Tịch thu xe của người say rượu: Đi xe mượn xử lý thế nào?

Thời sựChủ Nhật, 08/03/2015 08:09:00 +07:00

Nhiều người dân lo lắng nếu cho người khác mượn xe, người điều khiển vi phạm giao thông sẽ bị tịch thu, dẫn đến mất trắng tài sản.

(VTC News) - Nhiều người dân lo lắng nếu cho người khác mượn xe, người điều khiển vi phạm giao thông sẽ bị tịch thu, dẫn đến mất trắng tài sản.

10 ngày sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gửi kiến nghị đề xuất về việc tịch thu phương tiện giao thông đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn, cố tình đi xe máy vào đường cao tốc, đến nay vấn đề này vẫn chưa hề giảm sức "nóng".

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Ảnh: Minh Chiến)
Một trong những câu hỏi người dân đặt ra khi nội dung trên được đề xuất là nếu người dân sử dụng phương tiện giao thông là tài sản mượn của người khác thì sẽ xử lý như thế nào? Nhiều người dân lo lắng rằng, nếu cho người khác mượn xe, khi xảy ra vi phạm họ sẽ mất trắng tài sản.

Vấn đề này đã được ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giải đáp trong một cuộc đối thoại diễn ra tại Hà Nội vào chiều 7/3.

Theo ông Hùng, những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi nộp phạt xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu. 

Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, việc vi phạm sẽ do người điều khiển phương tiện hoàn toàn chịu trách nhiệm, người cho mượn phương tiện sẽ không bị mất tài sản như những lo lắng trước đó.

Video ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc cực kỳ nguy hiểm



"Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu người điều khiển những phương tiện đi mượn nộp phạt số tiền tương ứng với giá trị phương tiện đó. Tài sản của người cho mượn hoàn toàn không bị ảnh hưởng", Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định.

Trong một số trường hợp, người mượn xe không trả hoặc không có khả năng trả số tiền tương đương với xe thì xe vẫn được trao trả về cho người sở hữu và người mượn xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật theo quy định.

 CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (Ảnh: Minh Chiến)
Một thắc mắc liên quan đến đề xuất được người dân gửi đến ông Khuất Việt Hùng là việc xe vi phạm là xe biển xanh thì sẽ xử lý như thế nào?

Vị đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, trong điều 126 của Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định rõ, bất cứ người nào vi phạm đều bị xử phạt. 

"Không có một cơ quan nào cho phép cán bộ của mình vi phạm mà lại không bị xử lý. Do vậy, nếu như người cán bộ vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định", ông Hùng khẳng định.

Video ô tô đi ngược chiều phóng như bay trên cầu Nhật Tân


Trước đó, trả lời phỏng vấn VTC News, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, đề xuất tịch thu phương tiện của một số hành vi vi phạm giao thông là để bảo vệ tính mạng con người.

Ông Hùng cũng cho rằng, đơn vị đề xuất cũng như các đơn vị thực thi pháp luật không ai mong muốn phải tịch thu phương tiện của người dân.

"Đối với cơ quan đưa ra đề xuất, không phải để xử phạt, để tịch thu phương tiện mà để ngăn ngừa xảy ra hành vi vi phạm, để giáo dục ý thức cho người dân khi tham gia giao thông", ông Hùng nói.

Bạn có ủng hộ tịch thu ô tô nếu say rượu, tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc?

  • Ủng hộ
  • Phản đối
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn