Trái đất chỉ có 12 giờ để đối phó với bão Mặt Trời

Kinh tếThứ Sáu, 31/07/2015 04:27:00 +07:00

Những hậu quả của cơn bão xuất phát từ Mặt trời thậm chí còn tồi tệ hơn bởi lẽ chúng ta sẽ chỉ có đúng 12 giờ để chuẩn bị cho việc đón nhận một sự kiện

Những hậu quả của cơn bão xuất phát từ Mặt trời thậm chí còn tồi tệ hơn bởi lẽ chúng ta sẽ chỉ có đúng 12 giờ để chuẩn bị cho việc đón nhận một sự kiện không mong muốn như vậy.

Mất điện trên diện rộng, gián đoạn hoạt động của các vệ tinh và mạng lưới điều khiển giao thông bị trục trặc là một trong số những mối đe dọa mà loài người sẽ phải đối mặt nếu có một vụ nổ lớn xảy ra trên Mặt Trời. Thế nhưng, chúng ta chỉ có 12 giờ chuẩn bị để đối phó với nó.

Kết luận trên dựa theo báo cáo của cơ quan chiến lược dự báo thời tiết vũ trụ của Chính phủ Anh. Họ đã phác thảo một kế hoạch về những gì loài người cần phải chuẩn bị để đối phó với một cơn bão Mặt trời qui mô lớn. Báo cáo cũng nêu lên một kịch bản tồi tệ nhất của thời tiết vũ trụ sẽ khi xuất hiện đợt phun trào dữ dội từ trong lòng Mặt Trời.

bão mặt trời
Bão mặt trời tác động đến Trái Đất (ảnh minh họa) 
Trong trường hợp như vậy, lớp plasma bao bọc xung quanh Mặt trời sẽ tách ra, giải phóng một lượng lớn các hạt mang năng lượng cao và các tia X. Chúng sẽ tác động mạnh tới hành tinh của chúng ta.

Để xây dựng các phương án chiến lược chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ sự kiện Carrington xảy ra vào năm 1859. Đây là lần gần đây nhất xảy ra hiện tượng phun trào dữ dội trong lòng Mặt trời và nó đã tạo thành cơn bão điện từ lớn ảnh hưởng đến Trái Đất.

Bản báo cáo đã nêu rõ: “Tốc độ di chuyển của cơn bão Mặt trời trong không gian càng nhanh, những tác động tiêu cực của nó đến Trái đất càng lớn. Sự kiện Carrington là một ví dụ, cơn bão di chuyển đến Trái đất trong khoảng thời gian là 18 giờ. Đó là lý do vì sao chúng ta chỉ có đúng 12 giờ để chuẩn bị tính từ khi quan sát được hiện tượng xảy ra trên Mặt Trời”.

Báo cáo dự đoán rằng nếu cường độ cơn bão tương tự như đã xảy ra vào năm 1859 trong giai đoạn hiện nay, nó sẽ dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng và gián đoạn thông tin liên lạc thông qua vệ tinh.

Những hệ thống định vị toàn cầu GPS và những hệ thống liên lạc vô tuyến sử dụng tần số cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ dẫn đến các hệ thống kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không đều bị gián đoạn và tê liệt. Các hệ thống kiểm soát không lưu gặp sự cố có thể sẽ dẫn đến các tai nạn hàng không nghiêm trọng làm chết nhiều người.

Các tác giả của bản báo cáo cho rằng để đối phó với thảm họa này, các quốc gia phải thiết kế phương án bảo vệ cơ sở hạ tầng, xây dựng một hệ thống cảnh báo rộng rãi để cảnh báo sớm về thời tiết vũ trụ và có trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp tại chỗ.

“Có nhiều thứ cần phải hoàn thành để giảm thiểu tối đa những tác động xấu nhất có thể xảy ra. Khả năng truyền tải thông tin nhanh tới người dân là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị và ứng phó với một cơn bão Mặt Trời... Không phải tất cả những tác động xấu được dự báo đều xảy ra, nhưng trong mỗi thảm họa như vậy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng ở cấp quốc gia là vô cùng quan trọng. Ngoài ra các quốc gia cần phải có sự phối hợp để hỗ trợ lẫn nhau”.

Nguồn: Khampha

Bình luận
vtcnews.vn