TP.HCM đặt mục tiêu năm 2015 tăng GDP 9,5-10%

Thời sựChủ Nhật, 23/11/2014 04:11:00 +07:00

Kinh tế TP.HCM năm 2014 tăng trưởng khá, GDP ước đạt 9,5% (cùng kỳ năm 2013 là 9,3%), thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỉ USD.

Với chương trình làm việc trong một ngày rưỡi, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 20 đã khai mạc sáng 22/11, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2015.

Phát biểu khai mạc, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đề nghị hội nghị thảo luận, xác định các giải pháp khả thi nhằm thực hiện mục tiêu tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ 9,5-10%, tăng tổng đầu tư xã hội, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm tối đa tình trạng nhũng nhiễu, tích cực giải quyết bức xúc của nhân dân...
 Ông Võ Văn Thưởng - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - phát biểu khai mạc Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 20

Không giải quyết bức xúc kịp thời, phải xin lỗi dân

Cùng với những thành tựu đã đạt được, ông Thưởng cũng cho rằng cần đánh giá nghiêm túc các mặt hạn chế, yếu kém để chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Ông Thưởng gợi mở những nội dung cần thảo luận: cơ cấu lại kinh tế có đạt được hiệu quả thúc đẩy chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM; cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư vẫn còn sự đánh giá khác nhau khá lớn giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý; việc giải quyết các bức xúc dân sinh như nước sạch, ngập nước, xóa dự án “treo” vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Đọc tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết kinh tế TP.HCM năm 2014 tăng trưởng khá, GDP ước đạt 9,5% (cùng kỳ năm 2013 là 9,3%), thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỉ USD...

Trong khi đó, với đặc điểm năm 2015 là năm cuối của kế hoạch năm năm (2011-2015), nên những kết quả đạt được của năm này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo thế và lực mới để phát triển TP.HCM trong giai đoạn tới.

Một trong những chỉ tiêu đáng chú ý của năm 2015 được Ban thường vụ Thành ủy đề nghị Thành ủy TP.HCM cho ý kiến là GDP dự kiến tăng từ 9,5-10% so với năm 2014, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP (năm 2014 chiếm 28,5% GDP, đạt khoảng 250.000 tỉ đồng)...

Ông Quân nhấn mạnh: TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng kinh tế hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thực hiện có hiệu quả sáu chương trình đột phá cùng với nhiều mục tiêu khác.

Theo trình bày của ông Quân, những biến động phức tạp, khó lường của thế giới và khu vực đã tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của TP.HCM, trong khi năng lực phân tích, dự báo chưa kịp thời.

Chưa triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp mang tính đột phá để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nhũng nhiễu, phiền hà, không sâu sát với nhân dân...

Một trong những hạn chế, yếu kém cụ thể được chỉ ra là kinh tế TP.HCM tăng trưởng nhưng chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Xuất khẩu tăng trưởng nhưng nặng về gia công, giá trị gia tăng thấp.

Sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn. Ùn tắc giao thông, ngập nước nội thị, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng được nêu cụ thể để thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị, trong đó chỉ rõ yêu cầu phải thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu, phải xin lỗi dân và có biện pháp sửa sai nếu cán bộ cấp dưới không giải quyết kịp thời bức xúc của dân.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, tổ chức cho người dân và doanh nghiệp đánh giá cán bộ, xử lý kịp thời những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị 

Thực hiện mô hình trường học thông minh

Hội nghị đã nghe Ban thường vụ Thành ủy trình dự thảo chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM thực hiện nghị quyết của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Trình bày nội dung nói trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết TP.HCM tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Dự thảo nhấn mạnh việc góp phần đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Theo ông Thuận, dự thảo còn nhấn mạnh sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp. Đây cũng là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, TP.HCM xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ giáo dục đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, xây dựng chế độ tu nghiệp, bồi dưỡng định kỳ cho đội ngũ này...

TP.HCM tạo điều kiện cho các trường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị đạt chuẩn, hiện đại, thực hiện mô hình trường học thông minh.

Ban thường vụ Thành ủy đề nghị cho ý kiến nhiều mục tiêu cụ thể: đến cuối năm 2020, 100% các trường học ở TP.HCM đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất; 100% người dân trong độ tuổi 15-35 biết chữ, trình độ học vấn bình quân của người dân là lớp 12...

Xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức

Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến về dự thảo chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM thực hiện nghị quyết trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo trình bày của Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, chương trình có sáu nhiệm vụ, trong đó đầu tiên là xác định xây dựng con người TP phát triển toàn diện với trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa đặc thù của Nam bộ, của TP.HCM.

Chương trình cũng đề ra yêu cầu xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, theo đó nhấn mạnh việc xây dựng quy tắc ứng xử chung của cán bộ, công chức, viên chức, giám sát tính gương mẫu của đội ngũ này trong thực hiện nếp sống văn minh về cưới, lễ hội, việc tang.


Theo Tuổi Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn