Trận huyết chiến với lợn thọt 'thành tinh'

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 19/09/2013 10:16:00 +07:00

Cụ Thành đang băng qua đoạn đường độc đạo, bất ngờ trong bụi trúc dày sau lưng phát ra tiếng động khìn khịt rồi một bóng đen lù lù xông đến.

Cụ Thành đang băng qua đoạn đường độc đạo, bất ngờ trong bụi trúc dày sau lưng phát ra tiếng động khìn khịt rồi một bóng đen lù lù xông đến.


Sau giây lát định thần, cụ nhận ra đó là con lợn rừng ba chân nổi tiếng hung dữ và tinh ranh từng khiến nhiều thợ săn lão luyện vùng Thất Sơn khiếp sợ. Mặt đối mặt, không còn lựa chọn nào khác, lão thợ săn lùi lại thủ thế, bắt đầu trận tử chiến không thể quên trong cuộc đời đi săn lừng lẫy của mình.

Nỗi khiếp đảm lợn ba chân “thành tinh”

Vùng Thất Sơn (H.Tịnh Biên, An Giang) hoang vu là nơi náu thân của nhiều loài thú dữ như trăn lai, rắn hổ mây, voi dữ… Muông thú nhiều vô kể, nên vùng đất này cũng sản sinh ra nhiều thợ săn lão luyện, trong đó, cụ Võ Văn Thành (82 tuổi, ấp An Hòa, xã An Hảo) là một trong những tên tuổi nức tiếng.

Lão thợ săn thiện xạ bảo, không thể tính được số lượng thú hoang đã hạ gục ở đỉnh núi linh thiêng trong suốt cuộc đời đi săn của mình. Thế nhưng, giữa những ký ức hỗn độn, có một cuộc đụng độ mà đến giờ, cụ vẫn nhớ nằm lòng. Đó là lần chạm mặt và chiến đấu với con lợn rừng ba chân nổi tiếng hung dữ trong rừng sâu.

Gợi lại quá khứ, cụ Thành mắt sáng lên, hào hứng kể: “Đó là con heo rừng đặc biệt, nó rất lạ bởi chỉ có ba chân nhưng khi chạy thì nhanh đến nỗi phát ra tiếng gió. Nhiều người lên rừng lấy củi, bẻ măng đã từng bị nó tấn công đến nỗi thương tích khắp mình”.

Suốt một thời gian dài con lợn dữ trở thành nỗi ám ảnh với người quanh vùng. Địa bàn hoạt động của nó cũng rất rộng, khiến nhiều cuộc vây bắt của thợ săn đều không mang lại kết quả.

Cụ Thành kể: “Những năm trước giải phóng, núi Cấm hoang vu, người dân sinh sống thưa thớt lắm. Lác đác mới có những vạt rẫy của người dân trồng ngô, khoai, sắn. Thế nhưng, cứ hễ đến ngày cây trồng đơm hoa, ra củ thì con lợn ba chân này lại âm thầm về phá hoại. Nó không chỉ ăn mà còn dùng nanh phạt, chân dẫm đạp, lăn mình… để phá hoa màu. Có những nương ngô bao nhiêu công sức vun vén, nhưng sau một đêm chỉ còn trơ gốc.

Con vật tinh khôn đến nỗi, nó biết dùng nanh nhổ từng gốc khoai mì rồi khuân về ổ nằm nhai từ ngày này qua ngày khác. Chủ rẫy lần theo dấu chân tìm thấy đống củ mì chất thành đống sù sụ, đến gần xem thì thấy nó đang nằm nhai sắn sột soạt lại khiếp hồn bạt vía bỏ chạy”.

Cụ Thành bảo, đây là con lợn rừng già đời, nó đã tự trang bị cho toàn thân một lớp “áo giáp” bằng cách lăn chai (đằm bùn đất và cọ xát vào cây rừng có mủ - PV). Khi chất bẩn bám vào da đạt đến độ dày nhất định kể cả nanh vuốt của hổ cũng khó xuyên thủng.

Điều đáng nói, không chỉ phá hoại nông sản, con lợn “thành tinh” còn tấn công cả những vật nuôi thả rông trên núi. Vào năm 1969, một hộ dân ở vồ Ông Bướm (đỉnh núi nhỏ) có nuôi một cặp bò, ngày ngày thả ngoài rừng đến chiều chúng lại tự về chuồng. Thế nhưng một hôm, người chủ nhà ngạc nhiên khi chỉ có một con chạy thục mạng về.

Dù hàng chục năm trôi qua cụ Thành vẫn không thể quên trận chiến với con lợn rừng khổng lồ 
Mọi người bảo nhau xẻ rừng đi tìm, lần theo dấu vết đến một vạt cỏ thì phát hiện con bò còn lại đã chết tự bao giờ. Quan sát kỹ, gia chủ bàng hoàng khi thấy trên thân bò có nhiều vết thương nham nhở, trong đó có hai vết xuyên sâu vào nội tạng, máu chảy lênh láng.

Những dấu vết còn lại hoàn toàn phù hợp với những vụ lợn rừng ba chân từng tấn công vật nuôi của các gia đình khác. Lúc đó vì quá sợ hãi, người chủ đành ngậm ngùi nhờ người khiêng xác bò đã chết về xẻ thịt và sau đó không dám thả rông bất kỳ vật nuôi nào của mình lên núi nữa.

Trận chiến để đời

Là thợ săn lão luyện trên núi Cấm, chuyện lợn ba chân tác oai tác quái rồi húc chết vật nuôi của người dân khiến cụ Thành căm giận lắm. Nhiều đêm trăn trở, cụ quyết tâm lặn lội vào rừng, lần theo dấu chân để phục kích bằng được con ác thú trừ họa cho dân làng.

Giữa lúc còn đang chuẩn bị vũ khí, đồ đạc lên rừng, thì cụ lại nghe tin hai người con trai đi chặt củi bị lợn ba chân truy đuổi, húc đến chảy máu chân. Lửa giận sục sôi, cụ không nghĩ ngợi nhiều nữa mà lập tức lên đường.

Nhờ thông thuộc địa hình trên núi Cấm, sau gần một ngày luồn lách, cụ Thành tìm thấy một khu vực có nhiều bụi tre, trúc lớn. Kinh nghiệm sống nơi hoang vu mách bảo cụ Thành, loài lợn rừng đặc biệt ưa thích nghỉ ngơi trên những đám lá trúc khô êm ru trên mặt đất và dũi gốc ăn măng non.

Biết lợn ba chân có thể đang lẩn khuất đâu đó quanh đây, cụ Thành cẩn thận di chuyển, lần tìm dấu vết. Chỉ một lát, xuyên qua bụi trúc dày, cụ thấy những dấu chân lớn như bò rừng, nhưng nhọn sắc, găm thẳng xuống đất. Đi thêm một đoạn nữa, cụ lại bắt gặp ụ phân lợn còn ướt. “Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi tự nhủ ác thú chắc chắn đang ở đây”, cụ Thành kể.

Nhưng giữa lúc người thợ săn còn đang lần mò giữa những dấu vết, thì đột nhiên từ vạt cây phía sau lưng, một tiếng “ụt ịt” rất đặc trưng của loại lợn vang lên. Theo phản xạ, cụ Thành quay lại. Bất ngờ, một bóng đen lớn như con bò rừng lao từ lùm cây ra. Con chó săn đi theo chân cụ xông đến tấn công liền bị nó húc xuyên ngang bụng, chết ngay tại chỗ.

Thấy vậy, cụ Thành thủ súng nhằm thân con lợn bóp cò. Một loạt đạn nổ đanh nhưng nó dường như không hề hấn gì, tiếp tục lao thẳng đến. Nhanh như chớp, cụ Thành lách người né sang một bên, vừa kịp tránh cú húc trong tích tắc. Thấy đối thủ thoát được, con ác thú càng hung hăng hơn. Còn lão thợ săn, trong khoảnh khắc chợt nhận ra, đạn chì không thể xuyên thủng lớp da đã được trét bùn pha lẫn mủ cây rừng dày cộm của nó.

Con lợn hung dữ tiếp tục nhe răng nhằm thẳng người thợ săn tấn công tiếp. Nhanh như cắt, cụ Thành tung người lên bám vào một cây trúc rồi nhảy xuống, quay ngược báng súng, lấy hết sức bình sinh phạt mạnh. Cú đánh như trời giáng vào thân con lợn dữ nghe uỵch, nhưng vẫn chưa đủ khiến nó gục xuống.

Thấy vậy, cụ Thành cố lựa thế, giương súng nhằm bắn vào chỗ hiểm là mắt và tai nó, nhưng ở cự li quá gần nên không thể. Con lợn ba chân vẫn tung ra những đường đâm hiểm ác. Những cú phạt hụt của nanh lợn khiến gốc trúc rừng bị cắt ngọt, gãy rạp như dao chém, quần áo thợ săn rách tơi tả.

Trận chiến giữa người thợ săn và con thú hoang âm thầm diễn ra gần nửa giờ đồng hồ giữa rừng núi hoang vu. Đánh mãi không hạ được người thợ săn cừ khôi, đột nhiên, con ác thú quay đầu, nhằm hướng rừng sâu phi thẳng. Trải qua giờ phút sinh tử, cụ Thành đã mệt nhoài, đành bất lực nhìn nó chạy thoát.
Con trai cụ Thành chỉ về khu rừng có nhiều thú dữ trên núi Cấm 
“Đó là lần thất bại duy nhất trong đời đi săn của tôi, không phải do tôi bắn dở mà vì con ác thú quá lớn, “bộ giáp” bao bọc thân thể nó dày cộm, đạn không xuyên thủng thì giáo mác không nghĩa lý gì. Tôi còn nhớ, nó lớn như con bò mộng, nếu theo kinh nghiệm săn của tôi thì phải nặng trên hai tạ. Trong đó, riêng bộ da được đắp mủ cây rừng của nó phải dày độ nửa gang tay”, cụ Thành bảo.

Sau trận tử chiến ấy, một số người lên núi thi thoảng vẫn chạm mặt lợn ba chân. Nhưng dần dà, con ác thú không còn ra khỏi rừng. Nó biến mất một cách bí ẩn, cho đến tận ngày nay không ai còn thấy nữa.

Cụ Thành cho biết, thời gian hoạt động cách mạng và sau ngày đất nước thống nhất, vì cuộc sống mưu sinh mà bản thân đã hạ không biết bao nhiêu loài thú hoang. Thế nhưng, có một chuyến đi làm chuyển hướng suy nghĩ cụ đó là lần bắn hạ một đôi khỉ.

Năm 1982, cụ Thành cầm súng lên núi Cấm săn, khi đến một cây cổ thụ thì chợt thấy một đôi vợ chồng khỉ đang say sưa bắt rận cho nhau. Cụ nhắm súng bóp cò, viên đạn chí mạng xuyên táo qua đầu, khiến đôi khỉ rơi bịch xuống đất.

Nhìn cảnh chúng rơi xuống vẫn còn ôm chặt lấy nhau, cụ đứng trầm ngâm, ứa nước mắt hối hận. Sau lần đó, cụ Thành về trả súng cho nhà nước, đoạn tuyệt nghề săn, tự nhủ không bao giờ sát hại muông thú nữa.


Theo Kỳ Anh (GĐ&XH)

Bình luận
vtcnews.vn