TP.HCM: Gian nan vận động người dân đi xe buýt

Thời sựThứ Sáu, 29/04/2011 12:48:00 +07:00

(VTC News) – TP.HCM vẫn thường nhận định vấn nạn kẹt xe là do xe máy. Thế nhưng, giải pháp vận động người dân đi xe buýt chống kẹt xe lại là bài toán nan giải.

(VTC News) – Lâu nay, TP.HCM vẫn thường nhận định vấn nạn kẹt xe chủ yếu là do xe máy. Thế nhưng, giải pháp vận động người dân đi xe buýt chống kẹt xe lại là bài toán rất nan giải.

Xe máy là thủ phạm chính gây kẹt xe?

Tại cuộc hội thảo “Làm thế nào để vận tải hành khách công cộng là phương tiện đi lại chính của người dân TP.HCM?” vừa được tổ chức hôm 28/4, các chuyên gia đầu ngành về giao thông của TP đều nhận định rằng, thủ phạm chính để gây ra nạn kẹt xe chính là xe máy.

PGS TS Phạm Xuân Mai – ĐH Bách Khoa TP.HCM thông tin: Theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở GTVT TP.HCM, toàn TP hiện có khoảng gần 4,5 triệu xe gắn máy các loại, chiếm 70% diện tích mặt đường lưu thông hằng ngày. Ngoài ra, còn có hơn 400 ngàn xe ô tô hàng ngày vẫn đang di chuyển. Điều đó có nghĩa rằng cứ tính trung bình cứ 2 người dân thì lại có 1 người hiện đang sở hữu phương tiện giao thông cá nhân.

Vận động người dân di chuyển bằng xe buýt luôn là bài toán nan giải của hệ thống giao thông TP.HCM (ảnh: N.D) 

Trong khi, theo thống kê từ Trung tâm quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP, hiện trên địa bàn TP có 148 tuyến xe buýt, với số lượng gần 3.100 xe, chỉ chiếm gần 0,07% xe cơ giới, một con số rất nhỏ so với xe cá nhân.

Đặc biệt, tại TP.HCM, trung bình 1 ngày có trên 78% các chuyến đi được thực hiện bằng xe máy và tổng chung cho số lần di chuyển xe cá nhân chiếm tới 93%, đây là con số cao nhất tại khu vực châu Á, ThS Nguyễn Thị Cẩm Vân – Phòng nghiên cứu Quản lý đô thị thuộc Viện nghiên cứu phát triển TPHCM nêu rõ.

TS Nguyễn Hữu Nguyên – Trung tâm nghiên cứu KT miền Nam cho rằng một nghiên cứu XH đã từng được thực hiện cho thấy, nếu không có xe máy thì có đến 58% lượng người chọn sử dụng xe đạp, một con số vượt trội so với hơn 45% lượng người chọn đi xe buýt.

“Điều đó có thể chứng minh rằng người dân chọn phương tiện giao thông cá nhân là vì lợi ích. Thói quen thì có thể thay đổi, nhưng lợi ích thì khó mà bỏ được” – TS Nguyên nói.

Nan giải bài toán xe buýt TP.HCM

Sau 8 năm phát triển, toàn TP.HCM hiện chỉ mới có146 tuyến xe buýt, trong đó 110 tuyến có trợ giá với năng lực vận chuyển hơn 1 triệu khách mỗi ngày.  Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế xã hội hiện nay, phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Riêng xe buýt chỉ mới thu hút được khoảng 5% người dân sử dụng, 90% người dân còn lại dùng các phương tiện cá nhân chủ yếu là xe máy.

Để phát triển loại hình giao thông bằng xe buýt ở TP.HCM, theo ông Lê Hải Phong – GĐ Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM, còn có rất nhiều vấn đề phải làm, giải quyết. Trước tiên là nhà chờ xe buýt, chỉ có khoảng 10% trong tổng số 4.000 điểm dừng của xe buýt là có nhà chờ. Thế nhưng, điều đáng nói là các nhà chờ này cũng chưa văn minh, hiện đại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các dự án xây dựng nhà chờ này chỉ mới dừng ở khâu…đề xuất.

Thêm nữa, những hình ảnh xấu về xe buýt như phóng nhanh, vượt ẩu, phân biệt đối xử, tình trạng xuống cấp của xe buýt, các luồng tuyến chồng chéo nhau, nhiều tuyến không tiện cho việc đi lại, kẹt xe gây chậm giờ làm,… cũng khiến cho vận tải xe buýt không được hành khách tham gia nhiều.

Đến từ Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM – ThS Lê Thị Mỹ Hà lo ngại, hình ảnh xe buýt di chuyển trên đường phố đang ngày càng trở nên xấu đi trong mắt người dân.

“Ngành GTVT TP.HCM cần phải tập trung giải quyết những nhược điểm, hạn chế của xe buýt thì mới mong được người dân tin tưởng sử dụng hơn…” – bà Hà khẳng định.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh: “Việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nhất là xe buýt trong thời gian sắp tới là vấn đề có tính sống còn cho giao thông của TP trong tương lai. Chúng ta cần phải triển khai ngay các giải pháp đồng bộ như đầu tư bến bãi, luồng tuyến. làm thế nào để người dân tiếp cận xe buýt một cách tiện ích nhất, dễ dàng nhất, vé tốt nhất, thái độ phục vụ tốt nhất, thu hút được người dân chọn phương tiện vận tải hành khách cộng cộng".

Bài, ảnh: Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn