Bích Liên, họa sĩ Lê Huy Trấp, họa sĩ Đỗ Năm, Nguyễn Văn Phúc, Trần Mai, họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức... Những họa sĩ này giờ đây người sống cũng phải trên 70, 80 tuổi, có những người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Người ta bảo, đã là họa sĩ ai cũng có thể vẽ được Bác Hồ nhưng để vẽ có hồn, có tinh thần thì không phải ai cũng làm được. Ấy vậy mà Xuân Phúc, một họa sĩ sinh năm 1963, chưa từng gặp Bác lại làm được điều đó.

Trước khi gặp Trần Xuân Phúc, tôi đã mường tượng một họa sĩ không già thì ít ra cũng phải có dáng dấp... “cộng sản” một tí. Nào ngờ, khi vén tấm rèm bước ra, trước mắt tôi là một anh béo tốt, da dẻ hồng hào, ria mép lùm xùm, ngắm trông tướng tá có vẻ hơi dữ, áo cổ tàu đen thêu hoa hòe gấu áo, khi nói chuyện với khách tiếng nói sang sảng mà khi gọi vợ, quát con cũng “gầm gào” không kém. Xuân Phúc cười khà khà bảo, có lần anh mang tranh ra cửa hàng ở 43 Tràng Tiền cũng có một ông khách bảo: “Tôi không thể hình dung ra nổi đây lại là họa sĩ vẽ tranh bác Hồ. Tôi cứ tưởng ông phải nhiều tuổi cơ, mà phải ăn mặc theo kiểu... cách mạng. Ông này béo tốt thế thể nào mà vẽ Bác Hồ da dẻ hồng hào”.

Ngay từ thuở nhỏ, cha của Xuân Phúc là họa sĩ Trần Xuân Vị - người đã có may mắn được ngồi cạnh vẽ chân dung Hồ Chủ Tịch trong lần Bác về thăm Thanh Hóa. Ở gần bố, cậu bé Xuân Phúc ngày nào cũng được ở cạnh... Bác Hồ đến nỗi Bác ngấm vào trong tiềm thức lúc nào không hay. Bức tranh đầu tiên, Xuân Phúc được bố dạy vẽ cũng chính là chân dung Bác Hồ. Về sau này, Phúc trở thành “thợ phụ” của bố, có nhiệm vụ giúp đỡ ông vẽ lót, vẽ nền hình ảnh lãnh tụ trên toan.

Vào thời điểm thi đại học, Xuân Phúc lên đường nhập ngũ vào Tuyên huấn sư đoàn. Ở đây, nhiệm vụ của anh là vẽ và vẽ. Chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản nào, ấy vậy mà cây cọ dưới bàn tay Xuân Phúc tung hoành ngang dọc nào vẽ pa nô, áp phích, tranh cổ động, tuyên truyền như một họa sĩ có nghề thứ thiệt. Có người bảo, tại khi sinh ra, anh bị... rơi vào thùng mầu của bố nên mới tài năng như vậy. Nhưng tôi thì đồ rằng, khả năng tái hiện hình ảnh Hồ Chủ tịch một cách chi tiết, tỉ mỉ và có thần thái như vậy là do ngay từ bé anh đã được cha đào tạo và truyền cảm hứng.

Tranh vẽ chân dung Bác của Xuân Phúc đi vào chi tiết tới độ người xem có thể nhìn tới từng nếp nhăn mờ trên khóe mắt của Bác, từng sợi râu phất phơ trong gió. Xuân Phúc đặc biệt thích sử dụng gam màu ấm, trầm rất đặc trưng khiến tranh có chiều sâu, sự tương phản của ánh sáng làm cho bức chân dung có màu tươi sáng, hài hòa. Khách hàng ưa chuộng các tác phẩm của ông, có lẽ cũng vì thế.

Xuân Phúc cho biết, 13 năm trời anh vẽ được khoảng gần 2000 bức chân dung Bác. Đặc biệt khoảng năm 1999, 2000 bình quân mỗi năm bán được khoảng 200 bức. Còn nhớ năm ấy, anh phải thuê cả một chuyến xe tải mới đủ để chở nguyên vật liệu là khung tranh và toan để vẽ. Tranh chân dung Bác phơi la liệt kín hết cả hành lang, có những bức mực chưa kịp khô, khách đã đến lấy. Khách hàng có những người mua chỉ để treo nhà, để thờ nhưng cũng có những “khách sộp” như Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Có lần xem ti vi, đọc báo Xuân Phúc lại nhận ra đứa con tinh thần của mình đang nghiêm chỉnh ở Thái Lan, hình như là quà tặng nhân một dịp trọng đại, ý nghĩa nào đó. Những lần như thế, Xuân Phúc lại lọ mọ cắt bài báo ra dán vào cuốn album ảnh do mình tự tổng hợp theo trình tự thời gian để “hồi ký” lại cuộc đời mình với vẻ đầy tự hào.

 

 

“Bác đã nuôi sống cả nhà tôi”

Nằm trên tầng 5 của khu tập thể thành ủy Hà Nội, căn hộ của họa sĩ nhỏ hẹp, chật chội. Phòng ngoài dùng tiếp khách và làm tiệm may cho vợ. Không có phòng ngủ riêng. Nơi làm việc của Xuân Phúc chỉ vỏn vẹn áng chừng 6, 7 mét vuông, là nơi chứa tất cả tư liệu ảnh, sách, tranh vừa là chỗ ngủ của hai thằng con trai.

Xuân Phúc cho biết, căn hộ này anh mua từ năm 1997, khi đó nhà còn trơ gạch vữa, một nửa tiền mua nhà phải chạy vạy đi vay. Trước đó, ở Thanh Hóa, hai vợ chồng anh sống bằng nghề vẽ pa nô, áp phích quảng cáo phim tại rạp chiếu, rồi vẽ quảng cáo. Về sau làm ăn có uy tín, vợ chồng trẻ đầu tư vốn, thế chấp nhà để mở công ty. Nhưng vì không biết quản lý nên chẳng mấy chốc công ty phá sản, hai vợ chồng trắng tay nên quyết định bỏ quê ra Hà Nội mưu sinh.

Ra Hà Nội, anh kiếm tiền bằng đủ nghề, từ vẽ công đức cho chùa, đến vẽ logo vườn quốc gia Cúc Phương, vẽ quảng cáo... thế rồi may mắn đến khi anh vẽ chân dung Bác theo nhu cầu của khách. Vẽ được một bức, thấy thích người ta lại đặt vẽ hai bức, ba bức... rồi nhiều quá, chả đếm được. Mỗi bức, bức nhỏ bán được từ 1,5 triệu đến 2 triệu, bức lớn cũng bán được trung bình 5 triệu. Khách đến chủ yếu đặt vẽ chân dung Bác ngồi ghế nhung, ghế mây làm việc, hay chân dung nửa người để treo trong các văn phòng, cơ quan, những nơi trang trọng nhất. Chẳng mấy chốc cái tên Xuân Phúc đã gắn liền với tranh chân dung Bác Hồ. Anh bảo, trong lúc gian truân, “Bác đã nuôi sống cả nhà mình”.

Xuân Phúc có rất nhiều tư liệu ảnh Bác Hồ. Đó là những bức ảnh đen trắng mờ tịt được ép plastic và phân loại cẩn thận. Bao nhiêu năm vẽ chân dung Bác, giờ đã nhuyễn rồi, ngấm rồi, nhớ như in từng cái nếp nhăn, nhớ từng sợi tóc, sợi râu đến ánh mắt, nụ cười của Bác nên giờ cũng không cần xem lại ảnh nữa. Có tấm ảnh nào mờ đến mấy, anh vẫn có thể vẽ lại tỉ mỉ đến từng chi tiết như thể Bác đang hiện diện trước mặt. Xuân Phúc bảo vì Bác ở trong óc, trong tim rồi, đến nỗi nhìn đâu cũng thấy bóng dáng Bác, hễ cứ cầm cọ lên là chân dung của ai cũng có nét hao hao... Bác Hồ. “Cô không tin thì vào nhìn chân dung cụ nhà tôi xem” anh chỉ tay vào phòng thờ cười khì khì.

Dù chưa từng được gặp Bác trong đời bằng xương bằng thịt nhưng tranh của Xuân Phúc vẫn được nghệ sỹ Tiến Hợi (người có ngoại hình và giọng nói rất giống Bác, thường được mời đóng Hồ Chí Minh) và đồng nghiệp đánh giá rất cao. Thấy tôi thắc mắc, gã họa sĩ có vẻ ngoài nóng nảy vỗ vỗ vào ngực thành tâm bảo, “vì cụ thân sinh đã truyền cảm hứng cho mình, vì mình kính yêu Chủ tịch, tôn thờ Chủ tịch nên mình vẽ bằng tim, bằng hồn của mình”. Anh kể, “có bà Hằng chứng kiến, (đó là tên người chủ Gallery bán tranh) có bận, một ông khách người Anh đến khẩn khoản đặt tôi vẽ một bức chân dung Hồ Chủ tịch ngồi bên máy tính. Tôi bảo không, thời của Bác làm gì có máy tính chỉ có máy chữ thôi. Thế là sai lịch sử. Ông khách cố thuyết phục tôi, tôi hiểu ra là ông ta làm việc cho một hãng máy tính và muốn vẽ bức tranh đó để làm quảng cáo. Mặc dù một bức tranh của tôi thường chỉ bán được với giá trung bình là 5 triệu nhưng ông ta sẵn sàng trả tôi 2000 USD cho bức tranh đó. Nhưng tôi nhất quyết từ chối, tôi không thể vì tiền mà vẽ sai sự thật. Quan niệm của tôi là vẽ chân dung Bác phải đẹp và trung thực”.

Tôi trêu, “anh đắt khách thế này thì tiền bán tranh để đâu cho hết”. Cả anh và vợ đều xua tay. Xuân Phúc bảo, chủ yếu vào những ngày lễ như dịp 2/9 này khách mới đông. Còn vào những dịp bình thường thì không phải lúc nào cũng có khách.

“Sao anh không bán những bức này hoặc vẽ tranh thị trường để thu nhập cao hơn?”, tôi chỉ tay lên những bức tranh theo cả hai trường phái hiện thực và siêu thực treo đầy trên tường. Xuân Phúc bảo: “vẽ Bác cứ như là cái duyên, cái nghiệp”, còn các thể loại tranh khác phải chờ làm triển lãm cá nhân đã rồi mới bán.

Khệ nệ bê ra từ trong phòng một bức tranh khổ lớn vẽ khuôn mặt Bác đặc tả vào đôi mắt sáng, nhân từ, Xuân Phúc khoe, bức này được vẽ theo lối phóng tác, không bán mà chỉ để triển lãm. Tôi ngắm nghía thật kỹ bức tranh, ngầm hiểu tình yêu Bác rất thiết tha của tác giả. Nhưng Xuân Phúc thì dường như vẫn chưa thỏa lòng, anh chạy vào buồng lôi ra một tập thơ tự sáng tác ca ngợi Bác và đọc liền tù tì mấy bài không nghỉ. Trong đó, có những vần thơ nghe giống văn xuôi hơn là thơ, có những câu viết ngây thơ, trong sáng như trẻ con... Tôi bất giác mỉm cười, thấy thơ anh có lẽ cũng giống như người, được cái chân thật, hồn hậu và rất... Xuân Phúc.

Bài: Tuấn Minh

Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn