Tôi làm “Hà Nội một thời” vì tình yêu Hà Nội

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 11:35:00 +07:00

Tôi gặp ông vào một ngày chiều tháng 6, ít ngày sau khi đoàn làm phim của ông đóng máy. Với vị đạo diễn tài ba này, “Hà Nội một thời” là một bộ phim đặc biệt.

Tôi gặp Đạo diễn Khải Hưng vào một ngày chiều tháng 6, ít ngày sau khi đoàn làm phim của ông đóng máy. Với vị đạo diễn tài ba này, “Hà Nội một thời” là một bộ phim rất đặc biệt. Đặc biệt bởi nội dung, đặc biệt bởi bối cảnh quay, đặc biệt bởi diễn viên và đặc biệt bởi ông làm nó xuất phát từ tình yêu Hà Nội. 18 ngày làm phim vất vả, cực nhọc nhưng hứng khởi, đam mê vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của vị đạo diễn mà người đời vẫn cho là luôn cau có, khó tính nhưng đầy nhiệt huyết với nền điện ảnh nước nhà này.

 

 

Một thời khắc của Hà Nội…

 

“Hà Nội một thời” tái hiện lại khung cảnh Hà Nội những năm cuối chiến tranh chống Mỹ, qua giai đoạn trước đổi mới đất nước và kéo dài cho tới tận thời điểm hiện nay. Nhân vật chính trong phim là một họa sĩ. Ông chưa đủ già như một ông cụ để phải cưỡng chế đi sơ tán, nhưng cũng không còn trẻ để phải lên đường nhập ngũ. Vì thế, ông ở lại và chứng kiến tất cả những biến động, những chuyển mình trong một “đốt xương” của kinh đô ngàn năm văn vật.

Thuộc mẫu họa sĩ tiểu tư sản Hà Nội, ông không thích giao tiếp, chỉ thích ngồi vẽ. Họa sĩ có tài một chút, họ thường lấy nhiều người làm mẫu hình, còn ông chỉ có duy nhất một người mẫu… Đó là một phụ nữ Hà Nội có con trai và chồng đang ra mặt trận, phải nuôi mẹ chồng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Bà đi làm thêm nghề người mẫu vẽ tranh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Với tấm lòng yêu nghề, ông họa sĩ muốn thể hiện những biến đổi của Hà Nội dưới góc nhìn của ông bằng chính  sự thay đổi trong mỗi bức chân dung của người phụ nữ ấy… Không ai biết, ông yêu Hà Nội và cũng yêu tha thiết người phụ nữ… trong tranh của mình.

Tập 1 của bộ phim tái hiện lại cuộc sống của người Hà Nội trong cảnh bom đạn, sơ tán, tiếng gầm rú của máy bay Mỹ B52… Một buổi chiều, cô người mẫu lỡ hẹn với ông họa sĩ. Linh tính mách bảo, ông đến bệnh viện Bạch Mai tìm cô. Giữa đống hoang tàn, đổ nát của bệnh viện, ông nhặt được một chiếc khăn còn vương máu – một chiếc khăn dù rất đặc biệt của cô người mẫu…

Sang tập 2, ông họa sĩ nhận về nuôi đứa con gái của cô người mẫu. Thông qua cuộc sống lo từng bữa của hai bố con ông, thông qua việc cô con gái bán đi bức tranh quý nhất trong bộ tranh ông vẽ về mẹ cô để lấy tiền may áo nhân dịp cô đoạt giải thi toán học khiến ông sốc mà đổ bệnh… Tập phim đã tái hiện lại toàn bộ cuộn sống khốn khó, khổ sở của người dân Hà thành trong thời kỳ tem phiếu tiền đổi mới…

Tập phim thứ 3 khắc họa toàn bộ dòng chảy ồn ào, tấp nập… của đời sống xã hội Hà Nội hiện đại ngày nay. Cô con gái đã lớn, trở thành họa sĩ có tiếng được cả thế giới biết đến. Nhưng cô chỉ có một mơ ước duy nhất là hoàn thành bức tranh cuối cùng trong bộ sưu tập vẽ về người mẹ quá cố còn khuyết của bố cô…

Những câu chuyện, những tình tiết trong phim đều rất nhẹ nhàng, giản dị… nhưng lại mang đến cho người xem những rung động đầy cảm xúc về quá khứ, về Hà Nội một thời rất gần…

 

 

Làm phim vì yêu Hà Nội…

 

Đoàn làm phim hầu hết là những người sinh trưởng ở Hà Nội, quê Hà Nội và lớn lên ở Hà Nội. Bản thân tôi cũng là người Hà Nội.

Để xây dựng một bộ phim mang tính lịch sử cầu kì, trau chuốt, thì với kinh phí hạn hẹp của truyền hình thật khó có thể làm được. Vì thế, mỗi thành viên trong đoàn làm phim đều giữ trong tim mình một danh từ: Làm phim công đức, làm phim vì tình yêu với Hà Nội! Chỉ có diễn viên là lấy tiền thù lao ít ỏi, còn những bộ phận khác của đoàn làm phim gần như không ai lấy công.

Ở tập thứ 3, cảnh kết của bộ phim là buổi triển lãm tranh của cô con gái. Có rất nhiều người đến dự, nếu xem phim khán giả có thể dễ dàng nhận ra họ, đó đều là những gương mặt quen thuộc với công chúng, những diễn viên, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân…và họ chỉ xuất hiện duy nhất trong cảnh quay đó. Sẽ không có bộ phim nào có diễn viên quần chúng toàn là ngôi sao như thế. Hôm ghi hình, chúng tôi đã gọi điện cho tất cả các ngôi sao ở miền Bắc, hầu như ai có mặt đều đến. Họ đến chơi với đạo diễn Bạch Diệp, đến động viên người nghệ sĩ già và góp mặt vào cảnh quay cuối cùng của bộ phim – bộ phim mà rất có thể là bộ phim cuối cùng của bà.

Mười tám ngày làm phim vất vả giữa tiết trời nóng bức, nhiều lần Bạch Diệp nói với tôi: “Có thể tôi sẽ chết khi đang làm phim. Lúc đó anh Hưng hãy giúp tôi làm tiếp”. Thế nhưng bằng tất cả tấm lòng của một người già làm phim, của một người yêu Hà Nội, Bạch Diệp đã cùng đoàn phim đi hết được đến thước phim cuối cùng. Sau bộ phim, tôi cảm thấy người nghệ sĩ già lại có vẻ khỏe ra. Và dường như, bà còn muốn làm phim tiếp nữa…

 

 

Vẽ con số 999 để thể hiện con số 1000…

 

Nhiều người hỏi: tại sao chúng tôi không làm phim cổ trang?

Đó cũng là câu hỏi của bà Giám đốc đài TH kĩ thuật số VTC .

Tôi cho rằng, phim cổ trang chỉ là một cách tiếp cận. Đời sống, trang phục… của thời cổ trang thế nào không ai có thể khẳng định chắc chắn, hơn nữa không dưới 5 bộ phim của các đài TH lớn sẽ ra đời trong đợt kỉ niêm 1000 năm này là cổ trang , họ đã bấm máy trước chúng ta hơn một năm trời và đặc biệt kinh phí mỗi tập hơn chúng ta 15 lần... mà thành công không có gì bảo đảm, vì cổ trang là cổ trang gì ? ai biết và ai công nhận  ! Còn  đời sống, nếp sống, xã hội… của Hà Nội thời kỳ cách đây 30, 40 năm thì rất nhiều chứng nhân lịch sử vẫn còn sống và khẳng định.  Hầu hết những người  50 tuổi trở lên đều biết đến cuộc chiến tranh này, đời sống này, biết đến sự kiên cường của Hà Nội. Hơn nữa, tôi cho rằng chúng ta nhắc đến thời kỳ cận đại cũng là một cách để kỉ niệm Ngàn năm Thăng Long. Tại sao cứ phải nói đến số 1 mà không phải là số 999 để thể hiện con số 1000? Trong khi số 1 không ai biết, còn số 999 lại nhiều người biết.

Những lập luận khả thi này đã thuyết phục Ban lãnh đạo Đài , việc còn lại là của chúng tôi . Mọi sự bắt đầu từ kịch bản , bởi với phim truyền hình , thành bại có thể thấy ngay từ kịch bản . Tôi đã gặp ba nhà viết kịch bản có tên tuổi để đặt viết kịch bản cho đề tài này.Là nhà sản xuất , khi bắt tay vào việc là phải xem đến túi tiền mà nhà đầu tư dành cho mình nên tôi ra đầu bài cho các tác giả, với ba tập phim nói được ba thời kì: Trong chiến tranh chống Mỹ , sau ngày giải phóng và Hà nội thời kì đổi mới , cộng thêm điều kiện khắt khe về bối cảnh. Hai tháng sau, tôi đã có trong tay 3 bộ kịch bản, sau khi bàn bạc với Đài truyền hình , chúng tôi chọn “Hà Nội một thời” ( tác giả Lê Phương – Trịnh Thanh Nhã ). Mặc dù đã kí hợp đồng, nhưng lạ lùng, biết Kịch bản của mình  không được chọn, các tác giả không ai nhận tiền theo hợp đồng thỏa thuận… Thế mới biết: câu nói “tiền không phải tất cả” vẫn đúng!

Kịch bản đã có, ai sẽ làm đạo diễn đây? là đạo diễn trẻ - sẽ có lợi cho sản xuất vì họ làm nhanh, làm khỏe, nhưng với “ Hà nội một thời” lại cần có vốn sống , bởi vậy tôi nhằm đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Bạch Diệp. Sau khi đọc xong kịch bản, đạo diễn già có vốn sống cổ, nhưng lại không phải “người đương thời”, khen: kịch bản hay, nhưng phải đổi ra ngoại cảnh nhiều, phải dựng lại một phố cổ Hà nội thời 1972 ! Chị Bạch Diệp không biết muốn có dãy phố vào năm 1972 như chị nghĩ, phải có số tiền gấp 1000 lần tiền Đài đầu tư .Tôi đành phải nói rằng, kinh phí chúng ta chỉ có vậy, nếu không ai làm, thì tôi sẽ làm! …Cuối cùng mọi việc cũng ổn, diễn viên sau khi thay đổi hơn chục lần cũng kiếm ra các khuôn mặt Hà nội theo ý đạo diễn. Cuối cùng chỉ còn bối cảnh. Bối cảnh Hà Nội thời kỳ ấy bây giờ kiếm đâu ra? Những bậc thang bằng gỗ, những căn nhà chật chội, những cửa sổ, con phố, cột điện… đặc trưng một thời giờ gần như đã biến mất. Ngoài đường biển quảng cáo, dây điện giăng đầy trời… sai lệch hoàn toàn so với khung cảnh thời kỳ đó nên cũng khó có thể quay ngoại cảnh. Muốn cải tạo thì phải tiền vài chục tỉ … Vì thế, chúng tôi đều nghĩ: phải tự lực cánh sinh!

Ngay từ khi viết kịch bản, chúng tôi đã xây dựng ý tưởng phim chỉ xảy ra trong bối cảnh một đến hai căn phòng, một cái hầm và một cảnh đổ nát. Một clip ca nhạc dài 5 phút quay trong một bối cảnh đã khiến người xem khó chịu, một bộ phim dài đến 3 tập mà cũng chỉ quay trong ngần ấy bối cảnh thì đó thực sự là một thách đố lớn đối với người viết kịch bản. Làm sao phải tạo ra được những tình huống, những xung đột kịch tính hay xảy ra để giảm bớt đi sự thiếu hụt về bối cảnh là điều không hề đơn giản chút nào…

Tôi nhớ khoảng thời gian quay cảnh đổ nát sau khi B52 của Mỹ dội bom xuống. Tôi là người có mặt ở bệnh viện Bạch Mai ngày hôm ấy, tôi biết cảnh đổ nát của bệnh viện như thế nào. Nhưng chúng ta không có kinh phí để tạo ra bối cảnh giống như vậy. Chính vì vậy, chúng tôi phải mày mò đi tìm những đoạn đường người ta đang giải tỏa xây chung cư để mượn ghi hình. Tìm mãi mới được một bối cảnh hợp lý, đã định quay ngay từ đêm hôm trước, chuẩn bị hết cả máy móc, khói lửa, diễn viên rồi thì tự dưng trời nổi gió lốc, mưa lớn.. Thế là cả đoàn đành phải rút về. Đêm hôm đó, người ta san bằng khu giải tỏa…Đoàn làm phim lại phải đi tìm mãi mới được một khu giải tỏa có bức tường còn xót lại.

Trước buổi ghi hình, chúng tôi đã phải xin phép phường xóm, dân làng… nhưng vì người dân ở khu giải tỏa họ chống đối rất mạnh mẽ, cứ nhìn thấy máy quay, quay phim là họ đã tỏ thái độ phẫn nộ. Vừa mới mở máy ghi hình, một loạt gạch ngói như mưa ném vào đoàn làm phim. Cả đoàn phải nằm rạp xuống để tránh. Tôi phải đứng ra xin lỗi bà con vì đã không vào từng nhà xin phép, rồi xin phép họ cho chúng tôi quay tiếp thì họ mới yên lặng. Sau khi bà con thấy chúng tôi lấp vài diễn viên quần chúng xuống hố rồi kéo lên thì bà con ra xem. Vài người trong số họ kêu lên: “Ô, sao vất vả giống chúng ta hồi bé”. Những người mắng chửi, ném đá vào chúng tôi nhiều nhất lúc trước thì giờ họ lại vỗ tay hoan hô, xuýt xoa: “biết các anh quay khổ sở thế này chúng tôi đã để các anh quay ngay từ đầu”.

Ngày hôm đó, chúng tôi định ăn cơm hộp vào lúc 6h. Thế nhưng vì có sự “va quyệt” với bà con như thế nên ai cũng cố làm bù cho kịp thời gian. Lúc quay xong đã 10 giờ đêm. Cơm hộp mang ra không ai ăn được miếng nào. Mọi người đều quá mệt. Trời nắng hơn 40 độ, phải chui trong nền đất nóng hầm hập, lại còn đốt lửa… gần như không ai còn sức lực để ăn. Bù lại chúng tôi có được những cảnh quay đẹp, thỏa mãn… thế đã là một niềm vui cho cả đoàn… Việc hỗ trợ lẫn nhau của một đoàn làm phim là chuyện ít xảy ra trong thời buổi hiện nay. Tôi thấy hạnh phúc khi tổ chức được một đoàn làm phim như thế…

Kinh phí giới hạn nhưng chúng tôi đều nghĩ mình sẽ làm ra một bữa cỗ xinh xẻo để khán giả thưởng thức. Trẻ cũng có thể xem, già cũng có thể xem… bộ phim sẽ có hơi thở của cả người trẻ lẫn người già, nó sẽ giúp họ gợi nhớ lại cuộc sống của một thời rất gần vừa mới đi qua…. Chưa nói được gì nhiều nhưng tôi hi vọng bộ phim sẽ thành công!

Mạnh Tiến

Bình luận
vtcnews.vn