TP.HCM nóng với nạn trộm cắp trong 'thời gian củ mật'

Pháp luậtThứ Ba, 17/01/2012 02:58:00 +07:00

(VTC News) – Theo Công an TP.HCM, thời điểm cuối năm là dịp hoạt động mạnh của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm, cắp tài sản.

(VTC News) – Theo Công an TP.HCM, thời điểm cuối năm là dịp hoạt động mạnh của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm, cắp tài sản.

Công an TP.HCM cho biết, thời điểm gần Tết, tình trạng trộm, cắp tài sản luôn có những diễn biến phức tạp với những vụ trộm, cắp tài sản có giá trị cao. Thủ đoạn của các đối tượng là đóng giả, ăn mặc bảnh bao để tiếp cận nạn nhân, sau đó, gây mất tập trung rồi “ăn hàng”.

Anh Trần Duy Mạnh (ngụ ấp Tiền Lân, Bà Điểm, Hóc Môn), vừa trình báo với cơ quan công an về việc anh bị "dân chôm chỉa" lấy mất chiếc xe máy. Theo trình báo của anh Mạnh, khi anh đang bán hàng thì có 1 thanh niên đến hỏi mua thuốc lá. Lợi dụng lúc anh đang lúi húi lấy hàng, đối tượng đã dùng đoản khóa mở cổ xe rồi rồ ga bỏ chạy. Anh Mạnh truy hô người dân nhưng không kịp, tên trộm đã chạy thoát.

Hai đối tượng trộm két sắt bị Công an Thủ Đức bắt giữ

Trước đó, theo Công an quận Thủ Đức, lúc 19h30' ngày 4/1, chị Trương Ngọc Thảo (SN 1972) đi làm về thì phát hiện cửa sổ lầu 1 nhà mình (thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bị cắt khung cửa. Kẻ gian đã đột nhập vào nhà lấy đi 1 đôi bông tai đính hột xoàn 4 ly, 1 vòng đeo tay 5 chỉ, 1 dây chuyền 5 chỉ, 1 mặt dây chuyền 2,5 chỉ đều là vàng 9999, 1 kiềng vàng trắng, 1 lắc đeo tay vàng trắng. Số trang sức này, chị cất trong tủ, trên lầu 2. Tổng trị giá tài sản bị mất khoảng 200 triệu đồng.

Anh Vũ Quốc Bảo (sinh viên trường ĐHKHXH&NV) cũng cho biết, anh và 4 người bạn thuê chung một căn nhà ở trọ. Cách đây không lâu, anh và 4 người bạn quên cài cửa khi ngủ. Lợi dụng đêm tối, bọn trộm đã đột nhập vào nhà, lấy đi 3 chiếc laptop, 1 máy hình, máy ghi âm (tổng số tiền khoảng 60 triệu đồng). Đến sáng, khi kiếm tra, anh Bảo phát hiện đối tượng đã cột dây dù, leo qua lan can lên tầng 2 để “cuỗm” số tài sản trên.

Liều lĩnh, táo tợn hơn, các đối tượng còn đột nhập vào nhà dân để “khiêng” những két sắt. Mới đây nhất, Công an quận Thủ Đức bắt quả tang 4 đối tượng gồm Lê Văn Tuấn, Lê Văn Ngọc Đức, Đoàn Tuấn Kiệt (cùng ngụ quận Thủ Đức) và Mã Văn Nam (quê Thanh Hóa) khi chúng đang cạy cửa, đột nhập một cửa hàng điện thoại (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) để lấy đi két sắt bên trong có hơn 100 triệu đồng va 20 ĐTDĐ các loại.

Trước đó, Công an quận 10 (TP.HCM) cũng đã lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng liều lĩnh thực hiện hàng loạt vụ trộm két sắt tại TP.HCM, gồm: Trần Văn Đằng (SN 1961, ngụ phường 5, quận 8), Trần Hoàng Phước (SN 1990, con Đằng) và Nguyễn Thanh Sang (SN 1985, quê Bình Phước, tạm trú quận 8) để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản.

Hiện trường vụ trộm két sắt ở quận 10 (TP HCM) mà các đối tượng "ăn hàng" thành công.

Kết quả điều tra xác định, rạng sáng 1/10/2011, Phước cùng đối tượng tên Què Lớn bàn bạc, đột nhập vào trụ sở công ty ty H.N (số 52 đường Bà Hạt, phường 9, quận 10). Lúc này, Phước leo qua mái nhà số 56 rồi đột nhập vào tầng 3 nhà số 52 “khoắng” hết tài sản. Sau khi phát hiện chỗ để két sắt, Phước rủ thêm cha ruột là Trần Văn Đằng xâm nhập vào bên trong, “khiêng” két sắt ra ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, công an đã tóm được băng nhóm này.

Cảnh giác cao độ dịp cuối năm

Theo Công an TP.HCM, hiện nay, loại tội phạm trộm cắp tài sản ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Những tội phạm này có thể đột nhập vào nhà để “chôm” két sắt, hoặc “đá nóng” xe máy ngay trước mặt nạn nhân mà không ai có thể ngờ đến. Điển hình như băng nhóm của cha con Trần Văn Đằng và Trần Hoàng Phước nói trên. Với tính chất liều lĩnh, tinh vi, nhóm tội phạm cha - con này đã thực hiện trót lọt khoảng 8 vụ trộm két sắt khác nhau trên địa bàn các quận, huyện TP.HCM.

Những dãy nhà trọ kiểu như thế này là miếng mồi ngon của bọn trộm cắp. 

Theo Trung tá Võ Văn Liêm – Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận 10, nguyên nhân xảy ra các vụ trộm là do sự chủ quan của người dân. Nhiều chủ nhà cho rằng, nhà họ xây cao, trộm không thể đột nhập vào bên trong nên thường mở cửa sổ cho mát. Lợi dụng sự chủ quan này, các đối tượng đã dễ dàng hành động và thành công trong nhiều vụ trộm.

Theo giải thích của Trung tá Liêm, trong một băng trộm, thường thì các đối tượng sẽ bố trí 1 người nhỏ con, có khả năng leo trèo rất tốt để đột nhập vào bên trong. Vì thể, người dân phải cẩn thận đề phòng, lực lượng dân phố cũng phải tăng cường kiếm tra thường xuyên để ngăn chặn được loại tội phạm kiểu này.

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Thanh Huyền (Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm trộm cắp – PC45, Công an TP.HCM) cho biết, thủ đoạn tội phạm trộm cắp tài sản thường biểu hiện ở 2 dạng: ăn dạo và nhập nha.

"Nếu như dạng tội phạm ăn dạo, đối tượng thường rình rập “con mồi”, chờ sơ hở để ra tay thì hình thức phạm tội dạng nhập nha lại liều lĩnh và tinh vi hơn. Với loại tội phạm này, đối tượng thường nghiên cứu địa bàn, sau đó thì trèo tường, bẻ khóa, cắt song cửa...

Để thực hiện kế hoạch, các đối tượng thường hành động trong khoảng thời gian từ 1h đến 5h sáng và có đồng bọn hỗ trợ. Đặc biệt, những ngôi nhà cao tầng có thói quen ngủ quên cài cửa, những ngôi nhà gần bãi đất trống, sát cột điện… là con mồi để các đối tượng trộm cắp đột nhập.

Theo khuyến cáo từ Công an TP.HCM, để tránh mất mát tài sản vào dịp cuối năm, người dân cần đề phòng, tự bảo vệ tài sản của mình. Đối với lực lượng cảnh sát khu vực, dân phòng... cần phải bám trụ, hoạt động thường xuyên để ngăn chặn, kéo giảm nạn trộm cắp.

Quỳnh Mai

Bình luận
vtcnews.vn