Trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT: Đồng tiền quốc gia gắn liền chủ quyền quốc gia

Kinh tếThứ Tư, 06/09/2017 12:01:00 +07:00

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác có chế tài xử phạt hành vi huỷ hoại tiền tệ quốc gia, từ chối chấp nhận thanh toán đồng tiền quốc gia ngay trên chính lãnh thổ quốc gia...

Đầu tiên là chuyện Công an Cai Lậy, Tiền Giang, mời các tài xế trả tiền lẻ về đồn để "tìm hiểu tâm tư", hỏi thăm nguyện vọng.

Thứ đến là một số tài xế lại đưa từng đồng bạc lẻ đồng ở trạm thu phí BOT Văn Lâm, Hưng Yên.

Lần hồi lại, sự việc bắt đầu từ tháng 4/2017, cánh tài xế ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Vinh (Nghệ An) đã dùng các tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng, vo tròn bỏ trong các chai nhựa khi qua cầu Bến Thủy.

Xài tiền lẻ qua trạm thu phí BOT thì sao? - Ảnh 1.

 Hình minh họa.

Nguyên nhân là hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và 2, cách nhau độ chừng 1km, được lập nên để thu tuyến đường tránh.

Một tài xế taxi từ Nghi Xuân qua thành phố Vinh rồi quay về đã chịu mất đến 80.000 đồng dù không sử dụng một tấc nào của tuyến đường được thu phí.

Vậy là một cuộc phản đối bằng tiền lẻ được thực hiện, thu hút đông đảo người dân tham gia. Kết quả là người dân địa phương được miễn phí.

Cao trào diễn ra ở trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang, vào tháng 8/2017.

Trạm này hoạt động từ 1/8, và giá thấp nhất là 35.000 đồng, còn cao nhất đến 180.000 đồng. Cánh tài xế cho rằng họ không đi đường tránh, mà đoạn quốc lộ, dù nhà đầu tư cho rằng họ bỏ ra 300 tỉ đồng "tăng cường mặt đường", thì cũng không được quyền lấy của họ một xu, vì đấy là đường độc đạo.

Cuộc phản đối trở nên rầm rộ khiến cho lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải phải vào cuộc, tạm thời xả trạm, không thu phí cho đến nay, để tìm giải pháp lâu dài.

Và chiều 4/9, ở Văn Lâm, Hưng Yên, một số tài xế lại cực chẳng đã sử dụng đến chiêu này để phản đối mức giá thu phí quá cao, tư 40.000 đến 180.000 đồng/lượt xe. Kết quả là có 45 phút xả trạm để giải tỏa ách tắc.

Có rất nhiều góc nhìn xung quanh câu chuyện xài tiền lẻ qua trạm thu phí BOT này.

Một dạo, dư luận nóng ra với tuyên bố của một luật sư đòi truy tố những tài xế trả tiền lẻ ra tòa, muốn hình sự hóa một sự việc được cho là dân sự.

Chủ đầu tư cũng lập danh sách 19 xe xài tiền lẻ qua trạm, gửi tới cơ quan chức năng đề nghị xử lý.

Quả thật, công an đã mời các tài xế đến làm việc, tìm hiểu tâm tư thật.

Câu hỏi đặt ra là: Hành vi của các tài xế trong việc xài tiền lẻ qua trạm, kể cả vo tròn tiền bỏ vào chai, có phạm tội hay không?

Vấn đề này, Phó giáo sư tiến sĩ Võ Trí Hảo có nhận định phía bên dưới, rằng hành vi đó không hề phạm tội. Trái lại, những ai không chịu nhận tiền lẻ, hắt hủi tiền lẻ mới phạm tội, vì đồng tiền của một quốc gia xác lập chủ quyền của quốc gia đó.

Nhưng nếu không xử lý các tài xế về "tội" xài tiền lẻ được, thì có thể xử lý họ về hành vi cố tình gây cản trở giao thông được hay không?

Lý do, như ta thấy, từ Bến Thủy, Cai Lậy đến Văn Lâm các trạm thu phí đều bị kẹt, xe cộ dồn ứ, nhất là vào dịp lễ.

Nếu bạn đi xe đò, xe hơi vào đúng những dịp "xài tiền lẻ" và ùn ứ như thế, bạn nghĩ sao? Đồng tình hay phản đối?

Một khi đồng tình, bạn tham gia vào cuộc chơi, bạn sẽ chịu cảnh kẹt xe, nhưng như những người dân ở hai bên bờ sông Lam, Bến Thủy, họ chẳng phải trả phí cho dịch vụ mình không sử dụng.

Còn phản đối, bạn sẽ trả tiền, và trong rất nhiều trường hợp, cho phần đường tránh mà bạn hoàn toàn không đi.

Đồng tiền quốc gia gắn liền với chủ quyền quốc gia

Để khẳng định chủ quyền quốc gia, các nhà nước không chỉ kêu gọi sự công nhận độc lập của cộng đồng quốc tế mà việc phát hành đồng tiền quốc gia là một trong biểu hiện của chủ quyền quốc gia, bên cạnh quốc hiệu, quốc kỳ.

Bởi vậy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác có chế tài xử phạt hành vi huỷ hoại tiền tệ quốc gia, từ chối chấp nhận thanh toán đồng tiền quốc gia ngay trên chính lãnh thổ quốc gia.

Video: Việc dùng tiền lẻ trả phí BOT không phạm pháp

Trước đây Bộ Luật Hình Sự 1985 đã coi hành vi huỷ hoại tiền tệ là tội phạm; hiện nay Nhà nước có chủ trương mềm hoá chế tài này và xử phạt vi phạm hành chính.

Tiền to, tiền bé đều là tiền tệ quốc gia, không ai được phép từ chối chấp nhận thanh toán tiền lẻ. Bởi vậy, nếu từ chối chấp nhận thanh toán tiền lẻ thì đối tượng cần bị xử lý là các siêu thị, trạm thu phí… chứ không phải là người thanh toán.

Đành rằng việc thanh toán bằng tiền lẻ trong trường hợp BOT Cai Lậy có gây ra hệ quả gián tiếp trước mắt là ùn tắc giao thông.

Nhưng về mặt pháp lý, công dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; và pháp luật hiện nay không có văn bản nào cấm thanh toán bằng tiền lẻ như vừa phân tích ở trên.

Xét về tính hợp lý, thì việc các tài xế đã lựa chọn cách phản đối sự vô lý của điểm đặt tram thu phí BOT Cai Lậy là một lưạ chọn ôn hoà nhất; nếu hệ thống pháp luật quốc gia vào bất kỳ thời điểm nào từ chối các lựa chọn biểu thị sự bất bình bằng giải pháp ôn hoà, thì nhân dân sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài các giải pháp cực đoan; mà nhân dân Việt Nam đã từng bất đặc dĩ phải lựa chọn để phản đối chế độ thực dân Pháp, đường Phạm Hồng Thái còn khắc ghi và nhắc nhở hậu thế điều này.

Về lâu dài, những hành động biểu thị sự bất bình một cách ôn hoà sẽ tác động chính sách điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn, tạo ra sự ổn định, thịnh vượng lâu dài; đường Cai Lậy sẽ thông thoáng hơn về lâu dài sau phong trào hành động của các tài xế.

* Tít bài do tòa soạn đặt lại.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn