Tìm thấy hóa thạch 1,6 tỷ năm, hé lộ lịch sử sự sống trên trái đất

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 16/03/2017 23:10:00 +07:00

Các nhà khoa học cho biết, hai hóa thạch gần giống tảo đỏ vừa được tìm thấy ở Ấn Độ sẽ làm sáng tỏ lịch sử sự sống trên trái đất.

Kết quả nghiên cứu được công bố từ chuyên gia cho thấy, các hóa thạch có niên đại hàng tỷ năm được tìm thấy trong lớp đá trầm tích tại Chitrakoot thuộc miền Trung Ấn Độ.

Một hóa thạch có hình dạng mảnh, mẫu còn lại có cấu trúc dày dặn và phức tạp hơn. Mặc dù trên cả 2 hóa thạch không còn lưu lại DNA, nhưng với công nghệ hiện đại, các nhà khoa học có thể quan sát thấy cấu trúc đặc biệt trong thành tế bào của vật thể kỳ lạ.

Theo các nhà khoa học, nếu 2 mẫu vật thực sự là tảo đỏ thì rất có thể chúng tồn tại  sự sống đa bào, phát triển sớm hơn nhiều so với sự sống trên hành tinh của con người.

Chuyên gia cổ động vật học của Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển, giáo sư Stefan Bengtson nhận định: “Với những phát hiện từ 2 hóa thạch kỳ bí thường khó có thể đưa ra phán đoán chính xác 100% về lịch sử sự sống trên trái đất. Nhiều khả năng thời điểm xuất hiện sự sống có thể sớm hơn những giả thuyết trước đó”.

algae-fossil_1024

Các nhà khoa học cho biết,  hóa thạch gần giống tảo đỏ vừa được tìm thấy ở Ấn Độ sẽ làm sáng tỏ lịch sử sự sống trên Trái đất. (Ảnh: Sciencealert)

Một đồng nghiệp của giáo sư, bà Therese Sallstedt cho biết, sau khi kiểm tra lớp hóa thạch, bà xác định loại vi khuẩn được gọi là vi sinh vật cổ hình thành đá nguyên thủy Stromatolite xuất hiện nhiều ở khu vực Chitrakoot.

Theo Sallstedt, hóa thạch tồn tại nhiều vi khuẩn trong một cấu trúc đa bào hình dạng tương tự như tảo đỏ. Các vi sinh vật được phát hiện có kích thước lớn hơn vi khuẩn lam (Cyanobacteria) là một ngành vi khuẩn có khả năng tự quang hợp.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Independent, bà Therese Sallstedt nói rằng: “Tôi rất hạnh phúc và phấn khích khi phát hiện hóa thạch cổ đại. Chúng sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều sự thật về sự sống trên trái đất”.

Sau khi phát hiện hóa thạch lạ, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp X-quang bằng kính hiển vi xác định tiểu cầu từ tế bào nhỏ trong bào quan lục lạp của sinh vật mẫu, đóng vai trò quan trọng trong thế giới thực vật vì thực hiện chức năng quang hợp.

1_tao_do_2_df469_1392569703867_jpg0

 Tảo đỏ là những sinh vật quang tự dưỡng thuộc ngành Rhodophyta. (Ảnh: Internet)

Họ cũng tìm thấy những cấu trúc nhất định tương tự trong tảo đỏ từ 2 mẫu hóa thạch và đưa ra kết luận các thể hữu cơ đa bào lớn xuất hiện rộng rãi vào khoảng 600 triệu năm trước, trong thời kỳ niên đại địa chất tồn tại sự sống động vật phong phú.

Trước đó, hóa thạch tảo đỏ lâu đời nhất có niên đại 1,2 tỷ năm tuổi. Dấu vết sớm nhất của sự sống trên Trái Đất được cho là xuất hiện vào khoảng 3,5 tỷ năm dưới dạng thể hữu cơ đơn bào.

Trên thực tế, tảo đỏ là những sinh vật tự dưỡng thuộc ngành Rhodophyta. Phần lớn các loài rong đều thuộc nhóm này. Các thành viên trong ngành có đặc điểm chung là màu đỏ tươi hoặc tía. Màu sắc của chúng là do các hạt sắc tố phycobilin tạo thành. Phycobilin là sắc tố đặc trưng cho tảo đỏ và vi khuẩn lam. Người ta cho rằng lục lạp của tảo đỏ có nguồn gốc từ vi khuẩn lam cộng sinh với tảo mà thành.

Video: 6 hóa thịch khó tin khiến chúng ta có thể viết lại lịch sử loài người

Đọc thêm: Phát hiện hóa thạch thú vị khẳng định sự sống từ vài tỷ năm trước

Thanh Hường (Nguồn: Sciencealert )
Bình luận
vtcnews.vn