Tình hình biển Đông, giá dầu ‘vùi dập’ thị trường chứng khoán Việt

Kinh tếThứ Ba, 23/12/2014 06:45:00 +07:00

Diễn biến tình hình Biển Đông, giá dầu sụt giảm khiến đã “vùi dập” thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index lui về vạch xuất phát đầu năm 2014.

(VTC News) – Sau sự kiện biển Đông, sự lao dốc của giá dầu thô thế giới đã “vùi dập” thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index lui về vạch xuất phát đầu năm 2014.

Tình hình biển Đông khiến chứng khoán giảm sâu


Ngày 1/5, Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam. Việt Nam mạnh mẽ đấu tranh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc làm bất hợp pháp.

Thị trường chứng khoán nhanh chóng phản ứng với sự kiện này. Nhà đầu tư lo lắng, đẩy mạnh bán ra cổ phiếu bằng mọi giá. Vì vậy, VN-Index có chuỗi ngày giảm rất sâu. Thậm chí, trong buổi sáng 8/5/2014, VN-Index mất tới 5,89%. Có tới 344 cổ phiếu giảm sàn.

Trong sự kiện biển Đông, sau nhiều phiên “lao dốc”, VN-Index đã lùi về tận 513,9 điểm và HNX-Index lùi về 69,39 điểm. Đây là mức giá rất thấp của hai chỉ số này.

giá dầu
Giá dầu giảm sâu khiến chứng khoán đi xuống 
Giá dầu “vùi dập” chứng khoán

Sự kiện Biển Đông khiến VN-Index và HNX-Index rơi xuống mức rất thấp. Những tưởng đó là “đáy” của năm 2014 nhưng tới tháng 12, chứng khoán tiếp tục bị “vùi dập”. “Thủ phạm” lần này chính là giá dầu. Động thái giảm sâu của giá dầu kéo chứng khoán toàn cầu đi xuống.

Video: Giá dầu giảm kỷ lục, nước Nga điêu đứng
VTC14

Sau nhiều phiên giảm liên tiếp, giá dầu “thủng” ngưỡng 60 USD/thùng. VN-Index đi xuống, “đại gia” dầu khí là những cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. PVD, GAS liên tục bị nhà đầu tư bán ra ở mức giá sàn. PVS, PVT cũng “đua” giảm sâu.

Kết quả là trong vòng nửa tháng, GAS, PVD mất hơn 40%. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Khí Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí mất gần một nửa giá trị.

IPO hàng loạt “ông lớn”

Năm 2014, rất nhiều “ông lớn” thực hiện IPO. Tuy nhiên, mức độ thành công của các “ông lớn” không giống nhau. Có Tổng công ty bán hết cổ phần, có đơn vị ế ẩm. Nhưng dù bán hết hay thừa cổ phần, không có “ông lớn” nào đắt hàng.

Trong năm, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) là “ông lớn” có phiên IPO khả quan nhất. SASCO chào bán 935.700 CP. Tất cả lượng cổ phần này đều được nhà đầu tư mua với giá khá cao. Giá trúng thầu bình quân là 22.336 đồng/CP. Trong khi đó, giá khởi điểm chỉ là 19.200/CP.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines (Công ty mẹ) chào bán hơn 49 triệu cổ phần. Vietnam Airlines IPO thành công dù không nhận được sự quan tâm từ đông đảo nhà đầu tư. Hai tổ chức lớn đã mua hơn 90% lượng cổ phần bán ra. Vì vậy, giá đấu phụ thuộc vào hai tổ chức này và chỉ đạt 22.307/CP, nhỉnh hơn giá khởi điểm một chút.

Trong khi đó, một số ông lớn khác không bán hết hàng. Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (SEAPRODEX) chào bán hơn 60 triệu cổ phần nhưng chỉ bán được hơn 45 triệu, bằng 75% lượng chào bán.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX)- Công ty mẹ chào bán gần 122 triệu cổ phần. Tuy nhiên, VINATEX chỉ bán được hơn 110 triệu cổ phần. Giá đấu bình quân khá thấp, chỉ đạt 11.000 đồng/CP, đúng bằng giá khởi điểm.

Năm thành công của cổ phiếu mới chào sàn

Năm 2014, thị trường chứng khoán có nhiều biến động lớn với nhiều đợt tăng mạnh và những đợt giảm rất sâu. Bất chấp tất cả, các cổ phiếu mới chào sàn đều gặt hái được rất nhiều thành công khi giá giao dịch tăng rất mạnh.

HoSE niêm yết mới 9 mã cổ phiếu, HNX có thêm 13 “tân binh”, UpCOM đón 30 cổ phiếu mới. Trong đó, MWG của Thế giới di động là cổ phiếu gây ấn tượng nhất khi có chuỗi ngày tăng giá không mệt mỏi. So với mức giá chào sàn, MWG thậm chí đã tăng gần 150%.

Vốn điều lệ của MWG tăng từ 627 tỷ đồng lúc niêm yết lên gần 1.120 tỷ đồng hiện tại chỉ trong chưa đầy nửa năm chào sàn.

Thông tư 36

Thông tư 36 được ban hành cuối tháng 11 tác động khá lớn tới thị trường chứng khoán. Trước khi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của giá dầu, VN-Index đã có đợt giảm nhẹ khi Thông tư 36 được công bố. Tới ngày 1/2/2015, Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, thị trường chứng khoán được dự báo ít nhiều sẽ có biến động.

Thông tư 36 quy định, tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Quy định này ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn chảy vào thị trường. Vì vậy, không ít người lo ngại đà tăng của VN-Index sẽ bị hạn chế.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn