Topcare bị siết nợ: Cái chết báo trước của siêu thị điện máy?

Kinh tếThứ Ba, 27/01/2015 09:32:00 +07:00

Không chỉ Topcare mà còn nhiều siêu thị khác đều đối mặt với "cái chết báo trước”.

Không chỉ Topcare mà còn nhiều siêu thị khác đều đối mặt với "cái chết báo trước”.


Tranh nhau tịch thu hàng?


Sáng 22/1/2015, một số người đã treo băng rôn trước TopCare tại 335 Cầu Giấy: "Phản đối Công ty TNHH&ĐTTM TopCare không thanh toán tiền hàng và không cho rút hàng kí gửi".

Trong khi đó, giới kinh doanh nghi ngờ TopCare đang là con nợ lớn của NH khi đầu tháng 12/2014 vừa qua, một ngân hàng có trụ sở phía Bắc cũng rao bán trong nội bộ các sản phẩm đồ gia dụng của TopCare như lò vi sóng, bếp gas, máy hút bụi, điện thoại, tivi... với giá thấp hơn ngoài thị trường, để thu hồi vốn vay.
Hàng loạt siêu thị điện máy TopCare tại Hà Nội đã bất ngờ đóng cửa
Hàng loạt siêu thị điện máy TopCare tại Hà Nội đã bất ngờ đóng cửa 

Tại Topcare Hoàng Minh Giám, một NH đã đóng gói toàn bộ sản phẩm trong siêu thị, chờ vận chuyển đi. Người dân sống gần tòa nhà Topcare Cầu Giấy cho biết, từ 3-4 ngày trở lại đây có nhóm nhân viên của NH Ocean Bank, các hãng điện máy, điện thoại đến siêu thị để đòi nợ và thu giữ hàng hóa trong siêu thị.

Giằng co giữa các bên khiến công an phường phải xuống làm việc.

Chưa có lời giải thích chính thức nào từ ban lãnh đạo TopCare, các thông tin chỉ cho biết "tạm đóng cửa để kiểm kê". Nhưng điều này càng khiến nhiều người lo ngại, nếu xảy ra sự xung đột gay gắt giữa các ngân hàng và nhà cung cấp hàng về khoản nợ của DN này, thì không biết rồi sẽ như thế nào.

TopCare là thương hiệu chuỗi siêu thị điện máy ra đời từ năm 2008 với địa điểm đầu tiên tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Láng Hạ - Hà Nội). Nhưng sau đó, Topcare đã đóng cửa kinh doanh điện máy ở đây và chuyển sang kinh doanh cafe, đồ ăn nhanh, tổ chức đám cưới… nhưng sau 1 thời gian ngắn cũng đóng cửa nốt.

Cuối 2014, TopCare đầu tư 30 tỷ mở thêm siêu thị mới ở Hoàng Minh Giám (Hà Nội). Tuy nhiên, thông tin cho biết, lúc đó 2014 đã rơi vào khó khăn.

Những ai đã vào các siêu thị của TopCare tại Hà Nội sẽ thấy, hàng hóa thưa thớt, thiếu đa dạng, nhiều mặt hàng chỉ có hàng bày mẫu. Với dân trong nghề, đây được cho là dấu hiệu các chủ hàng đã ngừng cung cấp.

Trong khi đó, đại diện một thương hiệu điện tử lớn Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết, Top Care nợ họ 4 tỷ đồng mà rất khó đòi. Nhà cung cấp này cho biết đã ngừng cung cấp hàng cho TopCare từ 3 tháng nay.

Với thực tế này, giới kinh doanh điện máy nhận định, TopCare đang trong tình trạng tắc dòng tiền do kinh doanh dựa trên vốn vay quá nhiều. Một số DN điện máy thời gian qua vẫn dùng hàng hóa mua trả chậm, từ nhà cung cấp làm tài sản thế chấp, để vay vốn ngân hàng, mở điểm bán mới. Khi hàng không bán được hàng thì nợ chồng nợ, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của hệ thống.

Khách hàng lo lắng?

Hiện tại, số điện thoại chăm sóc khách hàng của Top Care không thể liên lạc được. Nhiều khách hàng của TopCare đang lo lắng, việc ngừng hoạt động có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của họ nhất là việc thực hiện chế độ bảo hành.
Không chỉ Topcare mà còn nhiều siêu thị khác đều đối mặt với ‘cái chết báo trước” như thế
Không chỉ Topcare mà còn nhiều siêu thị khác đều đối mặt với ‘cái chết báo trước” như thế 

Cùng với đó là nỗi lo hàng không chính hãng. Hiện tượng này đã từng xảy ra với những siêu thị khó khăn phải đóng cửa. Trước đây khi siêu thị điện máy Home One đóng cửa, nhiều khách hàng cho biết, sản phẩm gặp trục trặc, mang đến trung tâm bảo hành của hãng mới “té ngửa” là đã mua phải hàng không chính hãng và bị từ chối bảo hành.

Theo giám đốc bộ phận bán hàng của một hãng điện tử lớn tại Việt Nam, không phải siêu thị điện máy nào cũng bán hàng chính hãng. Ở một số siêu thị điện máy lớn cũng có sự “trộn lẫn” giữa hàng chính hãng với các hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khách hàng khi mua những sản phẩm này thường không được bảo hành từ chính Hãng mà chỉ có phiếu bảo hành do siêu thị tự in, rất rủi ro.

Đại diện của hệ thống siêu thị Nguyễn Kim cho biết, cuối năm 2011, khi WonderBuy đóng cửa, Nguyễn Kim đã đứng ra nhận bảo hành cho khách hàng đã mua sắm tại WonderBuy.

Thế nhưng, khi bảo hành, đã phát hiện ra nhiều sản phẩm là hàng hóa không thương hiệu, hàng nhái, hàng kém chất lượng... khiến công ty mất rất nhiều thời gian xử lý, cũng như phải đối phó với những phản ứng gay gắt từ khách hàng.

 
5 năm, 5 chuỗi siêu thị điện máy phá sản

2011: WonderBuy

Tháng 6/2011, hệ thống siêu thị điện máy “bán hàng kiểu Mỹ” WonderBuy, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Điện máy - Máy tính - Viễn thông Hợp Nhất, đã chính thức tuyên bố phá sản sau chưa đầy 1 năm hoạt động.

WonderBuy được khai trương tháng 6/2010, kinh doanh hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất. Sau 1 năm hoạt động, tính đến 10/6/2011, hệ thống này bị lỗ tới 52 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ tiền đặt cọc thuê mặt bằng, 20 tỷ đồng hàng hoá, nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê nhà, đầu tư thiết bị…

2012: Best Carings

Ra đời từ cuối năm 12/2004, những năm 2009-2010 trở về trước, Best Carings được biết đến nhà kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy sôi động bậc nhất của Hà Nội, từng có tên trong “Top 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương” 2009, 2010; Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009-2010…

Nhưng sau gần 8 năm tồn tại, Best Caring bắt đầu lao dốc do ế ẩm. Nhất là từ thời điểm năm 2010 Best Carings bắt đầu đi xuống. Hàng ế ẩm, nợ lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng… đã khiến cho hệ thống này lần lượt đóng cửa các điểm bán.

Đến cuối năm 2012, hệ thống này đã chính thức đóng cửa siêu thị cuối cùng, kể cả điểm tại Vincom Long Biên, Hà Nội, lặng lẽ rút khỏi thị trường điện máy

2013: HomeOne

Tháng 9/2013, hệ thống siêu thị điện máy HomeOne, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong đã chính thức rời sân chơi thị trường điện máy.

Trước đó, từ cuối quý II/2013 đến đầu tháng 9/2013, hệ thống này đã lần lượt cho khai tử cả 3 siêu thị tại TP HCM trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đường Đồng Nai (quận 10) và Trung tâm Vincom A, Quận 1. Ngoài ra còn có 1 website bán hàng trực tuyến.

HomeOne vốn là một hệ thống bán lẻ khá lớn trên địa bàn TP HCM, có số vốn khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn 2 năm kinh doanh, HomeOne liên tục lâm cảnh ế ẩm không bán được hàng, nợ lương nhân viên kéo dài nhiều tháng, nợ tiền thuê mặt bằng, nợ nhà cung cấp nhiều tỷ đồng tháng, cuối cùng đã bị niêm phong thu hồi mặt bằng.

2014: Việt Long

Ngay từ năm 2002, siêu thị điện máy Việt Long của Công ty Cổ phần Thương mại Điện máy Việt Long đã nổi lên là một trong những thương hiệu lớn bậc nhất tại thị trường Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Tại thời điểm phát triển mạnh nhất, Việt Long từng sở hữu các điểm bán như 187 Giảng Võ, 80 Ngô Gia Tự, số 10 Trần Phú (quận Hà Đông) và showroom Sony Center đặt tại 222 Trần Duy Hưng, 133 Thái Hà.

Tuy nhiên, sau 11 năm hoạt động, đến năm 2013, Việt Long đã liên tục lao dốc, kiệt quệ, dần phải đóng cửa các điểm bán và bị ngân hàng siết nợ.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn