Tiết lộ về những bí mật “động trời”

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 27/12/2010 01:40:00 +07:00

Số doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc, Bkav vào top 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới, FPT từng có ý định mua S-Fone,...?

Số doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc, sự thật về việc Bkav vào top 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới, FPT từng có ý định mua S-Fone... là những thông tin đáng lưu tâm trong tuần qua.

Phát triển không bền vững

Theo các thông tin tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra tại Hà Nội hôm 23/12, thì tới năm nay, Việt Nam có 11 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng trong đó có 7 doanh nghiệp thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ di động.

Trong khi đó, nước Pháp có cùng số dân như Việt Nam nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động. Còn Trung Quốc, đất nước với dân số lớn nhất thế giới thì chỉ có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.

Tuy số lượng doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam nhiều, nhưng thị phần tập trung chủ yếu ở một số ít doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê năm 2009, 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT (mạng Vinaphone và Mobifone) và Viettel chiếm 88% thị phần trong cung cấp dịch vụ di động.

Trang tin Bee.net dẫn lời ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, sự chênh lệch thị phần giữa các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam quá lớn cộng với mức độ phát triển không đồng đều dẫn đến thị trường phát triển không bền vững, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ vì có khả năng xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, hiệu suất sử dụng kho số của các doanh nghiệp viễn thông chưa cao, thuê bao ảo nhiều. Điều này gây lãng phí kho số, chưa phản ánh chính xác tình hình phát triển viễn thông của Việt Nam.

Panda "phơi" thông tin khách hàng

Theo trang tin Kênh 14, vài ngày qua, trên trang chủ (diễn đàn hỗ trợ người dùng) của hãng phần mềm diệt virus Panda liên tục xuất hiện các chủ đề, bài viết thể hiện bức xúc của người tham gia chương trình khuyến mãi do chính Panda Việt Nam tổ chức. Cũng cùng thời gian, nhiều tranh luận tương tự được khơi mào trên nhiều diễn đàn tin học lớn.

Hôm 9/12, trang chủ Panda Việt Nam treo thông báo lớn giới thiệu chương trình khuyến mãi: “Bản quyền phần mềm Panda Antivirus Pro 2011 (trong 12 tháng) cho 1.000 khách hàng đăng kí đầu tiên”. Đến ngày 18/12, một ngày sau khi kết thúc khuyến mãi, nhiều người khách hàng tỏ ra thắc mắc khi chưa nhận được key bản quyền Panda Antivirus Pro 2011. Hầu hết, họ đều quả quyết mình đăng kí rất sớm và chắc chắn nằm trong số 1.000 suất đầu.

"Bế tắc" trong chờ đợi câu trả lời chính thức từ phía nhà cung cấp, cùng số lượng khách hàng đăng kí quá đông, sự việc tiếp diễn theo chiều hướng xấu khi xuất hiện nhiều lời cáo buộc Panda Việt Nam không minh bạch trong chương trình khuyến mãi. Mãi tới ngày 21/12, đại diện công ty mới bắt đầu đưa ra thông báo cho biết, quá trình phát key chậm trễ hay không phát key cho nhiều trường hợp do hai lý do: 1. Khách hàng đăng kí quá nhiều tài khoản để nhận key; 2. Thông tin đăng kí không xác thực.

Chưa rõ, nhà sản xuất sẽ làm gì với số thông tin này cá nhân cực quan trọng này, nhưng vin vào lý do sàng lọc, để chậm chễ trong việc trao quà thì quả khó chấp nhận. Đáng nói hơn, nhằm thể hiện rõ sự minh bạch trong thông báo chính thức, đại diện Panda Việt Nam công bố danh sách gần 2.000 khách hàng đã đăng kí và được phát key (tính đến thời điểm ra thông báo là hơn 300), trong đó gồm cả tên tuổi, email, số điện thoại liên lạc, và địa chỉ cư trú.

Trong lịch sử Internet Việt Nam, đây có lẽ là lần đầu tiên bản thông tin cá nhân của số lượng lớn khách hàng được đăng tải công khai. Nghịch lý thay, các thông tin vốn cần hết sức bảo mật lại được công bố bởi đại diện của một công ty có thâm niên 20 năm trong lĩnh vực an ninh số.

Chưa phải là tất cả

Theo thông báo mới đây từ BKIS, phần mềm diệt virus của công ty đã vượt qua hơn 50 phần mềm tên tuổi khác để lọt vào top 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Cụ thể, phần mềm Bkav đã đạt điểm RAP 91,3/100 và xếp thứ 7 trong 64 phần mềm tham gia kiểm định, vượt qua các tên tuổi như Symantec - PC Tools (66,7 điểm), Kaspersky (88,3 điểm), McAfee (64,9 điểm).

Tuy nhiên, theo trang Thông tin công nghệ, điểm số RAP chỉ là một phần nhỏ trong các đánh giá của Virus Bulletin (VB) về một phần mềm diệt virus. Chỉ tiêu đánh giá RAP được VB đưa ra vào tháng 2/2009 để bổ sung cho bảng đánh giá của họ. RAP đánh giá khả năng phát hiện virus trong vòng 3 tuần trước ngày cập nhật phần mềm và cả những virus sẽ xuất hiện 1 tuần sau đó.

Ngoài RAP, để đánh giá các phần mềm thì VB còn một loạt những chỉ số khác, như khả năng phát hiện virus trong WildList (để chứng nhận VB100), khả năng phát hiện sâu, trojan và virus đa hình. Hơn nữa, hiệu năng của phần mềm cũng được VB xem trọng. Hãy cũng điểm qua các tiêu chí này.

Danh sách WildList chứa các virus rất phổ biến, được phát hiện từ trước khi các công ty gửi phần mềm đến đánh giá. Các phần mềm phải phát hiện tất cả virus trong danh sách này, và không được nhận nhầm. Trong đợt kiểm tra tháng 12, có 43/64 phần mềm tham gia được chứng nhận VB100, và Bkav lần thứ ba liên tiếp nhận danh hiệu này.

Về khả năng phát hiện sâu, trojan và virus đa hình, tỉ lệ phát hiện của Bkav là 94,94%, 87,76% và 83,87%, không hề cao khi so sánh với các phần mềm khác. Nếu xếp hạng, Bkav đứng 29/64 về khả năng phát hiện virus, 33/64 về khả năng phát hiện sâu và chỉ xếp 50/64 về khả năng phát hiện virus đa hình, trong khi đây là loại virus tiên tiến nhất, có khả năng tự thay đổi mã, tự mã hóa để che dấu.

Ngoài ra, bộ cài đặt Bkav được VB đánh giá là khá lớn, lên đến 272 MB, so với kích thước chỉ trên dưới 100 MB của nhiều chương trình khác. Tuy vậy, quá trình cài đặt Bkav diễn ra khá nhanh chóng. Về hiệu năng, VB đánh giá Bkav có tốc độ khá chậm chạp khi quét. Bkav chỉ nhanh khi quét các tập tin nén, vì thực tế Bkav quét rất ít bên trong các tập tin nén, cho dù các nhân viên thử nghiệm của VB đã bật mọi tùy chọn. Bkav không dùng quá nhiều bộ nhớ, nhưng lại có mức độ chiếm dụng CPU khá cao.

Khi kích hoạt chế độ bảo vệ theo thời gian thực, Bkav có tốc độ khá thấp. Tốc độ truy xuất tập tin khi có mặt Bkav là khoảng 2-3 MB/s, chậm hơn 5-20 lần so với những phần mềm khác AVG (22-47 MB/s), BitDefender (15-29 MB/s), Kaspersky IS (15-23 MB/s)... Trong khi hầu hết các phần mềm khác đều quét nội dung bên trong tập tin nén (ACE, CAB, RAR, TGZ, ZIP...), thì Bkav chỉ quét duy nhất tập tin RAR khi có yêu cầu và mức độ quét kĩ được bật ở mức cao nhất.

Từ những phát hiện trên, trang Thông tin công nghệ kết luận, khi xem xét một phần mềm diệt virus, cần sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau. Bảng đánh giá của VB dù rất có giá trị, họ vẫn còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn như đánh giá không chỉ khả năng phát hiện, mà còn khả năng diệt virus. Do đó, lọt vào top 10 trong một tiêu chí của VB chưa phải là tất cả. Nói Bkav lọt vào top 10 phần mềm diệt virus lúc này là chưa chính xác.

FPT từng có ý mua S-Fone

Tại buổi công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) năm 2010 ngày 23/12 của Câu lạc bộ nhà báo ICT Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc FPT - tiết lộ trước khi cân nhắc mua cổ phần của EVN Telecom, tập đoàn của ông đã định mua S-Fone.

Việc "FPT mua cổ phần của EVN Telecom" đã được chọn là một trong 10 sự kiện ICT của năm 2010 do Câu lạc bộ nhà báo ICT Việt Nam bình chọn. FPT và Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) tuyên bố sẽ mua hơn 50% cổ phần EVN Telecom được cho là dấu hiệu khởi đầu hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các mạng di động của Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực cũng vừa có buổi gặp với một mạng di động lớn của Việt Nam đề cập đến vấn đề “sang tên, chuyển khẩu” mạng đi dộng EVN Telecom, song cuộc gặp gỡ này không có kết quả. Việc mua lại cổ phần của EVN Telecom thể hiện khát vọng của FPT muốn vào thị trường di động nhanh nhất bằng việc mua lại mạng di động đang cung cấp dịch vụ để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có.

“Kinh doanh viễn thông tương đối rủi ro và cần độ liều rất cao. Nếu chúng ta không có đồng thuận cao thì phần lớn là thất bại. Tôi tin rằng câu việc hợp tác giữa cổ đông Việt Nam và cổ đông nước ngoài thì khó đồng thuận. Viettel thành công trong lĩnh vực di động vì có đồng thuận. Vì vậy, mô hình kinh doanh hoặc ta cả hoặc tây cả. Vì vậy, FPT mua cổ phần EVN Telecom thì đều là ta cả”, ông Nguyễn Thành Nam nói.

Trả lời câu hỏi liệu FPT có lường trước được việc thị trường di động cạnh tranh quyết liệt, thị trường sắp bão hòa và chưa đầy phân nửa các mạng di động đang có lãi. Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, nếu nhìn như vậy thì chắc chắn FPT sẽ không nhảy vào lĩnh vực di động và mua cổ phẩn của EVN Telecom. Sở dĩ FPT quyết định nhảy vào thị trường này vì tập đoàn này "nhìn xa hơn và thấy rằng thị trường này còn rất lớn và còn có cơ hội cho FPT".

Theo VnEconomy

Bình luận
vtcnews.vn