Tiếng sét giữa không gian giao thông bức bối

Thời sựThứ Bảy, 22/10/2011 03:05:00 +07:00

(VTC News) - Một nhà xã hội học ví hành động thanh niên quần đùi cầm điêu cày điều khiển giao thông như tiếng sét giữa không gian giao thông bức bối.

(VTC News) - “Clip cầm điếu cày phân làn giao thông gửi tới giới hữu trách một thông điệp khá rõ ràng: Với chủ trương lập lại trật tự giao thông, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm, nghiêm túc của những lực lượng chức năng và việc nâng cao ý thức của cộng đồng thì mới có thể lập lại trật tự đường phố”, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận xét.

Clip video quay cảnh một thanh niên đầu trọc, mặc quần đùi, cầm theo điếu cày chạy đi chạy lại để phân làn giao thông trên phố Trương Định, sau khi được tung lên mạng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ý kiến của những người xem clip cũng chia làm hai loại: một bên phản đối hành động của người thanh niên, một bên lại tỏ ra ủng hộ với việc làm của nhân vật chính trong clip.

Để có cái nhin rõ hơn về khía cạnh tâm lý và xã hội xung quanh clip này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện Xã hội học Việt Nam.

- Sau khi xem xong clip phân làn giao thông bằng điếu cày, ông đánh giá thế nào về hành động của nhân vật chính trong clip đó?

TS. Trịnh Hòa Bình: Xem clip phân làn giao thông bằng điếu cày, ta thấy cảnh người thanh niên mặc quần đùi, cầm điếu cày can thiệp một cách thô bạo, quyết liệt, ngẫu hứng để lập lại trật tự giao thông. Có thể nói ảnh hưởng của clip như một tiếng sét nổ trong không gian tạnh ráo, nhưng đồng thời nó lại như một làn gió mát thổi vào không khí oi bức vốn có của giao thông đô thị.

Ví như tiếng sét vì lâu nay người ta hình dung lực lượng chức năng với “binh hùng, tướng mạnh” từ công an đến trật tự địa phương, nhưng nhiều khi cũng phải "toát mồ hôi" để có thể điều khiển được giao thông.

Nhưng ở đây chỉ một người dân bình thường, ăn mặc lôi thôi, với cái điếu cày trong tay, lại có thể lập lại được trật tự, giúp giao thông trên đường được thông thoát, xét về mặt hiệu quả thì nó giống như một tiếng sét.

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình. 

Về ý nghĩa như làn gió mát, tức là không cần phải đông người, không cần tiêu tốn nhiều kinh phí, chỉ cần tính quyết liệt, mặc dù không đi kèm với việc anh ta có thể xử phạt người vi phạm, nhưng rõ ràng khi bị đe dọa người ta chấp hành ngay.

Từ đấy đưa ra một khẳng định cái đó chúng ta có thể làm được, dựa trên ý thức của người tham gia giao thông, cộng với sự kiên quyết, bài bản, chính quy trong hành động của lực lượng chức năng, thì sẽ không khó để giải quyết được vấn đề.

- Vậy theo ông tại sao một hành động hung hăng như vậy lại có thể lập lại được trật tự đường phố, và nhiều người đã tỏ ra đồng tình với hành vi đó?

Theo tôi, những người ủng hộ hành vi đấy vì họ cho rằng nó lại đem lại hiệu quả tích cực trong thời điểm đó. Có nghĩa là hành động đó điều khiển được mọi người đi đúng phần đường của mình. Nếu lực lượng chức năng có mặt tại đấy cũng chưa chắc đã làm được trong một thời gian ngắn như vậy.

Ngược lại, với những người tôn trọng các giá trị văn hóa, tính chính thống sẽ phản đối, thậm chí lên án hành động đó. Vì cho rằng đấy là hành động phản cảm, vì anh này ăn mặc lôi thôi lếch thếch, mặt mũi bặm trợn, nói năng quát tháo...

Không ai khuyến khích các hành vi mang tính bạo lực, sử dụng một hành động vô chính phủ này để thiết lập lại trật tự của một hành động vô chính phủ khác, cho dù kết quả là tốt.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta không trân trọng, không đánh giá cao ý nghĩa của clip đó.

- Dưới cái nhìn của một nhà nghiên cứu xã hội, ông đánh giá thế nào về văn hóa giao thông của chúng ta hiện nay?

Tôi vẫn nói là hiện nay chúng ta nói đến văn hóa giao thông là sự vuốt ve, nịnh nhau, vì làm gì có văn hóa giao thông. Văn hóa là giá trị được kết tinh, truyền đời, khi thực hiện điều đó người ta cảm thấy niềm vui... Thử hỏi có ai cảm thấy vui với cảnh chen lấn khi ra đường như hiện nay không?

Theo tôi chúng ta nên gọi là văn minh giao thông sẽ đúng hơn, chúng ta hướng tới văn minh đó trong một xã hội hiện đại, tôn trọng pháp luật, giao thông được tổ chức tốt, trên cơ sở kết cấu hạ tầng tương ứng.

Người thanh niên tên Hùng cầm điếu cày phân làn lại giao thông cả một tuyến phố. Ảnh chụp từ Clip.

- Có ý kiến cho rằng, hành động của người thanh niên trong clip như một sự ức chế bị dồn nén tới cực độ trước sự lộn xộn của người đi đường, để rồi anh ta phải hành động như thế. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Có thể gọi là ức chế theo rất nhiều chiều, người đi đường bị anh ta quát tháo cũng thấy ức chế, nhưng sợ hãi làm họ chấp nhận theo chỉ đạo của anh ta, cảnh một số người quay xe khi thấy anh ta đã nói lên điều đó.

Nhưng chính anh ta cũng bị ức chế, có thể anh ta ngồi đấy, bị người đi đường chèn ép, thậm chí va quệt phải, làm anh ta phải phản ứng lại một cách bộc phát. Nhưng anh ta đủ tỉnh táo để khỏi phải xả cái ức chế đấy lên người này người kia. Điều anh ta thấy cần phải làm là khiến cho người ta tôn trọng trật tự, để người ta đi nhanh hơn, nên cái ức chế đấy có thể được chấp nhận.

- Phải chăng giao thông của ta đang khiến rất nhiều người bị ức chế, thưa ông?

Chúng ta có thể liên hệ tới thực tế cuộc sống. Bây giờ nhiều người đi đường, đặc biệt là giới trẻ đều có hung khí ở trong người, trong xe. Va chạm nhau một tí là có thể dẫn tới xung đột. Khi người ta sẵn sàng tự mình thiết lập lại trật tự, đấy là sự vô chính phủ.

Hành vi của anh chàng trong clip cũng là hành vi vô chính phủ, anh ta dùng hành vi vô chính phủ của mình để xiết lại một hành vi vô chính phủ khác lớn hơn.

Nhưng xét đến cùng vẫn là câu chuyện rối loạn giá trị, từ câu chuyện mọi người không tôn trọng trật tự hiện có, mà nghĩ mình có thể tự thiết lập lại trật tự của xã hội. Điều đó rất nguy hiểm, báo hiệu sự xuống cấp của xã hội.

Chúng ta đi lên xã hội hiện đại, hướng tới kinh tế thị trường, nhưng vẫn còn rơi rớt lại cái cách hành xử kiểu làng xã, thói vô chính phủ, mạnh ai nấy đi, nhiều cái chưa ăn nhập với xã hội hướng tới, kể cả hạ tầng cũng không đáp ứng được.

Có thể nói, tình trạng mất trật tự trong vấn đề giao thông cũng phản ánh những rối ren trong xã hội chúng ta hiện nay.

Đoạn đường Trương Định gần nút giao Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai), nơi anh Hùng cấm điếu cày để phân làn giao thông.

- Vậy cá nhân ông có đồng tình với việc làm của người thanh niên trong clip không và tại sao?

Mình phải tách ra, có khía cạnh đồng ý, có khía cạnh không. Nếu buộc lòng lựa chọn một, thì tôi không tán thành hành vi của anh này. Vì tôi cần thấy sự chính quy, được tổ chức trên bình diện xã hội hơn trên bình diện tự phát, nhỏ lẻ.

Nhưng nếu xem hành vi của anh ta như bài học cho việc thi hành luật pháp, thì tôi vẫn chia sẻ và đánh giá cao việc làm của anh ta.

- Ông có đề xuất gì để chúng ta có thể lập lại trật tự giao thông?

Để đi đến tôn trọng luật lệ trong bối cảnh rối ren, nhiễu loạn như thế này phải ưu tiên xử phạt nghiêm minh đi trước, xử phạt có ý nghĩa trực tiếp ngay lập tức, tuy có thể không bền vững. Sau đấy phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục thì mới có tính bền vững, lúc bấy giờ chúng ta mới bàn đến có văn hóa, văn minh giao thông hay không?

Vấn đề là giới hữu trách phải làm mạnh mẽ, kiên trì, không thể nóng vội, hình thức. Hiện nay, tính đàng hoàng, bài bản, nghiêm túc, nghiêm khắc của lực lượng chức năng còn thiếu, dẫn đến người dân thực hiện chưa nghiêm và có ý chống đối...

Vì vậy, cái gì đã làm thì phải cho nghiêm túc, kể cả có tốn kém, và tất cả phải vì lợi ích chung.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn