Tổng thống Obama trong nỗ lực cuối cùng bảo vệ Obamacare

Thế giớiThứ Tư, 04/01/2017 18:38:00 +07:00

Sáng 3/1, Quốc hội mới của Mỹ đã họp phiên toàn thể đầu tiên, với một chương trình nghị sự đầy tham vọng của Đảng Cộng hòa.

Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là số phận Chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ, hay còn gọi là Obamacare.

Được xem là một trong những di sản đối nội đáng chú ý của ông Obama, song đạo luật này đang đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ do không nhận được sự đồng tình của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

tong thong obama trong no luc cuoi cung bao ve obamacare hinh 1

 Tổng thống Mỹ Barack Obama

Quốc hội Mỹ sẽ bắt tay vào một chương trình nghị sự bận rộn, với những vấn đề được cho là sẽ trở thành điểm nóng của chính trường Mỹ thời gian tới, trong đó có số phận của chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ Obamacare.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama dự kiến hôm nay sẽ có cuộc họp kín với các nghị sĩ Đảng Dân chủ thuộc cả 2 viện Quốc hội Mỹ nhằm thảo luận chiến lược bảo vệ đạo luật này, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, Obamacare có thể sẽ là hồ sơ đầu tiên được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội vừa mới được bầu tại Mỹ.

Nếu không có hành động, trong vòng 2 tuần tới, tức là trước khi chính thức rời Nhà Trắng ông Obama sẽ không còn lựa chọn nào khác là nhìn di sản của mình bị định đoạt trước một Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Theo giới quan sát, Tổng thống sắp mãn nhiệm  sẽ thúc đẩy các nghị sĩ Đảng Dân chủ thống nhất một mặt trận trong vấn đề này.

Dù chỉ chiếm thiểu số, song phe Dân chủ cũng có thể khiến việc thông qua các văn kiện bị trì hoãn vô thời hạn. Đây cũng là cách mà phe Cộng hòa từng sử dụng để ngăn cản các đề xuất của chính quyền tổng thống Obama.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, 75% người dân Mỹ ủng hộ việc duy trì Obamacare.

Cũng cần phải nói thêm rằng, nhờ Obamacare mà 20 triệu người dân Mỹ lần đầu tiên được hưởng bảo hiểm xã hội và theo các nhà phân tích, đây cũng sẽ chính là điểm mà ông Obama sẽ phải tập trung vào trong các cuộc thảo luận với Đảng Dân chủ: đó là hãy chú ý tới ý kiến của người dân. Không chỉ thế, công luận cũng có thể là điểm khiến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thay đổi lập trường của mình.

Bản thân ông Donald Trump, dù phản đối mạnh mẽ đạo luật trong suốt chiến dịch tranh cử, song sau đó lại để ngỏ khả năng giữ lại một số điều khoản trong đạo luật Obamacare.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Wall Street Journal mới đây, ông Trump tuyên bố có thể giữ hai điều khoản chính trong đạo luật này, bao gồm lệnh cấm các hãng bảo hiểm từ chối chi trả  vì tiền sử bệnh tật của khách hàng và luật cho phép mọi người được hưởng chung chương trình bảo hiểm y tế với cha mẹ cho tới khi 26 tuổi.

Ngay cả Đảng Cộng hòa dù đã nói nhiều về việc thay thế Obamacare bằng một đạo luật khác, song chưa bao giờ nói cụ thể về ý định này và cũng không có sự quảng bá rộng rãi ngay cả trong quá trình chạy đua "nước sôi lửa bỏng".

Hơn nữa việc hủy bỏ hoàn toàn đạo luật này sẽ mất khá nhiều thời gian trong khi việc xây dựng một chương trình bảo hiểm y tế tương tự cũng mất nhiều năm.

Trong phát biểu nhậm chức ngày hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng cam kết sẽ làm việc với Đảng Dân chủ nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự của cơ quan lập pháp này: “Tôi muốn nói với nhân dân Mỹ rằng chúng tôi sẽ lắng nghe và bảo vệ quyền lợi của các bạn. Chúng tôi cũng cam kết sẽ bảo vệ quyền của phe thiểu số trong Quốc hội, sẽ lắng nghe các bạn và để các bạn thể hiện ý kiến của mình”.

Dẫu vậy tương lai của Obamacare cũng là không chắc chắn. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng từng cảnh báo "Đạo luật Obamacare sẽ bị sửa đổi hoặc bị bãi bỏ và thay thế".

Obamacare được ký ban hành ngày 23/3/2010 và là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống Obama, đồng thời cũng là một trong những chương trình cải cách "mạnh tay" nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là một trong những chủ đề gây tranh cãi gay gắt nhất giữa chính quyền với phe Cộng hòa tại Quốc hội.

Phe Cộng hòa hiện đang kiểm soát Quốc hội lại chỉ trích chính quyền Obama đã "lạm quyền", đồng thời yêu cầu thay đổi một số điều khoản trong chương trình cải tổ chế độ bảo hiểm y tế.

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn