Tiết lộ nguồn vốn ngoại chảy vào bất động sản Việt Nam

Bất động sảnThứ Bảy, 19/08/2017 13:44:00 +07:00

Báo cáo mới nhất từ Savills cho thấy, bất động sản vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư ngoại khi đến giữa năm 2017, lượng vốn FDI đăng ký đã tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục thu hút đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI giải ngân đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ.

Savills cho biết, sự gia tăng FDI phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất và dẫn tới kết quả là quá trình thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghiệp.

Von-ngoai-rap-rinh-thau-tom-du-an-dia-oc-FDI_ae25-d0b1-4ade-84b8-6befb89f7be8

Nhà đầu tư nước ngoài thích đầu tư bất động sản Việt Nam.

Cụ thể, tháng 5 vừa qua, Hemaraj Land & Development của Thái Lan và Cienco 4 của Việt Nam đã chính thức xác nhận hợp tác liên doanh thành lập khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD, trên 3.200 ha đất ở Nghệ An, miền Bắc Việt Nam.

Bên cạnh việc là động lực phát triển hạ tầng công nghiệp, FDI cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của các phân khúc khác trong thị trường bất động sản. Cả hai mảng văn phòng và khách sạn đều cho thấy nhu cầu cao, gia tăng diện tích thuê và hiệu suất thuê ổn định.

Trong khi những phân khúc này đang ngày càng trở nên hấp dẫn, các tài sản hoạt động vẫn nhận được sự chú ý hơn từ phía các nhà đầu tư, ngoại trừ các dự án mới tại các khu vực đắc địa nằm trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Video: Điểm mặt các dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng ở Thủ đô

Cũng theo Savills, 6 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn hoạt động tích cực trên thị trường. Công ty Nishi Nippon và Hankyu hợp tác cùng Nam Long xây dựng dự án khu dân cư Mizuki Park với diện tích rộng 26 ha tại quận Bình Chánh, TP.HCM, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD.

Bên cạnh đó, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản Aeon Mall chính thức liên doanh cùng tập đoàn BIM, triển khai phát triển trung tâm thương mại thứ hai của Aeon tại Hà Nội với diện tích 16,7 ha, ước tính tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) cũng vừa kêu gọi vốn 100 triệu USD phát triển dự án thành công từ nhà đầu tư Nhật Bản.

Quý II năm 2017 tiếp tục chứng kiến việc các dự án phát triển nhà ở nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Tập đoàn China Fortune Land Development đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Lotus đại Phước của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD. Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng điện tích 198,5 triệu ha thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TP.HCM. Thêm vào đó, 65% cổ phần dự án khu phức hợp Times Square (Hà Nội) trị giá 41 triệu USD của VinaCapital cũng được chuyển nhượng sang công ty Elite Capital Resources Limited.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. Bởi trước đây, nguồn vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản thường qua kênh là các quỹ đầu tư, ủy thác, đơn vị liên doanh,… nhưng kể từ khi Chính phủ ban hành chính sách mở cửa để người nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đã trực tiếp tham gia sâu, thực chất hơn vào thị trường và phân khúc được quan tâm hơn cả là cao cấp, nghỉ dưỡng. Ðây là những phân khúc được đánh giá có nguồn cung dồi dào, thậm chí vượt xa cầu.

Theo dự báo, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ nhiều chính sách cởi mở cũng như tiềm năng du lịch của nước ta còn lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại đã đến lúc cần có sự nhìn nhận, đánh giá về hiệu quả của đồng vốn, chứ không chỉ nhìn vào số lượng vốn đăng ký. Bởi thực tế đã có rất nhiều dự án vốn đăng ký khủng nhưng lại nằm “đắp chiếu”.

Điển hình như nhưng dự án Booyuong Mỗ Lao (quận Hà Đông) có “thâm niên” đắp chiếu lâu nhất trong số dự án vốn FDI tại Hà Nội; dự án Deawoo Cleve (Văn Phú, Hà Đông); siêu dự án 4,3 tỷ USD New City tại Phú Yên đã phải giảm quy mô đầu tư xuống còn 1 tỷ USD và đổi chủ cách đây hai năm do khó khăn về tài chính…

Ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trấn an, những dự án FDI vào bất động sản vẫn tiếp tục được hoan nghênh và tạo điều kiện cấp phép đầu tư. “Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ quản lý, giám sát để đảm bảo tính bền vững trong đầu tư phát triển” – ông Thắng khẳng định.

Lưu Vân
Bình luận
vtcnews.vn