'Tràn lan video yêu đồng tính bị cường điệu hoá, cộng đồng LGBT trở nên méo mó'

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 12/03/2017 15:55:00 +07:00

Nữ đạo diễn Phúc Phạm cho biết, việc phim ảnh, sân khấu, gameshow khai thác quá đà và xây dựng hình ảnh người đồng tính lệch lạc sẽ gây ra ác cảm với cộng đồng LGBT.

- Thời gian qua, văn hóa phẩm với đề tài đồng tính đang trở nên thịnh hành và được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, chị có nhận xét gì về xu hướng này?

Đầu tiên chúng ta cần xác định rõ đồng tính là một giới tính bình thường! Cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính, chuyển giới) không xấu, họ không thể lựa chọn giới tính và xu hướng tình dục của mình. Chỉ có hiểu sai và kỳ thị phân biệt mới xấu.

Họ cũng có nhu cầu được yêu, được sống như mọi người. Và rất nhiều sản phẩm Digital đang khai thác đề tài này cho chúng ta góc nhìn đúng đắn về cuộc sống của họ. Tôi cũng thường được giới thiệu đến các sản phẩm như vậy.

hinh bao 5

Nữ đạo diễn Phúc Phạm là đạo diễn tại các kênh truyền hình Yeah1, YanTV, HTV, VTV. Cô cũng là tác giả đạo diễn liveshow "Mùa hè không độ”, liveshow “My dream” của Noo Phước Thịnh, cùng nhiều clip triệu view, TVC quảng cáo có tiếng.

 
Tôi không đồng ý khi cường điệu hoá hình ảnh của người đồng tính, vì việc này sẽ gây cảm giác xấu và khiến suy của khán giả méo mó, lệch lạc về cộng đồng LGBT.

Đạo diễn Phúc Phạm

- Có ý kiến cho rằng các phim và đoạn clip có người đồng tính giả gái, giả trai gây cười đang lan truyền trên mạng là rất phản cảm, khiến họ có suy nghĩ khác về người đồng tính là những người bệnh hoạn, không bình thường, chị thấy sao?

Đúng là hiện nay không chỉ phim mà sân khấu, gameshow cũng khai thác khá nhiều đề tài đồng tính. Tuy nhiên cái gì có giới hạn cũng hay nhưng nhiều thì sẽ phản tác dụng.

Bạn bè tôi rất nhiều là người đồng tính nhưng họ vẫn sống, làm việc, yêu bình thường và rất dễ thương nhẹ nhàng.

Có lẽ lên phim và lên sân khấu đạo diễn cần sự "làm quá" hình ảnh người đồng tính sẽ thu hút tác phẩm hơn chăng? Tuy nhiên, chính tôi cũng không đồng ý khi cường điệu hoá hình ảnh của người đồng tính, vì việc này sẽ gây cảm giác xấu và khiến suy của khán giả méo mó, lệch lạc về cộng đồng LGBT.

- Các nhà nghiên cứu tâm lý cho biết những đoạn clip này dễ dàng gây tác động lệch lạc đến tâm lý người xem. Với góc độ một đạo diễn, nhà sản xuất, chị có suy nghĩ gì?

Là một đạo diễn và một nhà sản xuất, khi đưa ra một sản phẩm cho khán giả mình phải đặt cái tâm lên đầu. Đúng là cần cơm áo gạo tiền nhưng khi làm một sản phẩm sạch được khán giả đón nhận nó có giá trị hơn nhiều.

Nhất là về mảng “báo hình”, sản phẩm có tác động trực tiếp đến thị giác. Anh đưa hình ảnh đến khán giả, khán giả sẽ tiếp thu và có cái nhìn không hay. Do đó cần cái "tâm" và "tầm" khi sản xuất ra một sản phẩm cho khán giả.

1384080488_gay2_jpg1

Hình ảnh người đồng tính thường bị "làm quá" trong phim, kịch.

- Vì sao cá nhân chị không chọn đề tài này để “câu khách” dễ dàng hơn?

Hiên tại tôi cũng đang ấp ủ một dự án sitcom về đề tài đồng tính LGBT, đam mỹ. Kịch bản đã được rất nhiều biên kịch hoàn thành nhưng tới bây giờ tôi vẫn chưa hài lòng và vẫn đang tìm một biên kịch có thể hiểu và giúp tôi truyền tải đúng tâm tư, tình cảm và hình ảnh của một người đồng tính họ yêu ra sao, đau thế nào, khi bị kỳ thị thì họ cảm thấy tủi thân ra sao…

Đây là một đề tài rất khó nên tôi không thể dễ dãi làm méo mó hình ảnh của họ được. Hy vọng khi tôi hoàn thành sản phẩm này, cộng đồng LGBT có thể tìm được một sự đồng cảm nào đó thông qua phim.

 
Tôi nghĩ khi làm đề tài đồng tính cần hiểu rõ hiểu đúng và đồng cảm chứ không phải chỉ là cử chỉ ẻo lả, quần áo lòe loẹt hay trang điểm quá lố …

Đạo diễn Phúc Phạm

- Theo chị, khi sản xuất các đoạn clip đăng trên Youtube với đề tài đồng tính, những người thực hiện cần để ý đến những yếu tố nào? Nên tránh những yếu tố nào?

Tôi không nói là tôi hiểu họ, nhưng thật may mắn khi tôi có những người đáng tin cậy. Trong những cuộc gặp gỡ, họ thường gợi ý, làm đầy đủ cho vốn hiểu biết của tôi về người đồng tính hơn.

Và điều đó rất có lợi cho tôi trong quá trình xây dựng kịch bản và ý tưởng sản xuất sản phẩm về người đồng tính. Vì phim ảnh chính là phản ánh thực tế qua phim, mình làm không ra, không tới là sai rồi.

Các sản phẩm từ các quốc gia khác họ cũng khá phát triển về đề tài này và có sẵn nhóm khán giả riêng. Tôi nghĩ khi làm đề tài đồng tính cần hiểu rõ hiểu đúng và đồng cảm chứ không phải chỉ là cử chỉ ẻo lả, quần áo lòe loẹt hay trang điểm quá lố …

- Với những tác động như trên, các văn hoá phẩm có nội dung cổ suý xu hướng tình dục đồng tính có cần được kiểm duyệt kỹ càng hơn?

Những sản phẩm khi đưa ra đại chúng cần đều được kiểm duyệt kỹ, không chỉ là đề tài đồng tính nói riêng. Bây giờ các bạn rất dễ search ra một clip trên Youtube. Trong khi đó, con em chúng ta hàng ngày hàng giờ đều dùng thiết bị di động. Do đó nó ảnh hưởng rất lớn đến con em chúng ta.

Hãy tỉnh táo và làm nghề có tâm để khán giả trân trọng và không nghĩ xấu nghề của những người làm văn hóa nghệ thuật.

- Cám ơn chị về những chia sẻ.

MV đề tài đồng tính của Đức Tuấn bị cộng đồng LGBT phản ứng dữ dội

Khánh Hiệp
Bình luận
vtcnews.vn