Toàn bộ TP.HCM đối mặt với dịch chân tay miệng

Sức khỏeThứ Sáu, 17/06/2011 07:14:00 +07:00

(VTC News) – “Phải khẩn trương dập bệnh, kiên quyết không để tay chân miệng lây lan, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa căn bệnh này ở trường học, cộng đồng"

(VTC News) – “Phải khẩn trương dập bệnh, kiên quyết không để tay chân miệng lây lan, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về căn bệnh này ở trường học, cộng đồng, những nơi đông người…”

Đó là yêu cầu mới nhất của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đối với lãnh đạo các sở, ban ngành của TP.HCM tại buổi làm việc về dịch bệnh tay chân miệng.

Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện dịch bệnh tay chân miệng đang có xu hướng lây lan rất nhanh tại các tỉnh phía Nam. Tính từ đầu năm cho tới ngày 5/6/2011, phía Nam đã có hơn 8.200 trẻ được ghi nhận là mắc chứng tay chân miệng, tử vong là 29 ca.

Riêng ở TP.HCM, tính đến hết ngày 13/6, đã có hơn 3.500 trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện để điều trị, cao gấp 140% so với cùng kỳ của năm 2010. Từ đầu tháng 3 cho đến tháng 6 năm nay, bệnh có xu hướng tăng rất cao. Chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần (26/5 đến ngày 8/6), số trường hợp mắc bệnh đạt 400 ca/tuần, số trẻ tử vong là 15 em.

Hầu hết 24 quận của TP.HCM đều có trẻ mắc tay chân miệng. Những quận nằm ở khu vực vùng ven như quận 8, Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp….bệnh có xu hướng phát triển mạnh.

UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Y tế áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trong trường học, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc thực hiện cấp phát dung dịch Chloramin B kháng khuẩn cho các hộ gia đình có trẻ em từ 5 tuổi trở xuống để vệ sinh nhà, nơi trẻ sinh hoạt, khử trùng đồ chơi của trẻ…vẫn chưa thực hiện đồng bộ ở các phường, xã.

Theo TS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, các hộ gia đình có trẻ em nên thực hiện 3 thông điệp dự phòng: Thường xuyên rửa tay cho trẻ và người giữ trẻ; vệ sinh mỗi ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ, môi trường sinh hoạt của trẻ ở trong nhà, ở nhà trường và nơi vui chơi công cộng thú nhún, cầu trượt…; đưa trẻ vào bệnh viện nhi đồng khi thấy trẻ sốt li bì, mệt, khó thở, đi đứng loạng choạng, hốt hoảng, giật mình, nôn ói, da nổi bong… để cứu chữa kịp thời.

Thay mặt lãnh đạo UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận yêu cầu: “Ngành Y tế TP phải khẩn trương dập bệnh, kiên quyết không để tay chân miệng lây lan, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về căn bệnh này, đặc biệt là các kiến thức phòng chống bệnh ở trường học, cộng đồng, những nơi đông người… Làm  quyết liệt, đồng thời với chống dịch sốt xuất huyết có xu hướng cũng tăng khi mùa mưa tới.”

Việt Dũng

 

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn