TP HCM: Dân kiện Sở GTVT vì thiệt hại do lô cốt

Thời sựChủ Nhật, 05/09/2010 05:10:00 +07:00

Một cụ ông 73 tuổi vừa đâm đơn, kiện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vì thiệt hại do lô cốt gây ra.

Cuối cùng, sau rất nhiều lần chờ đợi, dư luận tại TP HCM cũng đã có dịp chứng kiến vụ kiện chưa từng có trong tiền lệ tố tụng ở TP HCM: người dân kiện Sở GTVT TP HCM vì thiệt hại do lôcốt!. Vốn dĩ, lôcốt trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây luôn là nỗi ám ảnh thường nhật đối với người dân đang sinh sống tại thành phố lớn nhất nước này.

Ông Nguyễn Văn Lang, người đâm đơn kiện Sở GTVT thành phố HCM 

Đã có rất nhiều thiệt hại từ lôcốt nhưng, chẳng ai nghĩ đến chuyện nói đúng sai với người khởi xướng "phong trào lôcốt" là Sở GTVT, cho đến khi ông Nguyễn Văn Lang quyết tâm kiện để đòi công bằng…

1. Ông Nguyễn Văn Lang, năm nay 79 tuổi ngụ tại 12/7 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. 79 tuổi, cái tuổi đã quá ngưỡng để có thể đáo tụng đình. Nhưng, mặc chuyện phải đeo máy trợ thính để trao đổi, chuyện sức khỏe... ông vẫn mày mò nghiên cứu luật mỗi ngày để quyết tâm kiện Sở GTVT TP HCM, kiện vì lý do mà theo ông nói với tôi là: "Tôi tin, không ai có thể đứng trên luật pháp được".

Căn nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự thuộc sở hữu của ông Lang và vợ. Hai vợ chồng già nhường phần mặt bằng cho con cái để kinh doanh quán ăn. Mỗi tháng, tiền lãi của quán cũng tròm trèm 20 triệu, sau khi trừ toàn bộ chi phí. Mọi chuyện đang diễn ra rất êm đẹp thì "ông lôcốt" xuất hiện.

Tháng 1/2005, người ta dựng trước cửa nhà ông cái lôcốt to đùng, choán toàn bộ mặt bằng đang kinh doanh. Nghĩ là công trình vì lợi ích chung, ông lẳng lặng khuyên con cái tạm dẹp quán, cho 14 nhân viên nghỉ việc.

Nhưng, cái lôcốt nằm trong dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, do Sở GTVT TP HCM làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty JV OF TMEC & CHEC-3  ấy không chỉ nằm vài tháng mà kéo dài suốt... 2 năm. Mãi cho đến tháng 1/2007, người ta mới chịu tháo lôcốt ra để rồi vào tháng 11/2007 người ta tiếp tục... dựng lôcốt lại. Lần này, lôcốt án ngữ trước nhà ông Lang đến tháng 6/2009 thì  mới được tháo bỏ hoàn toàn.

Không chỉ chịu thiệt hại về mặt thu nhập do quán ăn phải đóng cửa, mà căn nhà của gia đình ông Lang còn bị hư hỏng do chấn động của công trình lôcốt trên. Đến mức này, thì ông Lang thực sự khó chịu. Sau nhiều ngày nghiên cứu các điều luật đã được Chính phủ ban hành, ông quyết định kiện đơn vị thi công công trình là Công ty JV OF TMEC & CHEC-3. "Nhưng, mình kiện đơn vị thi công chưa đúng lắm vì người chịu trách nhiệm chính là chủ đầu tư. Mình phải kiện chủ đầu tư, rồi chủ đầu tư làm việc lại với đơn vị thi công sao đó là chuyện nội bộ", ông Lang nói.

Vậy là, ông thảo đơn khởi kiện Sở GTVT TP HCM, Công ty  JV OF TMEC & CHEC-3 cũng "có phần" trong đơn kiện với tư cách là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tháng 10-2009, ông nộp đơn kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) Q.1. TAND Q.1 trả lời đây là vụ kiện vượt quá thẩm quyền của Tòa án quận và chuyển hồ sơ lên TAND TP HCM. Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng thì TAND TP HCM đã đồng ý thụ lý vụ kiện Sở GTVT TP HCM của ông Nguyễn Văn Lang.

Theo tính toán của ông Lang thì mỗi tháng, gia đình ông mất khoảng 20 triệu tiền sinh lãi kinh doanh do lôcốt, tổng cộng cho 2 lần lôcốt biến mất và xuất hiện trước nhà ông là 42 tháng. Nếu chỉ lấy thiệt hại thấp nhất cho mỗi tháng là 6 triệu đồng, thì gia đình ông đã mất 252 triệu. Và đây là số tiền ông yêu cầu Sở GTVT TP HCM và đơn thị thi công phải bồi hoàn cho mình.

Bên cạnh đó, việc thi công công trình này cũng đã gây chấn động mạnh, làm tường và dầm bêtông cốt thép của căn nhà ông bị nứt và xuống cấp nhiều chỗ. Thiệt hại này đã được các cơ quan chức năng ghi nhận, có chụp ảnh để làm bằng chứng. Thế nên, ông yêu cầu đơn vị thi công phải bồi hoàn cho mình số tiền 60 triệu đồng để sửa chữa lại nhà.

Tuy nhiên, phía Ban quản lý dự án và đơn vị thi công chỉ đồng ý bồi thường 8 triệu đồng cho các thiệt hại trên. Do gia đình ông Lang không đồng ý với mức bồi thường quá thấp, nên Sở GTVT TP HCM kiến nghị thuê một đơn vị độc lập để giám định thiệt hại, kèm theo yêu cầu là "nếu ai sai trong việc xác định số tiền bồi thường thì phải chi trả tiền thuê công ty giám định".

Kết quả, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, đơn vị kiểm định độc lập nhận định số tiền để khắc phục thiệt hại mà căn hộ của ông Lang bị ảnh hưởng từ công trình thi công của Công ty JV OF TMEC & CHEC-3 là hơn 31 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty JV OF TMEC & CHEC-3  chỉ chấp nhận bồi thường 50% số tiền trên vì họ cho rằng, mình không có lỗi. Thương lượng không được, ông Lang gộp luôn vụ "hư nhà" này vào vụ "thiệt hại kinh doanh" để khởi kiện chung một lượt.

2. Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc  - Thị Nghè là một trong những công trình bị dân "kêu" nhiều nhất tại TP HCM, bởi cách làm việc vừa cẩu thả, vừa trì trệ của đơn vị thi công. Thế cho nên, khi ông Lang phát đơn kiện Sở GTVT TP HCM về vụ việc liên quan đến lôcốt của Công ty JV OF TMEC & CHEC-3  ngay lập tức ông nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ dư luận.

Ông Lang nói với chúng tôi rằng, ông đã nhờ luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng làm đại diện pháp lý cho mình. Nhiều luật sư khác, thậm chí ông Lê Hiếu Đằng - nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM cũng hứa với ông là sẽ trợ giúp pháp lý cho ông nếu cần thiết.

"Tôi kiện không phải vì tiền. Tôi kiện là bởi tôi thấy yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình là hợp pháp, được quy định rõ theo luật pháp của Nhà nước. Có người nói với tôi là thiệt hại của tôi so với thiệt hại của những người khác do lôcốt gây ra chẳng thấm tháp gì, vậy thì đi kiện làm chi cho nó mệt vậy(?!). Tôi không đồng ý và cho rằng suy nghĩ như vậy là không đúng. Bởi đơn giản thôi, người dân nếu gây thiệt hại cho các công trình công cộng sẽ bị buộc bồi thường theo luật định. Thậm chí, có khi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vậy thì tại sao các công trình công cộng gây thiệt hại cho người dân lại không bị bắt buộc bồi thường(?!)", ông Lang nói vậy khi trả lời câu hỏi của tôi là: "Vì sao ông quyết định khởi kiện Sở GTVT TP HCM? Trong khi, rất nhiều các đơn vị kinh doanh cho đến cá nhân chịu ảnh hưởng từ lôcốt chỉ biết... chửi thầm rồi im lặng?".

Ông kể tôi nghe chuyện xảy ra cũng đã lâu, chuyện ông... đòi quyền lợi của mình từ Liên Hiệp Quốc và đã được tổ chức này thực hiện nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi cho ông. Một lần ông sang Campuchia và bị tai nạn ở Phnômpênh, phương tiện gây ra tai nạn cho ông là chiếc xe thuộc Cơ quan UNTAC (đơn vị trực thuộc Liên Hiệp Quốc). Ngay khi tai nạn xảy ra, ông đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tận tình giúp đỡ từ việc chữa trị cho đến việc chuẩn bị các chứng lý nhằm khởi kiện thủ phạm gây tai nạn ra tòa, bất chấp đó là ai.

Về lại TP HCM, sau khi xin phép và được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao, ông đã viết thư cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc B.Boutros Gali và cả Kofi Annan yêu cầu được đảm bảo các quyền lợi của người bị tai nạn do phương tiện của UNTAC gây nên
 
"Hồi đó, thư tín đi lại còn khó khăn. Nhưng cũng chưa đầy 30 ngày sau, tôi đã nhận được trả lời của một cơ quan khác cũng thuộc Liên Hiệp Quốc, và họ đã đồng ý bồi hoàn thiệt hại cho tôi theo tinh thần trách nhiệm rất cao. Điều này minh chứng là, bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, pháp luật phải luôn được thực thi theo ý nghĩa tốt đẹp của nó là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mọi người dân", ông Lang đúc kết.

Ông nói là giả dụ công trình công cộng phục vụ cho lợi ích của cộng đồng kéo dài trong thời gian hợp lý và đơn vị thi công làm việc có trách nhiệm, thì chẳng người dân nào lại đi khiếu kiện cả. Nhưng, cái chính là ông không thể chấp nhận chuyện một đơn vị thi công công trình công cộng đã kiếm được hàng đống tiền lãi từ công trình, rồi lại khoác cho nó cái áo là công trình vì cộng đồng mà bất chấp những quyền lợi chính đáng khác của những hộ dân sinh sống quanh công trình đó.

Có người gọi điện thoại cho ông, khi nghe tin ông kiện Sở GTVT nói là "con kiến đi kiện củ khoai làm gì". Ông nghe xong chỉ bảo, ông tin vào lẽ phải. Hơn nữa, ông vẫn tin vào những quan chức lãnh đạo có tâm và có tầm để hiểu thấu đáo những khúc mắc mà người dân thành phố gặp phải xoay quanh vấn nạn lôcốt. Vì nó chẳng phải đơn giản chỉ là lôcốt, mà phía bên trong đó là những vấn đề rối rắm khác.

"Vì khi anh là chủ đầu tư, ký hợp đồng với đơn vị thi công, anh đều có các điều khoản theo luật định là trễ hạn thi công thì phạt ra sao, gây thiệt hại cho các công trình xung quanh thì chịu phạt như thế nào... Chứ đâu phải là chuyện chơi đâu mà đơn vị thi công chây ì, chủ đầu tư thì lâu lâu nhắc chút xíu cho có lệ", ông Lang cho biết.

"Vụ kiện này, tòa sẽ tuyên tôi thắng kiện hay thua kiện. Nhưng, cái quan trọng nhất mà tôi muốn có được chính là chuyện thông qua truyền thông, người dân sẽ có thêm niềm tin để đủ dũng khí mà đi tìm quyền lợi chính đáng cho mình. Còn có rất nhiều cơ quan chức năng thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi cho họ. Thứ đến, cũng là lúc các nhà lãnh đạo phải nhìn xuyên suốt vấn đề để nhanh chóng có thể tìm ra biện pháp bảo vệ quyền lợi cho người dân. Đó là cái tôi mong muốn nhất", ông Lang nói vậy khi tiễn khách ra về.

Chúng tôi vẫn tin vụ kiện của ông Lang là vụ kiện cần thiết trong thời điểm hiện nay. Bởi ở TP HCM, có hàng trăm lôcốt được dựng lên cấp tốc, nhanh chóng đào bới xới lộn lòng đường, quây tôn xong để đó... từ từ tính tiếp. Tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng của công nhân xây dựng, của giám sát công trình... Điều tệ hại hơn nữa, khi lôcốt rút đi, mặt đường lại trở nên nham nhở, xấu xí. Nắng bụi nhiều hơn, mưa cũng ngập nhiều hơn. Vậy thì không hiểu người ta đổ hàng nghìn tỉ đồng để làm gì trong khi kết quả thu được là sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng và sự ta thán của người dân thành phố (?!).

Cách làm việc vô trách nhiệm, cẩu thả của đơn vị thi công. Sự giám sát thiếu chặt chẽ, chiếu lệ của chủ đầu tư thường là các cơ quan nhà nước khiến cho bộ mặt đô thị ở thành phố là trọng điểm kinh tế của cả nước này trở nên nhếch nhác, nếu không muốn nói là cực kỳ dơ bẩn.

Và một vụ kiện để đòi quyền lợi chính đáng là việc làm hết sức cần thiết trong thời điểm này.

Điều 267, Bộ luật Dân sự 2005 quy định về  Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng đã nêu rất rõ:
1. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
2. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hóa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh. 


 Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn