Tiến sĩ người Mỹ mê... lên đồng

PhimThứ Tư, 17/02/2010 08:25:00 +07:00

Cách đây gần 15 năm một thanh niên Mỹ có tên là Ali Sharip đã chọn ngành Việt Nam học vì tò mò … Trung Quốc.

Cách đây gần 15 năm một thanh niên Mỹ có tên là Ali Sharip đã chọn ngành Việt Nam học vì tò mò … Trung Quốc.

Luận văn tiến sĩ của Ali có cái tên tiếng Anh rất dài và rất khó dịch sang tiếng Việt Study of pratices (spirit possession) on Vietnam; congitive aspects of the wordview making them work. Làm luận án tiến sĩ về Việt Nam học, nhưng lúc đó Ali chỉ có kiến thức, thông tin về Việt Nam qua sách, báo, tài liệu dịch và những người Việt định cư ở Mỹ. Đó chính là điều khiến Ali không hài lòng về công trình của mình.

Ali Sharip. 

Chuẩn bị  trong 12 năm

Điều kiện kinh tế chưa cho phép và thủ tục để một thanh niên Mỹ đến Việt Nam thời đó còn phức tạp nên Ali quyết định sang châu Âu kiếm tiền để chờ một ngày được đến Việt Nam. Ali sống ở nhiều nước châu Âu và làm khá nhiều nghề: phiên dịch (tiếng Nga-Anh), dạy tiếng Anh, viết quảng cáo, chụp ảnh thuê... Sau khoảng thời gian đúng 12 năm, khi đã tích lũy được một món tiền kha khá, Ali đến Việt Nam.

Được sống ở Việt Nam, Ali bắt đầu nhìn lại những gì mình đã viết trong bản luận án Tiến sĩ cách đó hơn 10 năm và dễ dàng nhận thấy nhiều nhận định của anh đã không còn chính xác.

Đầu tiên là Lên đồng (*), một chương rất quan trọng trong luận án tốt nghiệp của Ali. Anh đã bị mê hoặc ngay từ lần đầu tiên được tận mắt xem một màn lên đồng tại Hà Tây cũ. Chưa hiểu hết tiếng Việt, và tránh làm phiền những người đang tham gia buổi lên đồng, Ali lặng lẽ chụp ảnh- hàng trăm tấm ảnh mỗi buổi Lên đồng.

Sau đó anh chọn ra khoảng 30 tấm ảnh có nhiều thông tin nhất quay lại hỏi: Tấm ảnh đó có nghĩa là gì? Bước tiếp theo, anh ghi âm lại các buổi lên đồng. Ali kết luận những từ vựng của tiếng Anh về Lên đồng “quá ít và không thể hiện được hết ý nghĩa của tiếng Việt”. Cách nói và từ ngữ sử dụng khi Lên đồng mà Ali được tận mắt thấy tai nghe thật khác xa những kiến thức sách vở.

Ấn tượng với cách làm việc không gây phiền hà và sự kiên trì của Ali, một cung văn (nhạc sĩ Lên đồng) đã dạy anh chơi trống. Với Ali, đây là một món quà vô giá.

Bao giờ “mở phủ”?

Mở phủ là lần Lên đồng đầu tiên. Bạn bè hay hỏi Ali câu này vì thực tế anh đã đủ trình. Nhưng mục tiêu của Ali không phải là thế: “Tôi đang phải nghĩ lại (rethinking)  những gì mình đã viết (trong đó có Lên đồng) cách đây hơn 10 năm trong luận án của mình.

Khi đầy đủ tư liệu tôi sẽ viết một cuốn sách. Tiếp đến tôi sẽ làm một trang web về văn hóa Việt Nam để chia sẻ những hiểu biết của mình về Việt Nam với thế giới”. Mới đây, một đồng hương của Ali là Barley Norton đã xuất bản cuốn sách Music for spirits (study of musical subcultures), trong đó có nói đến âm nhạc trong Lên đồng. 

Nhưng Ali vẫn hy vọng cuốn sách mới của mình sẽ đem lại cho người đọc những góc nhìn mới hơn, những thông tin thú vị hơn về cách quan niệm rất riêng của người Việt Nam về thế giới.

Ali rất sành nhạc và đặc biệt thích jazz. Với Ali thì jazz mới là âm nhạc đích thực. Khi xem Lên đồng, Ali bị âm nhạc chinh phục hoàn toàn: “âm nhạc trong Lên đồng là một dạng folk (dân gian) và sẽ rất tuyệt nếu coi nó là một element (thành tố) để làm mới nhạc jazz giống như việc jazz hiện nay đang sử dụng âm nhạc folk của nhiều nước châu Phi, Nhật Bản...”.

Ali có nhiều bạn là nhạc sĩ nhạc jazz. Anh sẽ chia sẻ những file ghi âm về Lên đồng với họ và “chắc chắn đấy sẽ là nguồn cảm hứng mới”. Ali cũng mê chụp ảnh. Địa chỉ email của Ali là sự kết hợp giữa tên anh và đuôi grapher (trong photographer). Anh đang sở hữu rất nhiều ảnh quý, độc đáo về Lên đồng. Một cuốn sách ảnh, một triển lãm ảnh về Lên đồng. Sự kết hợp hoàn hảo giữa những đam mê của một tiến sĩ trẻ.

Theo Sinh viên Việt Nam 

Bình luận
vtcnews.vn