Tiết lộ bất ngờ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ‘chôn sống’ 12 công nhân

Thời sựThứ Bảy, 20/12/2014 05:23:00 +07:00

Một công nhân đã tiết lộ thông tin bất ngờ về vụ 12 công nhân bị ‘chôn sống’ trong hầm thủy điện Đạ Dâng.

(VTC News) – Một công nhân đã tiết lộ thông tin bất ngờ về vụ 12 công nhân bị ‘chôn sống’ trong hầm thủy điện Đạ Dâng.

Biết trước hầm sẽ bị sập?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm và nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khiến 12 công nhân gặp nạn hoang mang dư luận. 
11 nam công nhân sức khỏe đã ổn định, nữ công nhân còn lại cần được theo dõi chăm sóc 

Theo ông Hùng, có rất nhiều việc cần làm rõ nguyên nhân vụ sập hầm trong thời gian tới. Trước mắt chính quyền địa phương có nhiệm vụ phong tỏa, bảo vệ hiện trường chờ điều tra. 

Một công nhân (xin giấu tên) thuộc công ty CP Sông Đà 505 tiết lộ, anh đoán trước hầm sẽ bị sập nhưng không kịp báo tin. Công nhân này làm ca đêm 15/12 đến rạng sáng 16/12 thì giao ca cho nhóm công nhân khác tiếp tục thi công.

Người công nhân này cho biết, tầm 4h sáng anh và nhóm công nhân đang làm việc thì thấy chân hầm có biểu hiện sụt lún, nước ngấm từ bên trong ra ngoài. Anh này chỉ nghi vấn hầm có thể bị sập nên không dám bảo cho nhóm công nhân khác trong thời điểm thay ca.

Đến 7h sáng 16/12, khi nhóm công nhân gồm 12 người đang gia cố đường hầm thì hầm thủy điện bất ngờ đổ sập chôn vùi tất cả bên trong. 
Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thăm hỏi, động viên tinh thần nạn nhân 

Được biết, công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo có mức đầu tư hơn 475 tỷ đồng, do công ty Long Hội làm chủ đầu tư. Công trình này phần thi công đúc, đổ bê tông do công ty CP Sông Đà 505...

Hầm thủy điện bị sập có thiết kế dài 700 mét, đã thi công được 600 mét. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm chừng 500 mét. Theo ghi nhận của PV VTC News, đoạn hầm từ miệng hầm đến khu vực bị sập lồi lõm đất đá, có những chỗ địa chất yếu bùn đất đùn ra bên ngoài. 

Có mặt tham gia cứu hộ tại hiện trường, chuyên gia của một đơn vị quân đội thẳng thắn trao đổi với đại diện thi công rằng, việc gia cố hầm bằng bê tông tạo khung cho có chứ thực tế không tạo sự vũng chắc, an toàn.

Ký ức 12 công nhân bị 'chôn' trong hầm

Một ngày sau khi được các chiến sĩ công binh cứu ra khỏi hầm bị sập một cách ngoạn mục, vẻ mặt anh Nguyễn Viết Nam (SN 1973, quê Nghệ An) vẫn còn thất thần. “Nếu chậm thêm một ngày nữa thì chắc chắn có người sẽ bỏ mạng trong hầm bị sập”, anh Nam nói.
 Anh Nguyễn Viết Nam tả lại ký ức 4 ngày đêm sống trong hầm bị sập

Anh Nam kể, khoảng 7h sáng 19/12, nhóm anh gồm 12 công nhân đang thi công gia cố cuối đường hầm thì nghe tiếng “ầm”, “ầm”, liền sau đó thì đất đá đổ sập xuống. Những công nhân làm việc bên ngoài nhanh chân chạy thoát, anh Nam và 11 người còn lại bị “chôn sống” trong hầm.

Những ngày đầu sống trong hầm đối với anh Nam và đồng nghiệp như địa ngục trần gian. Căn hầm tối om kèm theo tiếng khóc thét hoảng loạn của nữ công nhân Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, em dâu anh Nam) càng khiến mọi người thêm hoảng loạn. 

Cũng may ngày đầu gặp nạn nhóm công nhân đã dùng ánh sáng từ những chiếc điện thoại tìm nhau để tập trung một chỗ lên kế hoạch liên lạc với bên ngoài. Khi mực nước trong hầm dâng lên, mọi người dìu nhau đến chỗ chiếc máy xúc đang bị đè sập để trèo lên ‘chạy nước’.
 Nạn nhân Nguyễn Tiến Đoàn chia sẻ niềm vui với phóng viên VTC News khi đọc thông tin trên báo chí về vụ giải cứu kỳ diệu của lực lượng công binh

Khi mũi khoan thâu vào trong hầm, tất cả 12 công nhân vui sướng nhảy cẫng lên: “Chúng ta sắp được cứu rồi”. Hy vọng rồi lại tuyệt vọng, khi ống khoan bị đất đá lấp, nước trong hầm dâng càng lúc càng cao, sắp gần đến cổ tất cả các công nhân.

“Chúng tôi nghĩ sẽ bỏ mạng ở trong này, thậm chí khi nghe tiếng cứu hộ gọi qua ống sắt không ai muốn trả lời. Cháo, sữa… được thổi vào ống nhựa không một ai màng đến ăn uống. Bức thư của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng gửi vào chúng tôi cũng không còn sức để đọc”, anh Nam kể.

Trong lúc tuyệt vọng thì một mũi khoan thông vào hầm, nước bên trong được rút cạn, mọi người lại lóe lên tia hy vọng. Đến chiều 19/12, mọi người đang ngồi co ro trên xe xúc thì hầm được thông, lực lượng công binh đã đưa tất cả 12 công nhân ra ngoài an toàn.

Video: Ký ức của nạn nhân Nguyễn Viết Nam sau 4 ngày đêm sống trong hầm thủy điện Đạ Dâng


Trao đổi với phóng viên VTC News, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng xác nhận, hiện sức khỏe của 11 nam công nhân hồi phục tốt. Riêng nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, quê Nghệ An) vẫn đang cần sự chăm sóc đặc biệt từ các bác sĩ. Dự kiến trong ít ngày tất cả các bệnh nhân sẽ được làm thủ tục xuất viện về nhà.

Sáng 20/12, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thăm hỏi, động viên tinh thần của 12 công nhân gặp nạn trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Trước đó, ông Nguyễn Xuân Tiến – Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng thay mặt tỉnh thưởng nóng cho lực lượng Công binh 100 triệu đồng. Chiều 19/12, dù đang công tác ở Thái Lan nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư khen, biểu dương thành tích của các lực lượng tại hiện trường. Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Tiến cũng đã chuyển lời biểu dương khen ngợi, quà, hoa và 30 triệu đồng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với lực lượng Quân đội trực tiếp tham gia giải cứu 12 nạn nhân.

Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn