Tổng giám đốc đi...nhặt rác

Thời sựThứ Hai, 12/11/2012 12:47:00 +07:00

Sáng Chủ nhật hằng tuần, vị tổng giám đốc lại ra hồ Hoàn Kiếm, cần mẫn thực hiện công việc nhặt rác của mình.

Người mà chúng tôi muốn nhắc tới trong bài viết này là một người Nhật, hiện là tổng giám đốc một công ty Nhật Bản tại Hà Nội.

Nếu bạn tìm thấy một ông tổng giám đốc người Việt nào tự nguyện đi nhặt rác, làm sạch môi trường ở những nơi công cộng thì chúng tôi sẽ ngả mũ thán phục bạn và ông tổng giám đốc kia. Chuyện này có lẽ chỉ xảy ra với người nước ngoài.

Nếu chúng ta muốn thấy ông ấy đi nhặt rác thì sáng Chủ nhật hằng tuần cứ ra hồ Hoàn Kiếm từ 7 - 8 giờ sẽ thấy liền. Thậm chí bạn muốn góp chút công sức tham gia thì càng tốt, bởi bất kỳ hành động nhỏ mà tốt đẹp nào của chúng ta cũng được ông tổng giám đốc và đội tình nguyện hoan nghênh nhiệt thành.

Ông Ninomiya giới thiệu về đội tình nguyện những ngày đầu 

Cần mẫn hơn công nhân vệ sinh

Nhặt rác 30 phút là đủ vàhợp lý

Nhiều người hỏi tại sao ông Ninomiya và đội tình nguyện chỉ nhặt đúng 30 phút, ông cho biết: “Nếu nhặt lâu mọi người sẽ mệt, nhất là trong những ngày hè nóng bức, sự hứng thú ở các bạn trẻ sẽ không còn, nên 30 phút là hợp lý”.
Ông tên là Ninomiya Tohru, năm nay 63 tuổi và đã có quãng thời gian 4 năm làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Hiện ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Ishigaki Rubber Vietnam đặt trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên. Công ty của ông Ninomiya chuyên sản xuất đồ nhựa và cao su.

Sáng Hà Nội cuối thu, trời âm u, lất phất mưa nhỏ và khá lạnh, chúng tôi có mặt tại hồ Hoàn Kiếm, hỏi mấy người đi tập thể dục quanh hồ về “ông người Nhật nhặt rác”. Hầu như ai cũng biết và chỉ chúng tôi ra khu vực gần đền Ngọc Sơn, đó là nơi ông Ninomiya cùng đội tình nguyện thường hay tập kết trước và sau mỗi chuyến đi nhặt rác.

Đúng là ở gần đền Ngọc Sơn, có mấy bạn trẻ mặc áo mưa đang lúi húi nhặt những thứ linh tinh dưới đất. Một bạn trẻ lau mồ hôi trán hào hứng nói: “Ông người Nhật ra rồi đó, hôm nay ngoài ông ấy còn có mấy người nước ngoài khác cũng ra nhặt rác. Em mới tham gia được vào đội tình nguyện này có hai buổi sáng Chủ nhật”.

Ông Ninomiya xuất hiện trước mắt chúng tôi khá bất ngờ, với chiếc ba lô màu tím trên lưng, bên ngoài là chiếc áo mưa đỏ mỏng. Mưa nặng hạt hơn, nhưng ông vẫn rất chăm chú vào việc nhặt rác. Có người đi qua, bất chợt buông câu: “Đúng là người Nhật”. Phong cách chuyên nghiệp, làm ra làm, chơi ra chơi của người Nhật được thể hiện rõ qua hành động nhỏ như là nhặt rác của ông Ninomiya.

Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ ông Ninomiya tham gia nhóm tình nguyện nhặt rác chủ yếu là lấy tên tuổi của mình để kêu gọi mọi người. Nhưng khi thấy ông ấy nhặt rác thì chúng tôi đều chung nhận định, ông ấy làm rất nghiêm túc, chuyện nghiệp. Hai tay ông đeo găng, trên tay trái cầm một chiếc banh (kẹp) dài khoảng 40cm để nhặt, gắp rác. Cũng ở trên tay trái của ông có đeo một chiếc vòng cao su màu xanh khá lạ. Sau đó, ông giải thích rằng nó phát ra mùi có tác dụng đuổi muỗi.

Bên trong chiếc ba lô của ông có đủ các thứ lặt vặt cần thiết như khăn mặt, bộ quần áo, túi ni lông để đựng rác, bút, sổ sách để có thể điền tên và lấy số điện thoại của những bạn trẻ mới tham gia. Khi nhặt rác, ông Ninomiya hầu như không nói câu gì, tập trung và cần mẫn vào công việc đang làm. Ông đi hết gốc cây này đến bụi cỏ kia để tìm kiếm những rác thải còn vương lại trên đất. Ông nhặt tất cả từ cái túi ni lông bị vứt bỏ đến những vỏ bao thuốc lá, cái quạt nan hỏng, thậm chí cả những chiếc lá khô.

Chỉ theo chân ông chừng gần 20 phút thôi, chúng tôi đã thấy ý thức của người thủ đô trong vấn đề bảo vệ môi trường yếu đến mức nào. Một chị công nhân vệ sinh có vẻ mỉa mai ông Ninomiya với cái giọng: “Ông này rỗi hơi, chúng tôi đã vệ sinh hằng ngày ở đây thì làm gì có rác để mà nhặt chứ”. Thực tế hoàn toàn ngược lại lời chị này nói. Nhiều bạn trẻ tò mò ra xem ông Ninomiya nhặt rác với hai tay đút túi quần.

Trước khi ông Ninomiya đi nhặt rác, đã có một đội vệ sinh môi trường đi quét rác rồi. Vậy mà mới đi được 1/5 vỉa hè quanh hồ, ông Ninomiya đã được đầy một túi ni lông to và nặng trịch rác. Buổi nhặt rác kết thúc vào lúc hơn 8 giờ sáng, ông Ninomiya tập trung các bạn trẻ trong đội tình nguyện ở khu vực gần bến xe buýt để nói vài lời động viên.
Ông Ninomiya cần mẫn đi nhặt rác 

Nhặt rác vì tình yêu Hà Nội


Tên ông Ninomiya trở nên phổ biến gần đây, trên các mạng xã hội hay diễn đàn. Có nhiều người cho rằng ông đi nhặt rác là để đánh bóng tên tuổi và bêu xấu người Việt Nam vô ý thức. Nhưng việc các bạn trẻ tham gia vào đội tình nguyện của Ninomiya ngày càng đông và thái độ của ông với công việc chứng tỏ những nhìn nhận trên là không tốt.

Ninomiya tâm sự: “Tôi thích sống ở Hà Nội, thích ăn bún chả Hà Nội, thích những câu chuyện lịch sử lâu đời của Hà Nội và tôi có ý định sống lâu dài ở đây”. Ông đang viết một cuốn sách về cuộc sống của người Hà Nội. Hiện vợ con ông vẫn sống ở Nhật Bản.

Dù nhiều người còn cho rằng đi lại bằng xe buýt bất tiện và tình trạng lộn xộn trên xe buýt vẫn diễn ra thường xuyên nhưng với ông Ninomiya thì xe buýt là phương tiện giao thông tốt và rẻ nhất: “Xe buýt ở Hà Nội rất rẻ, mọi người cũng rất lịch sự và thường nhường ghế cho tôi mỗi khi tôi lên xe. Nên tôi vẫn chọn xe buýt để đi lại”.

Ninomiya cũng rất thích đi tham quan các cảnh đẹp của Việt Nam, đặc biệt là Hạ Long. Ông cũng rất thích thú, ngạc nhiên với những bức tượng khổng ở chùa Bái Đính (Ninh Bình). Nhưng dù như thế nào thì ông vẫn “chốt hạ”: Hà Nội là nơi ông thích sống nhất khi làm việc ở Việt Nam. Làm điều gì đó cho mảnh đất mà bạn yêu quý, đó là suy nghĩ của ông.
Mọi người tập kết để nghe ông Ninomiya nhận xét, khen ngợi 

Khoảng 18 tháng trước, Ninomiya lần đầu tiên thực hiện chuyến đi nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm. Lúc đầu có mình ông, các tuần kế tiếp có thêm 4 thành viên khác tham gia, đến nay con số đó lên 40-50 người. Số lượng thành viên không cố định, ai tham gia cũng được, nhặt một buổi cũng được mà nhặt liên tục càng tốt. Có khoảng 10 người nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc tham gia đội của Ninomiya.

Theo Thế giới & Hội nhập

Bình luận
vtcnews.vn