Trăn trở với người "tiên tri" lũ lụt ở miền Trung

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 29/10/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Chẳng cần có khả năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” cũng có thể đoán rằng: “Năm nay miền Trung sẽ có lũ lụt”.

(VTC News) - Năm nào lũ lụt cũng về miền Trung, nên chẳng cần có khả năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” cũng có thể đoán rằng: “Năm nay miền Trung sẽ có lũ lụt”. Sở dĩ, tôi gọi cựu Bí thư, cựu Chủ tịch xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Tiến là “người tiên tri lũ lụt miền Trung” là vì đã năm lần bảy lượt ông gọi tôi vào quê ông, rồi lần nào cũng thốt lên những lời đau đớn: “Cứ phá rừng thế này thì lũ sẽ mỗi ngày một nhiều, ngày một dữ dội nhà báo ơi”!

Tôi nhớ, lần đầu gặp ông Tiến là vào mùa hè năm 2007. Bất lực trước thói ngang nhiên phá rừng của đám xã hội đen, của cả các doanh nghiệp, ông đã gọi tôi vào tố cáo. Ông Tiến đứng bên con sông Ngàn Phố nước trơ đáy thốt lên với tôi mấy lời như vậy. Rồi ông trực tiếp dẫn tôi đi xem người ta hồn nhiên phá rừng, rồi ông tố cáo có bằng chứng hẳn hoi, từ lâm tặc, xưởng gỗ, xã hội đen có máu mặt, đến cả lãnh đạo lâm trường... Quả thực, cả đời làm báo, tôi chưa gặp một lãnh đạo xã nào yêu rừng, thương dân và thẳng tính đến vậy.

Đến bao giờ đồng bào miền Trung mới thoát khỏi cảnh hàng năm chống đòn gánh chờ hàng cứu trợ? 

Nhưng điều ám ảnh tôi nhất ấy là vào mùa thu năm 2007, ngay sau chuyến ông Tiến dẫn tôi đi mục sở thị cảnh tàn sát rừng, thì Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã diễn ra trận lũ lịch sử, cướp đi sinh mạng hàng chục con người, làm thiệt hại không biết bao nhiêu tỉ đồng. Tôi đã đi hỏi các cụ già ở Hương Sơn, các cụ đều khẳng định, cả trăm năm nay, chưa từng có trận lũ nào kinh hoàng như thế. Riêng ông Tiến thì khẳng định, Hương Sơn sẽ còn những trận lũ lớn hơn, tỉ lệ thuận với diện tích rừng ngày càng giảm.

Năm 2010 này, đến "mùa", lũ lại về Hương Sơn và mấy tỉnh miền Trung theo chu kỳ, nhưng cường độ cơn lũ thì kinh hoàng hơn trận lũ lịch sử năm 2007 rất nhiều. Những ngày đi cứu trợ đồng bào lũ lụt, rơi nước mắt với cảnh tang thương do lũ, tôi lại nhớ đến ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tiến, người đã nhiều lần gọi tôi từ Hà Nội vào Hương Sơn để tố cáo chuyện phá rừng có hệ thống.

Những bao gạo cứu đói là rất quý, nhưng đến bao giờ đồng bào mới thôi phải phụ thuộc vào những đợt cứu trợ?

Ông Tiến đã về hưu, đã an phận, và nhà ông cũng ngập lụt, cũng phải trèo lên mái nhà đợi nước rút như hàng vạn hộ dân khác. Tôi hỏi: “Dạo này bác còn đấu tranh bảo vệ rừng không ạ?”, ông buồn rầu bảo: “Còn rừng chi mô mà bảo vệ hả chú”! Ông vẫn nhai trầu bỏm bẻm như xưa, nhưng đôi mắt u buồn như cánh rừng thẳm. Lúc tại vị, hăng hái thế còn chả bảo vệ được rừng, chả cứu được đồng bào mình, giờ về làm thường dân, thôi thì an phận chịu cảnh chạy lũ hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Tiến là người trung thực, thẳng tính, làm việc vì dân, nên được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư xã Sơn Tây suốt 22 năm trời, rồi tiếp tục với chức vụ Chủ tịch xã suốt 8 năm. Ông về hưu khi đã đủ tuổi. Một điều lạ là trong suốt bao nhiêu năm làm lãnh đạo xã, ông chẳng ngại nói thẳng thừng, gay gắt với các cấp lãnh đạo từ huyện đến tỉnh về tình trạng phá rừng. Hành động của ông cũng là vì rừng, vì dân, nên ông luôn được nhân dân tín nhiệm, che chở, ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Tiến. 

Đứng bên con sông Ngàn Phố, ông Tiến chỉ tay về phía đỉnh Pù Hùng Lều cao hơn 2.000m, chìm trong mây mờ kể: Đã có tổng số 30 nhà khoa học nước ngoài (nhà khoa học trong nước thì không kể xiết), lặn lội vào rừng Hương Sơn nghiên cứu, tìm hiểu, thống kê số lượng loài, rồi phát hiện ra rất nhiều loài mới. Vì giá trị của rừng nguyên sinh, vì sự đa dạng sinh học, nên năm 2001, Đan Mạch đã tài trợ hàng triệu USD để thực hiện "Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học dãy núi Bắc Trường Sơn".

Nhưng đó là chuyện của 10 năm về trước, còn giờ đây, theo lời ông Tiến thì rừng Hương sơn đã bị phá trụi, bị cạo trọc rồi. Toàn bộ vùng đệm của Vườn Quốc gia Vũ Quang đã bị phá hết, lâm tặc kéo vào tận trung tâm Vườn Quốc gia Vũ Quang để phá nốt. Núi cao, đá dốc, rừng bị cạo sạch, sông nhỏ, lại uốn lượn ngoằn ngoèo, nên chỉ một trận mưa lớn, con sông Ngàn Phố sẽ biến thành thác nước xối vào làng bản, đổ lên đầu dân.
"Rừng Hương Sơn chỉ còn trên bản đồ thôi nhà báo à!". 

Ngày ấy, tôi cầm tài liệu báo cáo của địa phương, trong đó có đoạn ghi: “Tổng diện tích rừng Hương Sơn còn khoảng 70,4 ngàn héc-ta”. Ông Tiến cười buồn, rồi dẫn tôi vào rừng, xem cái diện tích hơn 70 ngàn héc-ta đó thực hư thế nào.

Chúng tôi đã cuốc bộ cả ngày trời vào rừng sâu, thò cả một chân sang địa phận nước bạn Lào, song tuyệt nhiên chẳng thấy còn cây gỗ nào giá trị, to đủ vòng tay người ôm, ngoài cỏ dại, gỗ tạp. Đám lâm tặc, kể cả các doanh nghiệp có giấy phép khai thác tận thu gỗ đều đã đốn hạ những cây gỗ lớn từ vài năm trước.

Rừng Hương Sơn nổi tiếng với các loại gỗ quý như lim, táu, dổi... nhưng giờ đây, ông Tiến dẫn tôi đi cả ngày trời, xuyên cả vào Vườn Quốc gia Vũ Quang (thuộc huyện Vũ Quang) mà cũng chả thấy rừng đâu. Bọn lâm tặc đã vác cưa xăng tiến vào tận lõi rừng để đốn hạ, tha gỗ ra bìa rừng như đàn kiến tha mồi.

Lòng nhiệt huyết của một chủ tịch xã nhỏ bé, cô độc không đủ để cứu rừng. 

Trên con đường xuyên khu rừng nguyên sinh rộng 70 ngàn héc-ta trong báo cáo, chúng tôi gặp những ngôi lều dựng tạm và đám lâm tặc hồn nhiên xẻ gỗ, tập kết gỗ thành đống chuẩn bị đưa về các xưởng gỗ ở thị trấn. Có lẽ, không có thị trấn nào trên đất nước này lại lắm xưởng mộc đến vậy. Ông Tiến bấm đốt ngón tay đếm sơ sơ thấy có 71 xưởng cưa xẻ gỗ rừng suốt ngày đêm. Đây có lẽ là những súc gỗ quý cuối cùng của Vườn Quốc gia Vũ Quang vừa được chúng đưa ra bằng trâu kéo.

Đau lòng nhìn gỗ bị xẻ ở Vườn Quốc gia giữa ban ngày, ông Tiến nổi xung đe dọa, quát nạt tịch thu gỗ. Tôi cũng từng đi rừng nhiều, giáp mặt lâm tặc cũng lắm, và thường khi thấy cán bộ, họ bỏ chạy như thú trốn vào rừng. Thôi thì đành chấp nhận mất gỗ, hơn là vừa mất gỗ, lại bị phạt, có khi còn ngồi tù. Đằng này, lời quát nạt của ông Tiến như gió lạc vào đá núi, ông quát thì ông nghe, đám lâm tặc cứ nhe răng cười nhăn nhở. Chúng còn mời vị lãnh đạo cao nhất của xã và chúng tôi vào lều nghỉ chân, uống nước, hút thuốc để lấy sức đi tiếp vào rừng mà thăm quan… lâm tặc xẻ gỗ!

Mỗi năm, lũ về một lớn, cảnh tang tóc một nhiều.  

Mấy tay lâm tặc kể, gỗ này của ông chủ H. “bút”, họ chỉ là người xẻ thuê, vận chuyển thuê. Việc của lâm tặc được phân công rõ ràng, nhóm tìm cây đánh dấu, nhóm hạ cây, cưa xẻ, nhóm vận chuyển. Dù đem được gỗ ra thị trấn hay bị tịch thu, đám lâm tặc vẫn có lương, vì thế, cán bộ có thu gỗ thì đám lâm tặc vẫn chả thiệt hại gì.

Thấy ông Tiến hùng hổ, tôi nghĩ ông làm thật, hóa ra, ông chỉ dọa cho vui. Bảo vệ rừng là việc của các ngành, các cấp, của toàn thể nhân dân, nhưng ở Hương Sơn có mỗi mình ông ra sức bảo vệ rừng thì chả ăn thua, khác gì đá ném ao bèo, khua mõ giữa làng.


Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn