Thủy điện Đa Nhim xả lũ lần 2: Nông dân mất... Tết!

Thời sựThứ Hai, 13/12/2010 01:09:00 +07:00

Nhiều hộ nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cay đắng nhìn vườn tược của mình bị tàn phá bởi nước xả lũ lần 2 của Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Nhiều hộ nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cay đắng nhìn vườn tược của mình bị tàn phá bởi nước xả lũ lần 2 của Nhà máy thủy điện Đa Nhim. 

“Hết rồi, lần này là hết sạch rồi!”

Nỗi đau mất của vì nước lũ từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim đổ xuống vẫn còn in rõ trên những khuôn mặt đầy nỗi nhọc nhằn của nông dân vùng rau Đơn Dương. Một lần nữa, nỗi đau đó tiếp tục lặp lại khi ngày 5/12 vừa qua, nước lũ từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim dồn dập đổ xuống với lưu lượng 300m3/s khiến hàng chục ha hoa màu của nông dân bị ngập và mất trắng.

Đầu tháng 11/2010, Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim xả lũ làm ngập 640ha rau màu của người dân huyện Đơn Dương, Lâm Đồng (Ảnh: SGTT). 

Trước đó, nhận được tiền hỗ trợ của UBND tỉnh Lâm Đồng (huyện Đơn Dương được hỗ trợ 500 triệu đồng, Đức Trọng 200 triệu đồng) trong đợt thủy điện Đa Nhim xả lũ hồi đầu tháng 11 vừa qua,  hàng trăm hộ dân lại gồng mình cải tạo đồng ruộng, đầu tư sản xuất, mang theo hi vọng sẽ vớt vát được phần nào số tài sản đã bị nước lũ cuốn trôi và mang theo hi vọng sẽ có cái ăn, cái tiêu trong những ngày giáp Tết.

Gặp chúng tôi, chị Mai Thị Hương ở xã Lạc Lâm nói trong nước mắt: “Thế là hết chú ơi, 4 công cải thảo giờ không còn gì nữa rồi, toàn bộ đã thối nhũn như cháo hết rồi. Tết này gia đình tôi không biết trông vào đâu nữa”. 

Đứng trên bờ nhìn 3 sào rau xà lách đang thối đen vì bị ngập nước, nông dân Nguyễn Văn Hòa (thị trấn Thạnh Mỹ) bần thần: “Hết rồi, lần này là hết sạch rồi! Đợt lũ lần trước mấy sào rau chuẩn bị cho thu hoạch thì bị nước nhà máy thủy điện xả tràn qua, bao nhiêu công sức đầu tư chăm sóc cuối cùng mất trắng. Rồi lần này cũng vậy”.

Sau khi nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại trong đợt Nhà máy thủy điện Đa Nhim xả lũ vào đầu tháng 11, gia đình ông Hòa đem hết mua giống, phân bón và thuê người dọn đồng ruộng, trồng lại 3 sào rau xà lách với hi vọng sẽ kiếm được ít tiền lời vào dịp cuối năm. Nhưng nay, tất cả đã trắng trơn, tan tành theo dòng nước.

Mùa mưa xả lũ, mùa hạn ngăn dòng

Ông Nguyễn Trọng Oánh – Giám đốc Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi – Đa Nhim khi nói về trách nhiệm của mình lại khẳng định, việc nông dân huyện Đơn Dương bị thiệt hại không hẳn là do nhà máy xả lũ mà do lũ lụt… tự nhiên. 

Cũng theo ông Oánh, hồ thủy điện Đa Nhim đóng chân trên địa bàn huyện Đơn Dương chỉ có chức năng xả lũ vào mùa mưa chứ không có chức năng xả nước cho người dân sử dụng vào việc sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô.

Được biết, thủy điện Đa Nhim chắn án ngữ con sông Đa Nhim chuyển toàn bộ nước về phía tỉnh Ninh Thuận. Riêng phần thuộc địa phận Lâm Đồng, mùa khô sông Đa Nhim trở thành con “sông chết” vì không có nước. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, mỗi khi vào mùa khô, người dân huyện Đơn Dương chỉ còn cách là đào giếng dưới lòng sông để lấy nước tưới cho hoa màu. Còn mùa mưa, nước tràn sông suối, nông dân trong huyện  phải “gánh” thêm nước từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim đổ xuống.

“Mùa khô khát cháy cần đến những giọt nước quý giá thì nhà máy thủy điện này không có chức năng xả nước tưới. Cứ vậy, bao nhiêu năm nay hàng nghìn hộ dân của huyện Đơn Dương vẫn chia nhau gánh họa” – một cán bộ Hội Nông dân cho biết.

Đợt xã lũ lần trước (tháng 11/2010) của thủy điện Đa Nhim gây ra thiệt hại 560 ha rau màu và 188 ha lúa. Mặc dù các ban ngành đã vào cuộc đòi công bằng nhưng cho đến nay người dân vẫn chưa được đền bù xứng đáng. Còn đợt xả lũ lần 2 này, thủy điện Đa Nhim hiện vẫn chưa có tiếng nói nào về trách nhiệm cũng như chính sách đền bù thiệt hại cho người dân.

Theo NNVN
Bình luận
vtcnews.vn