Tìm ra 'thủ phạm' gây cháy xe hàng loạt

Kinh tếThứ Tư, 16/05/2012 09:21:00 +07:00

Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan khoa học tại TP.HCM. Kết quả chính thức sẽ được công bố nay mai.

Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan khoa học tại TP.HCM. Kết quả chính thức sẽ được công bố nay mai.


Nghiên cứu do các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPT), phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện. Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nghiên cứu này. Sau khi làm các thực nghiệm và phân tích số liệu về nhiều vụ cháy xe máy tại TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận.

Ba nhóm nguyên nhân

Thứ nhất, việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha methanol, ethanol (thường gọi là cồn methanol, cồn ethanol) chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật. Điều này được cho là tác nhân dẫn đến rò rỉ xăng do hệ thống ống dẫn có hiện tượng bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao, song cũng có trường hợp do người sử dụng bất cẩn làm rò rỉ. Nguồn xăng rò rỉ tiếp xúc với nguồn nghiệt đủ độ nóng sinh ra từ các nguồn: hoạt động của xe máy, hoặc ma sát của hệ thống hãm, hoặc tia lửa điện phát ra do chập mạch của hệ thống điện trong xe (hiện tượng này được giải thích do hệ thống bảo vệ cầu chì không có tác dụng hoặc cầu chì kém chất lượng)… Theo nhận định, đây là những yếu tố tạo nên khả năng gây cháy xe.

Thứ hai, sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ tạo nguồn lửa và kết hợp sự có mặt của chất dễ cháy, dễ bén lửa, chẳng hạn như các chi tiết làm bằng nhựa gắn trên xe.

Một ôtô cháy rụi ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM) tối 15/5 
Thứ ba (gồm các yếu tố khách quan và chủ quan của người sử dụng): các nguồn lửa sinh ra do để các vật dụng dễ cháy nổ (quẹt gas, nước hoa…) ở các vùng nóng cục bộ trong phạm vi thùng chứa mũ bảo hiểm, vật dụng cá nhân gắn liền với xe. Hoặc do các vật liệu dễ cháy như bao nilon, vải… bám dính vào ống xả khói thải. Ở nhóm nguyên nhân này, những yếu tố được nhấn mạnh là việc sử dụng xăng có chỉ số octan thấp như xăng A83 hoặc xăng pha methanol, ethanol kém chất lượng, không tương thích với yêu cầu của động cơ sẽ gây ra các vùng nóng cục bộ (phát sinh nhiệt) và gia tăng nguy cơ cháy.

Xăng không tự cháy nổ

Nhóm đã nghiên cứu trên các mẫu xăng A83, A92 và A95; các mẫu xăng được pha với hàm lượng methanol, ethanol khác nhau; sử dụng một loại phụ gia tiết kiệm xăng xuất xứ từ Trung Quốc.

Chiếc xe được sử dụng nghiên cứu, khảo sát nhằm đánh giá những khả năng nói trên là xe mới hoàn toàn của một hãng được nhiều người ưa chuộng. Xe được đặt trên bệ thử trong phòng thí nghiệm, cho chạy với chế độ bình thường tương đương hoạt động của một xe chạy trong khu vực TP.

Với các điều kiện để đánh giá nói trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhận định: không có sự tự cháy nổ của xăng pha methanol, ethanol, acetone khi không có nguồn nhiệt lớn. Yếu tố dẫn điện của xăng gây ra hiện tượng chập mạch cũng không xảy ra. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng khi pha methanol, acetone và ngay cả pha ethanol ở hàm lượng lớn sẽ là nguyên nhân gián tiếp tăng nguy cơ cháy do khả năng phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu hoặc tăng áp suất hơi, làm xăng rò rỉ. Khi nguồn xăng rò rỉ này chạm vào ống xả khói hoặc chập mạch của hệ thống điện (do những nguyên nhân đã đề cập ở trên) thì cháy sẽ xảy ra.

Hiện tượng tĩnh điện sinh ra trong bình xăng (thường do xăng chao lắc tạo ra) cũng đã được kiểm tra, đánh giá. Nhưng nhóm nghiên cứu nhận định chưa phát hiện sự có mặt của hiện tượng này trên xe máy. Các nhà chuyên môn cho rằng có thể do bình xăng của xe máy có thể thích nhỏ, nên chao lắc của xăng có trong bình không đủ khả năng sinh ra hiện tượng này (nó thường sinh ra trong các xe bồn, nên loại xe này thường có cọng xích lòng thòng gần tiếp đất để triệt tiêu, tĩnh điện).

Sử dụng methanol tăng đột biến

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tăng chỉ số octan của xăng nhờ pha vào các loại cồn như methanol, ethanol là rất cao trong khi giá thành của methanol rất thấp so với các loại phụ gia làm tăng chỉ số octan khác. Do vậy, nhóm nghiên cứu nhận định để tăng chỉ số octan cho xăng, việc pha thêm methanol hay ethanol với hàm lượng cao vào xăng là hoàn toàn có thể thực hiện.

Trong quá trình thu thập thông tin, tìm hiểu vụ việc, nhóm đã khảo sát biến động khối lượng methanol nhập khẩu và tiêu thụ, cho thấy loại này được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2010 là hơn 90.000 tấn và năm 2011 là hơn 80.000 tấn. Những con số đó tăng nhiều so với khối tượng methanol được tiêu thụ năm 2008 chỉ khoảng 52.000 tấn và năm 2009 chỉ khoảng 66.000 tấn. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện xăng có methanol hàm lượng cao chiếm tỉ lệ không nhỏ. Trong kết quả nghiên cứu còn lưu ý đến khả năng lợi dụng việc cho phép sử dụng thử nghiệm xăng nhiên liệu sinh học E5 để pha methanol hoặc ethanol chất lượng kém vào loại xăng này nhằm thu lợi là hoàn toàn có thể xảy ra.

Các thực nghiệm khi cho xe chạy với xăng có chỉ số octan thấp, không đúng với yêu cầu kỹ thuật của động cơ hay sử dụng xăng pha methanol và ethanol kém chất lượng, nhóm nghiên cứu ghị nhận được nhiệt độ tại các khu vục thùng chứa mũ bảo hiểm, đuôi xe, bộ điện thân xe, môbin sườn, khoang động cơ, trong thùng nhiên liệu… đều tăng trên 10°C đến 20°C so với trường hợp xe chạy bằng xăng đúng yêu cầu kỹ thuật.

Ống xả thải có nhiệt độ trên 450°C, nhiệt độ bộ dây điện hay khu vực bộ sạc có thể lên đến trên 70°C, thùng chứ mũ bảo hiểm 60-70°C là các yếu tố được đánh giá có thể gây ra cháy nổ, đặc biệt khi có các vật dụng dễ cháy nổ (quẹt gas, nước hoa…) tiếp xúc với các khi vực này. Với các điều kiện nhiệt độ như vậy còn gây ra khả năng làm lão hóa hệ thống ống bọc cách điện và sau đó gây chập mạch điện, làm tăng nguy cơ cháy.

Nhiều khuyến cáo

Bước đầu, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều khuyến cáo. Trong đó, với các cơ quan quản lý, càn xem xét bổ sung một số tiêu chuẩn đối với xăng A92, A95. Khi kiểm tra chất lượng xăng, ngoài việc kiểm soát chỉ tiêu oxygen, càn kiểm tra thêm sự hiện diện của methanol và ethanol trong xăng.

Đồng thời cần chấm dứt buôn bán, sử dụng căng A83 với lý do đây là xăng có chỉ số octan thấp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của những động cơ xe mới hiện nay, dễ gây kích nổ, làm nóng động cơ, tăng nguy cơ cháy. Sự tồn tại của loại xăng này tạo điều kiện cho việc pha chế methanol vào xăng nhằm tăng chỉ số octan của loại nhiên liệu phổ biến này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các tiêu chí kỹ thuật trong sử dụng nhiên liệu ở điều kiện khí hậu Việt Nam…

Một trong những khuyến cáo đối với người sử dụng là nên sử dụng xăng phù hợp, nhất là chỉ số octan, với tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của động cơ xe như hương dẫn của nhà sản xuất. Không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc, bất hợp pháp… hay các loại phụ gia chưa được thẩm định, cho phép sử dụng. Không chứa các vật liệu dễ cháy trong thùng chứa mũ bảo hiểm, vật dụng cá nhân… Nhà sản xuất cần đề cao trách nhiệm hướng dẫn cặn kẽ người sử dụng, nghiên cứu cải tiến xe để phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân cháy ôtô, kể cả xe chạy bằng xăng lẫn dầu diesel.

Theo Quốc Thanh (Tuổi Trẻ)

Bình luận
vtcnews.vn