Toàn cảnh mưa lũ lịch sử: Hơn 60 người chết và mất tích

Thời sựThứ Năm, 12/10/2017 10:19:00 +07:00

Trong khi miền Trung đang hứng chịu tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do áp thấp nhiệt đới gây ra thì đợt lũ bất thường tại các tỉnh Bắc Bộ lại đang diễn biến phức tạp, khiến hơn 60 người chết và mất tích.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trong 3 ngày vừa qua, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ 400 đến 600 mm.

Mưa lũ đã gây ngập úng, cô lập một số khu dân cư tại các vùng thấp trũng, ven sông suối ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái...

Hàng chục thủy điện đồng loạt xả lũ, trong đó hồ thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy, nhiều nhất trong hơn 10 năm qua.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, mưa lũ khiến 40 người chết (Hòa Bình 15 người, Sơn La 5 người, Yên Bái 4 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 8 người);

22 người mất tích (Sơn La 3 người, Yên Bái 11 người, Hòa Bình 3 người, Thanh Hóa 4 người, Quảng Trị 1 người) và 21 người bị thương.

Có 217 nhà bị sập (Sơn La 141 người, Yên Bái 46 nhà, Thanh Hóa 28 nhà, Hà Tĩnh 2 nhà) và 1.059 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại.

Sạt lở đất vùi lấp 19 người ở Hòa Bình

Ông Trần Văn Tiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình cho biết, khoảng 1h30 ngày 12/10, tại xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra, vùi lấp 19 người và 7 nhà sàn. 

Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã điều động 2 xe ô tô cùng hơn 20 cán bộ chiến sĩ phối hợp Công an huyện Tân Lạc tham gia cứu hộ, cứu nạn.

081053-22446850_907902052681856_10976456_n

Lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.

Ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hòa Bình thông tin: “Tôi đang trực tiếp ở hiện trường vụ sạt lở, lãnh đạo tỉnh và các lực lượng chức năng, bộ đội, công an… cũng đang ở hiện trường chỉ đạo và tiến hành cứu hộ. Đêm qua, tại khu vực xã Phú Cường không xảy ra lũ ống, sự cố xảy ra là do lở nửa quả núi vùi lấp 19 người và nhiều căn nhà.

Lãnh đạo tỉnh cùng các lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm người bị đất đã vùi lấp. Trong số 19 người bị vùi lấp, đã tìm được 6 người rồi nhưng rất tiếc những người này đều đã tử vong, số người còn lại vẫn chưa được tìm thấy”, ông Hòa cho hay.

Trước đó sáng 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ra văn bản công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, văn bản khẩn cấp nêu rõ các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm các công trình:

Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt.., các công trình đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu (xã Tu Lý, huyện Đà Bắc), hồ Khang Mời (xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình), hồ Kem (xã Địch Giáo), hồ Rộc Chu (xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc).

Các tuyến đường X2, đường 12B, tuyến C, đường TSA (Bãi Lạng - Bãi Chạo), tuyến Y1, tuyến T (Khoang - Nội), tuyến T (Chiềng - Lốc), Trường Sơn A (Ve - Chám), Quốc lộ 21, Quốc lộ 70B, các tuyến đường tỉnh: 438, 438B, 450... Các tuyến đường sạt lở tại một số điểm gây ách tắc, ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến giao thông tìm kiếm cứu nạn.

Tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn... xảy ra các điểm sạt lở đất, đá gây thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất cho người dân.

Sập cầu ở Yên Bái, 4 người bị lũ cuốn trôi

Vào khoảng 13h ngày 11/10, cây cầu Thia nối giữa phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) và xã Phù Nham (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã bị lũ cuốn trôi.

Ông Chu Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết: “Lũ cuốn theo nhịp cầu phía bên phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) và 4 người. Trong đó, có 1 người là phóng viên và 3 người dân khác. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức lực lượng để đi tìm kiếm”.

22450490428779604186319481635621o-1507714431675

Cầu Thia bị lũ cuốn trôi vào 13h ngày 11/10.  

Sáng cùng ngày, ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở Yên Bái những ngày qua đã xuất hiện mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn ùn ùn đổ về huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Tính đến sáng 11/10, tại huyện Văn Chấn, nước lũ cuốn trôi, làm sập hoàn toàn 8 ngôi nhà; một gia đình 4 người nghi bị mất tích. Hiện nay, lực lượng chức năng đang tìm kiếm và chưa xác định được những người này đang ở đâu.

Ngoài ra, thị xã Nghĩa Lộ có gần 200 ngôi nhà bị ngập ngang và đến nóc nhà, 1 người bị thương.

Hiện nay, lực lượng chức năng đã di dời được toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, nước lũ vẫn tiếp tục đổ về thị xã Nghĩa Lộ.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão tiến thẳng Biển Đông

Hồi 7h ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phillipines) khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Video: Hiện trường lũ cuốn sập cầu, nhiều người rơi xuống sông ở Yên Bái

'Cơn lũ này là bất thường, chưa từng có'

Tối 11/10, trả lời Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định đợt mưa lũ lớn và kéo dài hiện nay là hệ quả của áp thấp nhiệt đới tiến vào khu vực Bắc Trung Bộ kết hợp với đợt không khí lạnh.

Theo ông Hải, năm 1996, lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình đạt 22.500 m3/s nhưng là vào tháng 8, giữa mùa mưa. Trong khi đó, vào 12h ngày 11/10, tại hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước đã đạt 117,37 m, lưu lượng về hồ lên tới 15.940 m3/s (cao thứ nhì trong lịch sử). 

Theo ông Lê Thanh Hải, đây là lần đầu tiên thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ. Trong quá khứ, tại đây đã mở 7 cửa vào các năm 1996, 1998 và 1999. Công trình này mở 6 cửa vào các năm 1994, 1995, 1996, 2002 và 2007. 

“Nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996”, ông Hải nhấn mạnh. 

Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vùng mưa chiều tối 11, ngày 12/10 dịch chuyển về phía tây, lưu vực sông Mã, sang Lào và dần dần giảm đi. 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một áp thấp nhiệt đới mới đang hình thành ngoài khơi Philippines và sẽ vào Biển Đông vào cuối tuần này, có thể mạnh lên thành bão. 

"Đầu tuần sau, áp thấp có khả năng tiến sâu vào Trung Bộ, ảnh hưởng các từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế”, ông Lê Thanh Hải thông tin.

Phúc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn