Tổng thống Mỹ: Yêu bóng đá, thích Pele, mê World Cup

Hậu trườngThứ Tư, 18/05/2016 07:50:00 +07:00

Tổng thống Obama sang Việt Nam: Từ Clinton, Bush đến Obama, các đời Tổng thống Mỹ đều có sự gắn bó nhất định với môn thể thao Vua.

(VTC News)- Từ Clinton, Bush đến Obama, các đời Tổng thống Mỹ đều có sự gắn bó nhất định với môn thể thao Vua.

Nhắc đến lương duyên của Nhà Trắng với bóng đá, không thể không nhắc đến cố Tổng thống Ronald Reagan, người giữ ghế hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1981 đến 1989.

Ngày 14/10/1982, ông Reagan trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên công khai bày tỏ sự ủng hộ sự phát triển bóng đá tại Mỹ khi xuất hiện bên cạnh Vua bóng đá Pele và tuyển thủ quốc gia Steve Moyers trong trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng thiếu niên tại khuôn viên Nhà Trắng.
Tổng thống Ronald Reegan và Pele
 Tổng thống Ronald Reegan và Pele
Thời điểm đó, Tổng thống Reagan thú nhận rằng kiến thức về bóng đá của ông chỉ gói gọn trong việc World Cup được tổ chức bốn năm một lần. Nhưng qua thời gian, sự quan tâm với bóng đá tăng lên mạnh mẽ và chính ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc nước Mỹ giành quyền đăng cai World Cup 1994.

Tháng 3/1983, Tổng thống Reagan mời Team America đến Nhà Trắng và trong buổi tiếp đón, ông chính thức tuyên bố ý định đăng cai World Cup của nước Mỹ. Phải nói thêm rằng Team America là một ý tưởng của các nhà quản lý bóng đá Mỹ, tập hợp các cầu thủ nội xuất sắc để thi đấu với tư cách một câu lạc bộ tại giải vô địch Bắc Mỹ NASL.

Những người thực hiện tin rằng điều này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của giải đấu và cả sự gắn kết của các thành viên tuyển quốc gia, nhưng kết quả mang lại thì hoàn toàn trái ngược. Team America thi đấu bết bát, xếp cuối bảng với số lượng người xem ít ỏi và còn gây ra mâu thuẫn giữa các tuyển thủ đồng ý về đầu quân cho Team America và những người quyết ở lại với câu lạc bộ hiện tại của mình.

Người đứng đầu nước Mỹ sau đó tiếp tục gây sốc cho toàn bộ thế giới bóng đá khi trực tiếp viết thư kêu gọi FIFA ủng hộ nước Mỹ đăng cai World Cup 1994, thậm chí còn mời chủ tịch FIFA Joao Havelange đến ăn tối ở Nhà Trắng. Lần đầu tiên trong lịch sử một lãnh đạo quốc gia hàng đầu thế giới “sốt sắng” đến như vậy với việc tổ chức một sự kiện bóng đá, và nó cũng nhanh chóng thuyết phục các lãnh đạo FIFA trao quyền đăng cai cho nước Mỹ.
Tổng thống Bill Clinton đi xem bóng đá
Bill Clinton đi xem bóng đá
Với tư cách là Tổng thống đương nhiệm, ông Bill Clinton đã xuất hiện đầy bất ngờ trong cả lễ khai mạc World Cup 1994 ở Chicago và trận chung kết World Cup nữ năm 1999 mà Mỹ cũng là chủ nhà dù ông không phải là một cổ động viên bóng đá. Thậm chí ông còn từng thừa nhận rằng ông chỉ quan tâm đến bóng đá mỗi khi cô con gái chơi bóng ở đội thiếu niên.

Cả Chelsea Clinton và sau này là các cô gái nhà Obama đều từng chơi bóng trong khuôn viên Nhà Trắng, còn chị em sinh đôi nhà Bush đã dự khán trận SuperClasico giữa River Plate và Boca Juniors khi đến thăm Argentina.

Trong khi Clinton là Tổng thống đầu tiên có con chơi bóng đá, thì ông Bush cha lại là Tổng thống đầu tiên chơi bóng đá khi còn nhỏ, dù không phải là thành viên của bất cứ đội bóng nào.
 
Tổng thống Bush “con” tuy không chơi bóng đá, nhưng chính là người đã gọi điện cho đội tuyển Mỹ trước trận đấu quan trọng ở vòng 1/16 với Mexico tại World Cup 2002. Ông chúc đội tuyển may mắn và tiết lộ mình vừa điện đàm với Tổng thống Mexico. “Tôi không khẳng định mình sẽ thắng, nhưng tôi rất tự tin”, tổng thống Bush nói.
Tổng thống Obama chúc mừng tuyển Mỹ
 Tổng thống Obama chúc mừng thành công tuyển Mỹ
Hai năm sau, chính ông lại bị chỉ trích khi liên hệ giữa thành công của tuyển Iraq tại Olympic 2004 với cuộc tấn công của quân Mỹ vào nước này. Ông tuyên bố với thế giới rằng dưới triều đại Hussein, tuyển Iraq thường bị đánh và tra tấn mỗi khi thất bại, và họ ngay lập tức có được thành công trên đấu trường quốc tế sau khi Hussein bị loại bỏ.

Ngày nay, nhiều đội bóng được mời tới Nhà Trắng sau khi họ giành chức vô địch. Nhưng năm 2009, Chicago Fire trở thành ngoại lệ khi được mời mà chưa có vinh quang nào, đơn giản là bởi Tổng thống đương nhiệm Obama là fan cuồng nhiệt của tất cả các đội thể thao đến từ Chicago.

Tuy nhiên, một sự cố xảy ra khi ông Obama quá bận rộn với lịch tiếp các Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ và Thủ tướng Zimbabwe nên không thể gặp được đội bóng. Thay vào đó, các cầu thủ trao áo đấu lưu niệm cho gia đình Tổng thống Obama.

Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter cũng gặp một sự cố không hay liên quan đến bóng đá. Trong chuyến thăm đến vùng Newcastle ở Anh, ông cố lấy lòng người dân bằng cách hô khẩu hiệu truyền thống của các Geordie (tên gọi các fan của Newcastle United).

Thật không may, khu vực mà ông Carter đứng diễn thuyết lại có lượng fan áp đảo của Sunderland, kình địch không đội trời chung của Newcastle United.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn