Tìm lời giải cho bài toán Game Online

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 03:52:00 +07:00

Game Online từ việc chỉ được đánh giá theo hướng tiêu cực, giờ đã được dư luận nhìn nhận theo hướng đa chiều và công bằng hơn.

Sau một thời gian làm nóng bỏng nghị trường quốc hội, là đề tài tranh luận gay gắt trên các diễn đàn, là vấn đề nhạy cảm của các phương tiện thông tin đại chúng, Game Online từ việc chỉ được đánh giá theo hướng tiêu cực, giờ đã được dư luận nhìn nhận theo hướng đa chiều và công bằng hơn. 9h00 sáng chủ nhật ngày 29/ 08 vừa qua, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đã phối hợp với báo điện tử VTC News, Vietnamnet, VNMedia và một số báo, trang tin điện tử khác tổ chức thành công buổi đối thoại trực tiếp với chủ đề: “Đi tìm lời giải cho bài toán quản lí Game Online” với sự góp mặt của các vị khách mời, các chuyên gia trong lĩnh vực này như: Ông Đỗ Quý Doãn – Thứ trưởng Bộ TT&TT, Ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch CLB doanh nghiệp Game và nội dung số Việt Nam, Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình. PV Tạp chí THS VTC xin ghi lại nhằm giúp độc giả có thêm những thông tin đa chiều về vấn đề này.

 

 

- Xin được bắt đầu với một câu hỏi chung dành cho cả 3 vị khách mời. Chúng ta đã nói nhiều tới những mặt trái của trò chơi trực tuyến, nhưng chúng tôi muốn biết, khi nói đến những điều gọi là mặt trái, là tiêu cực của Game Online thì các vị khách mời của chúng ta có những suy nghĩ thế nào? Đầu tiên xin được mời Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.

 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Trướchết, cần khẳng định rằng Game online là một ứng dụng của Internet. Mặc dù Internet mới chỉ chính thức vào Việt Nam từ năm 1997 nhưng thời gian qua nó đã phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay, số lượng người dùng của VN lên tới  hàng chục triệu người. Game online là một hình thức để giới trẻ tiếp cận với Internet. Thông qua các trò chơi game online, giới trẻ có thể tiếp cận được những mặt tích cực, từ văn hoá, lịch sử, truyền thống dân tộc đến kiến thức về khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Thế nhưng, cũng như một con dao sắc, bên cạnh những mặt tích cực, Game Online cũng có cả mặt hạn chế. Dù là game tốt, game hay nhưng nếu sử dụng thái quá thì đều dẫn đến bất cập. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét cả mặt tốt và xấu đề có được hướng phát triển đúng.

 

Ông Lê Hồng Minh: Tôi nghĩ, đúng như lời của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn và TS. Trịnh Hòa Bình, bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống đều có tính hai mặt. Đứng trên quan điểm của những nhà kinh doanh game thì tôi  thấy có hai vấn đề: Vấn đề về nội dung và vấn đề chơi game quá độ như báo chí thời gian qua đã nêu. Tuy nhiên, báo chí hầu như chỉ nêu mặt tiêu cực.

Tôi muốn đặt ra câu hỏi rằng, mọi người có hiểu rõ ràng game tác động tiêu cực như thế nào đến người chơi game? Nếu game là tiêu cực thì ngành game thế giới vốn đang đứng thứ nhất về mặt doanh thu hơn cả phim ảnh thì cũng là tiêu cực hay sao?! Riêng ở Việt Nam, 8 triệu người chơi game đều là những người tiêu cực hết? Chúng tôi đóng góp mặt tích cực cho xã hội đó là cung cấp dịch vụ mang tính giải trí cho mọi người, mặt tiêu cực thì chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng khác nhau để hạn chế.

 

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng game online là một tiện ích của Internet, khi khu vực giải trí của chúng ta còn quá nghèo nàn, thì việc số đông người hướng đến sử dụng là không thể  chối bỏ. Ở góc độ một nhà khoa học, chúng tôi nhìn nhận game online là một vấn đề xã hội và mọi vấn đề xã hội đều có tính hai mặt. Vì thế khi quản lý game online, phải quản lý một cách khoa học và thông minh.


 

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quí Doãn

- Thưa thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, mới đây Bộ TT&TT đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cho vấn đề quản lý Game Online bao gồm 3 giải pháp tình thế, 3 giải pháp cần thiết, 3 giải pháp cơ bản, 3 trọng điểm thanh tra và 3 trách nhiệm phối hợp quản lý. Một số tờ báo gọi vui đó là những chiếc “vòng kim cô” trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Nhưng có lẽ hơn lúc nào hết, vào lúc này thì dư luận đang hướng nhiều hơn tới các giải pháp để giải quyết vấn đề ngay tức thì. Giải pháp đó như thế nào, thưa ông?

 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Đúng là trong thời gian vừa qua xã hội rất bức xúc về game online. Cơ quan quản lý nhà nước phải suy nghĩ và thực sự cần có một biện pháp tổng thể và phải có lộ trình. Tuy nhiên, trước hết cần phải có những giải pháp tình thế trong lúc chúng ta chờ đợi những biện pháp lâu dài hơn. Biện pháp đầu tiên là ngừng ra game mới, thứ hai là yêu cầu những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngừng đường truyền.

Giải pháp cần thiết là cần phải xây dựng văn bản thay thế thông tư 60. Thứ hai là khuyến khích sản xuất các trò chơi thuần Việt. Thứ ba là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Và về lâu dài, Bộ đã và đang đề xuất xây dựng luật an toàn thông tin trên mạng.

 

- Tôi được biết là trong các giải pháp tình thế mà Bộ TT&TT đưa ra thì ngoài giải pháp cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23h đêm đến 6h sáng còn có 2 giải pháp khác là Tạm dừng cấp phép trò chơi điện tử game online; Cấm quảng cáo game. Xem ra thì Doanh nghiệp cung cấp Game sẽ chịu tác động mạnh nhất từ hai giải pháp này. Tôi muốn biết cảm nhận của ông Lê Hồng Minh, xin mời ông!

 

 Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Game Việt Nam và NDS

Ông Lê Hồng Minh: Tôi cũng xin đính chính lại, có hai giải pháp tình thế liên quan đến doanh nghiệp. Một không có quảng cáo game online trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và không nhập game mới. Tất nhiên, giới hạn nào cũng liên quan đến lợi ích doanh nghiệp, nhưng vì hoạt động lâu dài nên doanh nghiệp cũng đồng thuận.

Trong thời điểm xã hội có ý kiến dư luận khác nhau thì chúng ta phải có biện pháp cho mọi người bĩnh tĩnh để mọi người thấy đang có sự đồng thuận giữa các bên. Và sau đó, chúng ta sẽ xây dựng biện pháp lâu dài, chúng tôi kinh doanh chúng tôi cũng muốn phát triển lâu dài, những giải pháp tình thế chỉ gây ra ảnh hưởng tạm thời chứ không có vấn đề gì với doanh nghiệp kinh doanh game.

 

- Đó là những ý kiến của rất nhiều người ở các cương vị khác nhau. Và khi lắng nghe, tôi nhận thấy, có một vài ý kiến nghiêng về góc độ tăng cường sự quản lý của gia đình với trẻ chơi game. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình có lẽ là người nắm rõ nhất về điều này. Ông có thể chia sẻ đôi chút suy nghĩ của ông, thưa Tiến sĩ?

 

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Chúng ta đang lo lắng việc game online có yếu tố gây nghiện. Tôi cho rằng, gia đình phải là thiết chế đầu tiên, không thể đổ lỗi cho nhà trường và nếu đổ lỗi cho xã hội thì càng khó. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của tôi là gia đình phải có yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc này.

 

- Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông có cho rằng, trẻ sa đà vào Game là do không có nhiều sân chơi để lựa chọn. Nhưng độc giả Lê Hoàng Lam ở quận Gò Vấp, Tp.HCM lại có quan điểm ngược lại. Độc giả Lam cho rằng, game có một mãnh lực khủng khiếp. Có người ví game như thuốc phiện số. Vì thế, nếu có xây dựng nhiều sân chơi, trò chơi hay các loại giải trí gì đi chăng nữa thì cũng khó mà lôi kéo người chơi bỏ Game để tham gia các loại hình giải trí khác. Vì vậy, giải pháp tạo dựng thêm sân chơi là thiếu khả thi. Ông nghĩ sao, thưa Tiến sĩ?

 

- Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Đây là một ý kiến hay và tôi có hai ý kiến như thế này. Thứ  nhất, có nhiều người coi game online có yếu tố gây nghiện. Bản thân doanh nghiệp như Vinagame đã từng có trách nhiệm xây dựng trung tâm "giải nghiện" game online. Đồng thời, Trung ương Đoàn cũng đã có những trung tâm "giải nghiện" tương tự.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng nếu có xây dựng nhiều sân chơi, trò chơi hay các loại hình giải trí gì nữa cũng khó lôi kéo được người chơi từ bỏ GO. Vì trong khi chúng ta chưa xây dựng được sân chơi hay trò chơi đa dạng thì không thể cho rằng các giải pháp xây dựng các sân chơi mới lành mạnh cho giới trẻ là không khả thi.

 

 Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình

- Vâng, đọc kỹ câu hỏi của độc giả Lê Hoàng Lam ở Quận Gò Vấp, Tp.HCM thì tôi hơi gai người khi độc giả này nói Game như thuốc phiện số. Ông Lê Hồng Minh, nếu so sánh này là đúng thì rõ ràng những doanh nghiệp cung cấp game bị coi không khác gì những tổ chức cung cấp ma túy? Ông có nghĩ đó là so sánh có phần cực đoan không, thưa ông? Câu hỏi tiếp ngay sau đó: Vậy, từ góc độ doanh nghiệp, theo ông, chúng ta nên có giải pháp gì mang tính dài hạn cho bài toán quản lý game online tại Việt Nam?

 

Ông Lê Hồng Minh: Nếu doanh nghiệp game bị coi là tổ chức cung cấp ma túy thì những nhà cung cấp internet vận chuyển ma túy, đại lý thi là nơi sử dụng ma túy. Game có sức hấp dẫn rất lớn, tôi là người rất mê game và đó là một trong những lí do tại sao tôi lựa chọn ngành kinh doanh này. Game là hình thức giải trí mới, tính tương tác, tính cộng động cao và nếu hiểu được bản chất tại sao game rất hấp dẫn thì nó sẽ khác hoàn toàn với chuyện nghiện ngập hay ma túy số.

Thực sự ngành game là ma túy số thì chắc chắn nó sẽ không được phát triển trên toàn thế giới, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng sẽ không đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp này. Những tập đoàn lớn như Microsoft đầu tư vào game từ 1995; Sony thì sớm hơn, họ đầu tư vào game từ năm1992; Google đang chuẩn bị đầu tư hàng tỉ USD vào lĩnh vực game sắp tới. Chuyện nhìn nhận ma túy số mang tính chất một chiều và hơi thái quá, mình nên có quan điểm toàn diện về vấn đề này.

Chúng tôi suy nghĩ rằng phải nhìn nhận game có hai vấn đề. Vấn đề nội dung và chơi game quá độ. Vấn đề nội dung thì cơ quan quản lý và gia đình sẽ là bước chặn đầu tiên, khi game được kiểm duyệt thì có nghĩa là game sẽ phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau. Ví dụ, trong gia đình, tôi là người cha, con xem gì cha phải biết.

Về vấn đề nội dung, Việt Nam đã có kinh nghiệm quản lý, quản lý sách báo, phim ảnh... thì không có lý do gì lại không quản lý được nội dung trong game. Về vấn đề chơi game quá độ, một trong những hiện tượng liên quan đến game bị công kích là trẻ em chơi game quá độ tại quán internet. Ở các nước phát triển trẻ em chơi game ở nhà nên bố mẹ có thể quản lý về mặt thời gian, còn Việt Nam đặc thù lại khác. Vấn đề sâu xa là chúng ta phải hạn chế trẻ em đi ra đại lý Internet mà không chịu bất kì sự quản lý nào. Bởi, ra đó, các em có thể xem những trang độc hại hay chơi game không bị kiểm duyệt của nước ngoài. Tôi nghĩ, hiện nay trẻ em chưa được quản lý chu đáo ở khía cạnh gia đình và xã hội.

 

- Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm trực tiếp từ Trung Quốc – một quốc gia có công nghiệp game phát triển hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong số các giải pháp dài hạn mà Bộ TT&TT đưa ra thì vấn đề học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác được đặt ra như thế nào?

 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Như tôi đã nói, vấn đề Internet ở Việt Nam cũng như Game online cũng còn rất mới mẻ. Trong quá trình quản lý, chúng ta cần học tập sự đi trước của các quốc gia trong đó có Trung Quốc. Nhưng người Việt Nam rất sáng tạo, chúng ta học tập và có những áp dụng cho phù hợp với Việt Nam. Ở Trung Quốc, trong việc quản lý giờ chơi, đối với lứa tuổi thanh thiếu niên họ quản lý ngặt nghèo. Rồi xây dựng cả những hệ thống quản lý nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có chứng minh thư điện tử... Có nhiều bài học mà chúng ta có thể học tập từ nước bạn Trung quốc để áp dụng trong công tác quản lý của chúng ta.

 

Ông Lê Hồng Minh: Đứng về khía cạnh doanh nghiệp, đầu tiên mình sẽ phải tập trung tìm ra con đường phát triển làm sao mình vừa kinh doanh vừa xây dựng được những game tích cực cho xã hội. Điều thứ hai nữa là, cá nhân tôi và những người kinh doanh game được dịp tiếp xúc với doanh nghiệp game quốc tế như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đều luôn tìm hiểu những bài học, kinh nghiệm của họ về quản lý game.

Điều tin tưởng của những nhà cung cấp game là ngành game đang và đã trở thành ngành công nghiệp nội dung quan trọng trong thế kỉ  21, tưởng tượng 5 - 10 năm nữa, người chơi game là 15 - 20 triệu người thì các vấn đề sẽ còn lớn hơn nữa, việc học hỏi kinh nghiệm đưa ra biện pháp và định hướng phát triển game là tối quan trọng, vì game phát triển cực nhanh.

 

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Tôi chia sẻ với ý kiến của ông Lê Hồng Minh về quản lý game online hiện nay bên  cạnh học hỏi kinh nghiệm quản lý, phải dự báo tốt. Rõ ràng chúng ta không thể chặn sự phát triển như vũ bão CNTT trong đó có game online. Dù thế nào giới trẻ vẫn tìm đến game online. Do đó phải quản lý một cách thông minh.

Vì thế cần phải xây dựng một chiến lược đường dài trong quản lý game online.

 

- Một độc giải ở Thanh Hóa nhờ ông Lê Hồng Minh tư vấn: "Làm thế nào để tôi giải thích với gia đình về tính tích cực của game?"

 

Ông Lê Hồng Minh: Bạn có thể giải thích rằng người chơi game giỏi phải là một người có tư duy tốt, nếu việc học tập cũng hấp dẫn như chơi game thì kết quả học tập sẽ tốt như thế nào. Ngay cả bản thân việc chơi game được sử dụng cho việc huấn luyện cho phi công khi họ giả lập đưa ra tình huống phán đoán. Game cũng được đưa vào y tế, game là hình thức giải trí lành mạnh nếu được sử dụng nó hợp lý.

 

- Xin cảm ơn các ông!

  Khánh Duy

 

Bình luận
vtcnews.vn