Tọa đàm tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng

Kinh tếThứ Tư, 05/06/2013 10:43:00 +07:00

Bộ TT&TT đã tổ chức Tọa đàm tham vấn doanh nghiệp về việc tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng của Việt Nam.

Bộ TT&TT đã tổ chức Tọa đàm tham vấn doanh nghiệp về việc tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng của Việt Nam.

Tham dự Tọa đàm có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.  

Năm 2007 khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời cũng phải tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) 1996 vì đây là điều kiện pháp lý cần thiết trong khuôn khổ chung của các thỏa thuận gia nhập WTO. 
toa dam CNTT
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiề doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam 
Tham gia Hiệp định ITA 1996, Việt Nam phải từng bước gỡ bỏ hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu đối với 300 mặt hàng là các sản phẩm công nghệ thông tin, tiến tới miễn thuế cho 300 mặt hàng trong ITA 1996 vào năm 2014, ông Nguyễn Trọng Đường – Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết. 
Từ năm 1996 đến nay, ngành công nghệ thông tin đã có những bước phát triển bùng nổ, nhiều sản phẩm công nghệ thông tin của năm 1996 đến nay đã lỗi thời và không còn có mặt trên thị trường. Do đó, Ủy ban ITA của 21 nước (trong đó khối EU được tính là một thành viên) đã chính thức tham gia đàm phán Hiệp định ITA mở rộng để thông qua danh mục bổ sung/mở rộng các sản phẩm/hàng hóa được xem là sản phẩm công nghệ thông tin nhưng chưa được quy định trong ITA 1996. 
Theo phiên bản thống nhất tại phiên đàm phán tháng 5/2013 ITA mở rộng, danh mục này có khoảng hơn 1.000 mặt hàng, cụ thể: Ấn phẩm in liên quan bản quyền truy cập phần mềm, nội dung số, dịch vụ viễn thông; Các loại thiết bị liên quan thu, phát, ghi và tái tạo âm thanh, hình ảnh (loa, ampli, micro…); Máy móc, thiết bị và sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ. 
Theo đánh giá của Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), khi Việt Nam tham gia ITA 1996 để có đủ điều kiện gia nhập WTO là không còn sự lựa chọn nào khác. Tác động đầu tiên của ITA 1996 là giảm nguồn thu thuế đối với các sản phẩm công nghệ thông tin nhập khẩu. 
Theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu năm 2012 của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính, đối với thiết bị thu phát ghi và tái tạo âm thanh, hình ảnh, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt khoảng 268 triệu USD. Đối với thiết bị liên quan thu, phát sóng vô tuyến, thiết bị viễn thông dùng trong điện báo, Việt Nam thâm hụt hơn 2 tỷ USD. 
Đồng thời, ITA 1996 còn tạo ra sự bất cập trong chính sách thuế nhập khẩu, đó là thuế nhập khẩu nguyên chiếc thì thấp trong khi thuế nhập khẩu linh kiện lại cao hơn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Các doanh nghiệp điện tử thương hiệu Việt phải chuyển hướng hoạt động sang thương mại dịch vụ như: Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Tiến Đạt, Viettronics Tân Bình… Thị trường của sản phẩm phần cứng, điện tử Việt Nam bị thu hẹp, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm nhập ngoại. 
Trong năm 2013, xuất khẩu của ngành công nghệ thông tin đã vượt cả doanh thu xuất khẩu dầu thô nhưng chủ yếu do xuất khẩu điện thoại của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Mặc dù ITA đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử và công nghệ thông tin Việt Nam, nhưng  đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Công ty VNPT Technology, Công ty Cổ phần thiết bị bưu điện (POSTEF) đều nhất trí với việc Việt Nam tham gia ITA mở rộng vì cho rằng Việt Nam không thể đứng ngoài sân chơi toàn cầu. 
Theo ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đặc điểm của ngành công nghiệp điện tử hiện đại là tính toàn cầu hóa và chuyên môn hóa rất sâu. Trên thế giới đã hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó các quốc gia là mắt xích của chuỗi giá trị đó. Còn theo đại diện Công ty VNPT Technology, tham gia ITA mở rộng tất yếu đem lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam vì phải cạnh tranh sòng phẳng với công ty nước ngoài ngay trên sân nhà. 
Nhưng ITA mở rộng cũng đem lại nhiều cơ hội mới. Trước sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam phải tự đổi mới về nghiên cứu và phát triển, về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường khả năng thâm nhập thị trường quốc tế, có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương) lại lưu ý các doanh nghiệp nên nhìn nhận thấu đáo về cơ hội và thách thức, cái được và cái mất khi tham gia ITA mở rộng. Tất cả các nước khi tham gia ITA đều cân nhăc kỹ càng, được gì mất gì. Một số nước như Nga, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ … vẫn đứng ngoài, chưa tham gia ITA. Vì vậy, Việt Nam cần phải cân nhắc thời điểm tham gia sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho doanh nghiệp. Chúng ta không tham gia năm nay thì có thể tham gia ITA vào năm sau hoặc năm sau nữa.
Theo dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới để có báo cáo trình Chính phủ về việc tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin ITA mở rộng. 


Theo MIC
Bình luận
vtcnews.vn