Tiếp tục hoãn xét xử vụ thảm sát ở Bình Phước

Pháp đìnhThứ Ba, 10/05/2016 05:15:00 +07:00

TAND cấp cao phúc thẩm lại tạm hoãn xét xử vụ thảm sát ở Bình Phước vì chưa thống nhất được địa điểm xét xử.

(VTC News) - TAND cấp cao lại tạm hoãn xét xử phúc thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước vì chưa thống nhất được địa điểm xét xử.

Chiều 10/5, nguồn tin của PV VTC News cho biết, phiên tòa phúc thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước do Tòa án nhân dân cấp cao (TAND) thụ lý dự kiến diễn ra trong 2 ngày (12-13/5/2016) đã bị tạm hoãn.

Nguyên nhân, do các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước chưa hoàn tất công tác chuẩn bị, cũng như chưa xác định được địa điểm cụ thể để đưa vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng phạm ra xét xử công khai, đúng như lịch xếp trước đó. 

Trước đó, TAND cấp cao cũng đã 1 lần tạm hoãn phiên phúc thẩm hôm 21/3/2016 vì lý do các luật sư chưa làm xong thủ tục bào chữa cho bị hại, bị cáo, chưa có thời gian xem kỹ hồ sơ.

Như vậy, đây là lần thứ 2 tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM đã tạm hoãn xét xử vụ Nguyễn Hải Dương và đồng phạm.

 Từ trái sang: Tiến, Dương và Thoại tại phiên tòa sơ thẩm Bình Phước 

Tính đến hiện tại, vụ án này đã có ít nhất 6 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị can: Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại. Cụ thể, Thoại được 3 luật sư bào chữa (2 luật sư thuê, 1 luật sư được chỉ định); Tiến được 2 luật sư bào chữa (1 thuê, 1 chỉ định) và Dương chỉ có duy nhất 1 luật sư chỉ định bào chữa.

Nói về trường hợp, vì sao đã có luật sư được bị cáo mời (thuê) bào chữa, lại còn có luật sư chỉ định từ tòa án, luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: "Theo luật quy định thì người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Trong vụ án này, bị cáo Thoại đã mời tôi và luật sư Nguyễn Quốc Anh tham gia bào chữa thì đâu thể nào lại chỉ định thêm luật sư bào chữa".

"Nếu trường hợp, Thoại không chấp nhận chúng tôi bào chữa thì tòa án có quyền chỉ định luật sư bào chữa cho Thoại. Tôi không biết họ làm như vậy với mục đích gì, vì nếu chiếu theo luật thì không thể vừa có luật sư mời bào chữa và luật sư được chỉ định cùng lúc trong cùng một sự việc" - luật sư Hưng lý giải.

Theo bản án sơ thẩm, Dương mang lòng hận thù với gia đình ông Mỹ, đại gia ngành gỗ ở Bình Phước, do ngăn cấm tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ), hắn nảy sinh ý định giết cả nhà ông này để cướp tài sản. Dương rủ Thoại tham gia hành động với mình.

Sau chuyến đi bất thành vào rạng sáng 5/7/2015, Thoại từ chối nhưng vẫn mua dao cho Dương. Dương quay sang rủ Tiến phối hợp gây án nhưng nói dối là đến đòi vợ chồng ông Mỹ 900 triệu đồng đã góp vốn làm ăn từ hồi còn là người yêu của Linh. Hắn hứa sẽ chia tiền cho bạn.

Rạng sáng 7/7/2015, Dương và Tiến đột nhập vào căn biệt thự sát hại 6 người, cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền... trị giá khoảng 50 triệu đồng. Riêng bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) không bị Dương sát hại.

Bốn ngày sau, Dương và Tiến bị bắt. Sau một tháng điều tra, từ lời khai của Dương, cảnh sát bắt thêm Thoại.

Với hành vi này, cả 3 bị truy tố về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản ở khung hình phạt cao nhất là tử hình với nhiều tình tiết tăng nặng như: giết nhiều người, giết trẻ em, giết để thực hiện một tội danh khác, mang tính chất man rợ, côn đồ, đê hèn.

Ngày 17/12/2015, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) án tử hình, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình; Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) lãnh án tử hình về tội giết người, 7 tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình và Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long, cùng tạm trú TP.HCM) bị tuyên 13 năm tù về tội giết người, 3 năm tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là 16 năm tù.

Điều 57, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, quy định "Lựa chọn và thay đổi người bào chữa". 

Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận, cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật Hình sự;

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2 điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Video: Phiên tòa xử sơ thẩm vụ thảm sát Bình Phước 

Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn