Tiễn biệt đại úy Hai Thành: Huyền thoại phá những vụ trọng án

Thời sựThứ Tư, 26/11/2014 12:13:00 +07:00

(VTC News) - Trong cơn mưa chiều nặng hạt, từng dòng người vẫn ra vào tiễn biệt đại úy Hai Thành - huyền thoại phá những vụ trọng án.

(VTC News) - Trong cơn mưa chiều nặng hạt, từng dòng người vẫn ra vào tiễn biệt đại úy Hai Thành - huyền thoại phá những vụ trọng án.

Chiều 25/11, nhiều người đến căn nhà số 9 Tân Thọ, P.8, Q.Tân Bình, TP.HCM viếng lễ tang ông Võ Tấn Thành (tên gọi thân quen là đại uý Hai Thành).

Họ là đồng đội, những chiến sỹ săn bắt cướp (SBC) vang tiếng một thời khiến giới tội phạm khiếp sợ, là những vị chỉ huy cấp trên Hai Thành, các cựu trinh sát đàn em, hay cả thế hệ công an sau này đáng tuổi con cháu của ông.

Từ anh xe ôm đến bác bảo vệ dân phố, bà con lối xóm, những người được ông giúp đỡ, cảm hóa hay cả người xa lạ nhưng khi nghe tin đại úy Hai Thành mất cũng đến thắp nén hương chia buồn.

Họ đến để cùng nhớ lại, hồi tưởng một thời đã qua với đại úy Hai Thành, một chiến sỹ, một lãnh đạo trinh sát SBC gan dạ, bản lĩnh, cương trực nổi tiếng đào hoa.
Dòng người đến viếng đại úy Hai Thành 

Trong sổ tang chia buồn cùng gia quyến đại úy Hai Thành, đại tá Mai Văn Tấn  - Nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, bồi hồi viết: “Phút biệt ly không nói nên lời, chỉ biết mong anh an bình nơi chín suối.

Nhớ ngày nào anh dìu dắt em và bao trinh sát trẻ lập công giữ bình yên cuộc sống cho người dân. Anh là người anh đáng kính, một người chỉ huy tuyệt vời. Em trưởng thành như hôm nay có sự dìu dắt rất lớn của anh. Vĩnh biệt anh Hai của em trong niềm đau khôn xiết”.

Người chỉ huy Tám Lửa, cấp trên của đại úy Hai Thành nhớ lại: “Hai Thành là người nhiệt tình, dám nghĩ dám làm và làm có hiệu quả, khó khăn gì cũng khắc phục. Chưa bao giờ thấy Hai Thành than vãn về cuộc sống riêng tư.

Con người Hai Thành luôn tiến lên phía trước, không bao giờ lùi bước. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt vụ án bắt cóc 11 em bé đưa lên Lâm Đồng... với nhiều kỷ niệm vui buồn”.

Người cậu của đại úy Hai Thành cũng tự hào về cháu của mình: "Cậu và gia đình rất tự hào vì mình có người thân đã làm tròn trách nhiệm đối với tổ quốc, đối với gia đình dòng tộc, được mọi người yêu mến”.

Nén lòng vĩnh biệt huyền thoại săn bắt cướp, nhà văn Phạm Thanh Nghị (tác giả cuốn "Đại úy Hai Thành và những "người tình") viết những dòng thơ: "Nén lòng vĩnh biệt tiếc thương/Tiễn đưa anh Cả đi về miền xa/ Đời anh bão táp phong ba/ Sóng to gió lớn vượt qua muôn trùng/ Phút giây đồng đội tương phùng/ Dâng hương khấn niệm anh cùng tổ tiên/ Nặng lòng sầu muộn ưu phiền/ Tiễn anh về với bình yên đất lành”.
Lưu bút trong sổ tang đại uý Hai Thành 

Với nhiều người trẻ, đại uý Hai thành là tấm gương, là bậc thầy để học tập và noi theo: “Con có được như hôm nay là nhờ công lớn chú dạy dỗ, chỉ bảo. Chú ra đi, con rất buồn khi mất một người thầy, một sư phụ trong nghề nghiệp SBC” – Hiệp sỹ đường phố TP.HCM Nguyễn Văn Minh Tiến xúc động.

Chiến sỹ trẻ La Ngọc Sơn công tác ở PV28 CATP.HCM viết: “Kính cẩn thương mến chú Hai Thành, người chú, người anh lỗi lạc trong lực lượng CAND. Cháu luôn noi gương học tập ở chú tấm gương anh dũng và thân tình”.

Huyền thoại phá những vụ án lớn

Tình hình anh ninh chính trị và trật tự xã hội ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng và những năm sau đó vô cùng phức tạp, đại uý Hai Thành và đồng đội phải đương đầu với nhiều khó khăn, gian khổ trên mặt trận bảo vệ trị an và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Cái tên Hai Thành gắn liền với những vụ án chấn động dư luận trong nước và quốc tế.

Điển hình như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án Thanh Nga, vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ; điều tra vụ thảm sát tại nhà quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng, phá các băng cướp có súng như băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, băng cướp Thái Lập Thành, băng Bông Hồng Trắng, truy bắt các tên cướp khét tiếng Điền Khắc Kim, Tín Mã Nàm (vụ án Mã Ngưu)...
 Đại úy Hai Thành chỉ đạo một vụ bắt cướp. (Ảnh gia đình cung cấp)

Vụ án Nguyễn Hữu Đạt hãm hiếp, giết 9 cô gái xinh đẹp rồi đốt xác phi tang đầu năm 1976 cũng được ông và đồng đội khám phá trong vòng chưa đầy một tháng.

"Sinh nghề tử nghiệp", ông đã không ít lần suýt mất mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Lần bắt tên cướp Sáu “Cầu Bông”, đại uý Hai Thành bị đối tượng chĩa súng vào người bắn liền 2 phát. Rất may lúc ấy “người tình” Trà My đã kịp thời quất dùi cui vào tay Sáu “Cầu Bông” làm đạn chệch hướng, cứu mạng ông.

Những lần “vào hang bắt cọp”, bị tội phạm đánh bầm dập đe doạ mạng sống mà đại úy Hai Thành không hề hé răng mình là công an...

Với những đóng góp của mình, đại úy Hai Thành vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương chiến công hạng 1; Huân chương kháng chiến hạng 1; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Lễ viếng ông Võ Tấn Thành bắt đầu từ sáng 24/11 tại căn nhà số 9 Tân Thọ, Q.Tân Bình, TP.HCM, di quan lúc 7h sáng 28/11, an táng tại quê nhà Bến Tre.

Ông Võ Tấn Thành (tên thường gọi Hai Thành, SN 1936, quê xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nguyên Đội trưởng SBC - Phòng CSHS CATPHCM, nguyên Đội trưởng Đội CSHS Công an quận Tân Bình, nguyên Chánh án TAND quận Tân Bình) qua đời lúc 16h45 ngày 23/11/2014, tại nhà riêng số 9 đường Tân Thọ, P.8, quận Tân Bình.

Đại uý Hai Thành tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi trong đội du kích địa phương. Năm 18 tuổi (1954), ông vào bộ đội Tiểu đoàn 307. Tháng 10/1954, tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông được kết nạp Đảng rồi vào Trường Công an Trung ương, trở thành chiến sĩ công an nhân dân.

Đầu năm 1975, ông vào Nam. Ngày 2/5/1975, ông được cử giữ chức Đội trưởng Đội Chấp pháp đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự và Bí thư Chi bộ của phòng, rồi Đội trưởng Đội SBC.


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn