'Tối hậu thư' của Vietnam Airlines sau khi hàng loạt phi công nghỉ việc, cáo ốm

Kinh tếThứ Hai, 12/01/2015 07:40:00 +07:00

VNA không có chủ trương, cứ thị trường hay đối thủ nêu ra giá sẽ phải chạy theo, điều chỉnh lương, thu nhập theo lộ trình kế hoạch đã được phê duyệt.

(VTC News) - Vietnam Airlines không có chủ trương, cứ thị trường hay đối thủ nêu ra giá sẽ phải chạy theo, điều chỉnh lương, thu nhập theo lộ trình kế hoạch đã được phê duyệt cách đây 5-7 năm và điều chỉnh chung, quan tâm đến quyền lợi chung của nhân viên chứ không phải một vài cá nhân.

Đó là khẳng định của Tổng giám đốc Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) Phạm Ngọc Minh tại cuộc họp báo chiều 12/1.

Theo ông Minh, bắt đầu 2008, VNA xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, mục tiêu trong vòng 5-7 năm mức lương, thu nhập của đội ngũ lao động kĩ thuật cao sẽ xấp xỉ 70-80% mặt bằng thu nhập của khu vực. Sau đó, VNA nhận thấy rằng, việc điều chỉnh mức lương sẽ cần thích hợp nhất là so sánh với thu nhập mặt bằng phi công thuê nước ngoài với vị trí tương đương của hãng.
Đại diện VNA tại buổi họp báo chiều 12/1 

Đợt cải cách tiền lương đầu tiên năm 2008, mức thu nhập của đội ngũ này tăng gấp đôi. Lương cơ trưởng B777 là 83 triệu đồng; cơ phó 51 triệu đồng; Cơ trưởng A320-320 là 73 triệu đồng; Cơ trưởng ATR 72 là 72 triệu đồng; cơ phó là 33 triệu đồng.

Và sang năm 2015, đánh giá rằng tình hình thị trường và nhu cầu về điều chỉnh thu nhập cấp bách hơn do VNA chuyển sang cổ phần hóa và thị trường bình ổn thì phải tính theo cơ chế thị trường thực tế, Tổng công ty đã làm việc với từng khối, có trao đổi tập thể phi công người Việt hồi đầu tháng 11 (khoảng 250 phi công) về các đề nghị và đã công bố lộ trình điều chỉnh lương 2015.

Theo đó, đối với loại máy bay B777 hoặc A330, mức lương đã bao gồm cả lưu trú với chức danh cơ trưởng tăng từ 132 triệu đồng/tháng lên 163 triệu đồng/tháng bắt đầu từ tháng 1/2015 và sẽ tăng lên là 177 triệu đồng vào tháng 7/2015. Với chức danh giáo viên mức lương tăng từ 167 triệu đồng/tháng lên 203 triệu đồng bắt đầu từ tháng 1/2015 và sẽ tăng lên 217 triệu đồng vào tháng 7/2015.

Đối với loại máy bay A321, mức lương đã bao gồm lưu trú của cơ trưởng tăng từ 115 triệu đồng/tháng lên 143,875 triệu đồng/tháng bắt đầu từ tháng 1/2015 và theo lộ trình tăng lên gần 158,875 triệu đồng vào tháng 7 tới. Với chức danh giáo viên mức lương tăng lên là 183,250 triệu đồng/tháng vào 1/2015 và sẽ tiếp tục tăng lên mức 198,250 triệu đồng vào tháng 7 này.

Riêng với loại máy bay ATR72, mức lương đã bao gồm cả lưu trú với chức danh cơ trưởng tăng từ 100 triệu đồng/tháng lên 114,250 triệu đồng/tháng kể từ tháng 1/2015, sau đó tăng lên mức hơn 121,250 triệu đồng/tháng vào tháng 7/2015. Với chức danh giáo viên mức lương tăng từ 135 triệu đồng/tháng lên 153,625 triệu đồng bắt đầu từ tháng 1/2015 và sẽ tăng lên 160,625 triệu đồng vào tháng 7 tới.

Liên quan đến sự việc được VNA đánh giá là "bất thường" và cho rằng có sự "lãn công" của phi công hãng xuất phát từ sự cáo ốm của đồng loạt 117 lượt phi công trong đợt cao điểm Tết dương lịch 30/12/2014 đến 4/1/2015, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy bác sỹ (chứng nhận của cơ quan y tế), số phi công của đội bay Airbus chiếm hơn 90%. Số lượng này gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2013-2014, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA vào mùa cao điểm.

"Việc phi công báo ốm hàng loạt bất thường cộng thêm hiện tượng hơn 30 phi công ở đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc là một sự việc nghiêm trọng. Về ngắn hạn cũng như lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh – an toàn khai thác và các nhiệm vụ của Tổng công ty đã được Thủ tướng, Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo là phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị", Tổng giám đốc VNA đánh giá.

Quan tâm nhưng sẽ không thỏa hiệp đến cùng!

Trước các câu hỏi về việc nghị quyết 09 ngày 6/1/2015 của Tổng công ty đã vi phạm một số quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; quyền tự do làm việc và lựa chọn việc làm của người lao động; có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây cản trở đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực khi đưa ra những thông tin không chính xác, trung thực gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của các doanh nghiệp này,  Tổng giám đốc VNA cho hay: Việc một hãng hàng không quốc gia bị lâm vào tình trạng như vậy không phải không có tiền lệ, trong hầu hết các trường hợp chính phủ đều can thiệp.
Lương của đội ngũ nhân viên kĩ thuật cao tại VNA đang được điều chỉnh xấp xỉ 75-80% so với mức thu nhập của nhân viên cùng loại thuê ngoài
Lương của đội ngũ nhân viên kĩ thuật cao tại VNA đang được điều chỉnh xấp xỉ 75-80% so với mức thu nhập của nhân viên cùng loại thuê ngoài 

"Việc 1 hãng hàng không chủ lực phải có trách nhiệm báo cáo nhằm mục tiêu ổn định chính yếu được chính phủ phê duyệt. VNA có trách nhiệm báo cáo và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có chỉ đạo để ít nhất dừng ngay việc này lại. Nghị quyết của hội đồng thành viên là để báo cáo cơ quan nhà nước chứ không ra quyết định. Cơ quan nhà nước mới là nguồn chính thống để ra quyết định này", ông Minh cho biết trước câu hỏi việc một hãng hàng không đã cổ phần hóa đi báo cáo sự việc cụ thể của mình với như một doanh nghiệp nhà nước hay làm có vấn đề hay không?

Về việc bồi hoàn với người lao động khi rời bỏ doanh nghiệp, ông Minh cho biết trong hợp đồng với các nhân viên kĩ thuật cao, hãng đều có phần bồi hoàn chi phí, phần bồi hoàn chi phí này hãng cũng đã lường trước sẽ gây ra tranh luận lớn khi đưa ra công khai. Tuy nhiên "để đào tạo được 1 phi công hay 1 thợ có chứng chỉ bảo dưỡng thì phần chi phí đào tạo trực tiếp (được ký trong hợp đồng đào tạo) là rất nhỏ so với các chi phí để tạo dựng được hệ thống tổ chức, hệ thống triển khai và nguồn nhân lực giáo viên, tài liệu, các quy trình và đặc biệt là môi trường tác nghiệp để người lao động hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng.

Với phi công nước ngoài, VNA trả thu nhập trên cơ sở bằng cấp và kinh nghiệm phi công đó tự tích lũy ở những nhà khai thác khác khác, do không phải đào tạo. Với phi công Việt Nam, nhiều quá trình đào tạo do VNA tự thực hiện và chi trả chi phí (huấn luyện chuyển loại máy bay khai thác, huấn luyên nâng cấp lên lái phụ hoặc nâng cấp lên lái chính...)".

Theo tiết lộ của ông Minh, với khoảng 10 lao động xin thôi việc, hãng vẫn cho nghỉ, tuy nhiên việc chấm dứt hợp đồng là chưa có vì những người đã nghỉ việc sẽ còn phải quay lại để giải quyết phần "chi phí không tính toán được".

Ông Minh cũng đã đưa ra "tối hậu thư" về vấn đề tiền lương. Theo đó, Vietnam Airlines không có chủ trương, cứ thị trường hay đối thủ nêu ra giá sẽ phải chạy theo, điều chỉnh lương, thu nhập theo lộ trình kế hoạch đã được phê duyệt cách đây 5-7 năm và điều chỉnh chung, quan tâm đến quyền lợi chung của nhân viên chứ không phải một vài cá nhân.

Hiện nay, theo lộ trình cải cách tiền lương đã được Thủ tướng phê duyêt, và so với thực tế thu nhập tại Tổng công ty thì mặt bằng thu nhập của phi công người Việt đang tiệm cận với thị trường, vào khoảng xấp xỉ 75 - 80% thu nhập của đội ngũ phi công hãng thuê ngoài, trong khi đó phần đông thu nhập của bộ phận quản lý vẫn chưa đến được mức tiệm cận mặt bằng thị trường.

Về tương lai, Tổng giám đốc VNA cho hay, các giải pháp bên cạnh việc cải cách tiền lương theo lộ trình thì giải pháp năng suất lao động, nâng cao quản trị kinh doanh.

Ông Minh cũng thẳng thắn khi nói rằng: Hãng không ám chỉ một doanh nghiệp đối thủ nào, trong vụ việc này, khi đưa ra nghị quyết 09 là để giải quyết những vấn đề nội bộ, trong đó diễn biến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhân viên; vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ ngũ kĩ thuật cao; giải quyết căn bản với lực lượng đang làm việc tại doanh nghiệp...

Hà Linh

Bình luận
vtcnews.vn