"Thương vụ" gỗ sưa 20,5 tỷ: Đúng luật hay phạm pháp?

Thời sựThứ Tư, 03/11/2010 07:54:00 +07:00

(VTC News) - Đến lúc này, cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xác minh thương vụ buôn bán gỗ sưa giá triệu đô có hợp pháp hay không.

(VTC News) – Như VTC News đã thông tin ngày 25/10, công an huyện Chương Mỹ đã bắt quả tang một vụ vận chuyển, mua bán 2,5 m3 khối gỗ sưa trị giá hơn 20,5 tỷ đồng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc xác minh thương vụ buôn bán gỗ sưa giá triệu đô này có hợp pháp hay không. 

Trong khuôn viên chùa Phụ Chính, cây gỗ sưa cổ thụ bị chặt hạ một phần

Dân tự ý khai thác là trái luật

Chiều ngày 2/11, Trung tá Nguyễn Duy Thanh Đội trưởng đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Chương Mỹ cho biết, thực hiện theo văn bản chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và Công an Thành phố Hà Nội ngày 20/10 về việc tăng cường công tác bảo vệ cây sưa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ngày 25/10, công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành mật phục và bắt gọn một số đối tượng khi đang vận chuyển 2,506 m3 gỗ sưa ra khỏi khu vực chùa Phụ Chính, thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ.

Trung tá Thanh khẳng định, trong quá trình tiến hành điều tra, cơ quan công an có đủ căn cứ để nhận định, việc người dân trong thôn tự ý thuê người cưa cắt cây sưa ở trong chùa khi chưa báo cáo đến chính quyền sở tại là việc làm trái luật. Chính quyền xã đã thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ cây sưa trên địa bàn.

Liên quan đến số tiền người dân thôn Phụ Chính thu được sau khi bán gỗ, ông Thanh cho biết, ngân hàng đã phong tỏa số tiền hơn 20,5 tỷ đồng mà người dân đang gửi trong 10 quyển sổ tiết kiệm đặt trong két sắt ở chùa Phụ Chính, để tiếp tục tiến hành điều tra.

Ông Thanh cho biết thêm, đối với vụ án này, hiện ngoài số gỗ sưa vẫn đang được trông giữ và bảo quản tại trụ sở công an huyện, đến nay cơ quan chức năng cũng chưa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bất kỳ cá nhân nào.

Lý giải cho việc trên, ông Thanh giải thích, sau khi cây gỗ sưa bị người dân chặt hạ, Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ đã đến làm việc với chính quyền xã Phụ Chính thực hiện việc đo đạc và lập biên bản có nội dung khẳng định: hai cây gỗ sưa tại chùa thôn Phụ Chính trồng bằng nguồn vốn tự có và được nhân dân thôn Phụ Chính chăm sóc, quản lý. Vì vậy, 2,5m3 gỗ này có nguồn gốc hợp pháp. Nhân dân thôn Phụ Chính toàn quyền quản lý sử dụng.

Tiếp đó, khi người dân thôn Phụ Chính có đơn xin tiêu thụ số gỗ trên, một lần nữa Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ lại đóng dấu búa kiểm lâm lên số gỗ bị chặt hạ.

“Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò của Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ trong vụ việc này. Hiện cơ quan công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiên cứu thêm các văn bản pháp luật, thì mới có thể quyết định xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không”, trung tá Thanh cho biết.

Câu chuyện gỗ sưa và chiếc xe máy

Ngược lại với quan điểm của Công an huyện Chương Mỹ, ông Trần Mạnh Hùng Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ cho biết, theo quy định của pháp luật số gỗ sưa trên thuộc nhóm 1A nhưng lại không nằm trong diện quản lý của nhà nước vì số gỗ sưa trên đã được trồng trong khuôn viên chùa Phụ Chính đã hàng trăm năm nay. Từ trước đến nay, người dân thôn Phụ Chính vẫn trực tiếp bảo vệ và chăm sóc cây gỗ sưa này.

Vết cưa cắt lưu lại tại thân cây sưa

Vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin người dân chặt cây gỗ sưa trên vì lý do cành gẫy đổ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ đã làm việc với UBND xã để tiến hành xác minh, đo đạc và lập biên bản xác định, cây gỗ sưa trên là tài sản thuộc cộng đồng…

Theo ông Hùng, theo quyết định 59/2005 của Bộ NN &PTNT, theo công văn 3419 ban hành ngày 12-12-2007 (thay thế cho chỉ thị 68/2007của Bộ NN&PTNT về việc tạm dừng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ sưa) trong trường hợp cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư, gây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định khai thác.   

“Sau khi đã xác định đây là số gỗ sưa này không thuộc rừng tự nhiên và làm đầy đủ thủ tục với các cơ quan chức năng, thì người dân là chủ sở hữu nên họ có quyền tự quyết định chặt hạ hay vận chuyển mua bán. Nó cũng giống với việc người dân mua xe máy, được toàn quyền quản lý sử dụng nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, ông Hùng giải thích. 

Ông Hùng nhấn mạnh, vai trò quản lý của kiểm lâm ở đây là sau khi, cơ quan chức năng xác định nguồn gốc rõ ràng và chủ sở hữu có đơn xin vận chuyển, tiêu thụ có xác nhận của chính quyền sở tại thì kiểm lâm sẽ đóng dấu búa. “Việc hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ lập biên bản, đóng dấu búa là hoàn toàn đúng luật. Còn việc họ bán hay làm gì thì không thuộc thẩm quyền quản lý của chúng tôi”, ông Hùng khẳng định. 

Tuy nhiên trong một diễn biến khác, ngày 29/10, sau khi VTC News có bài viết về thương vụ gỗ sưa trị giá triệu đô, Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ lại có biên bản làm việc với UBND xã Hòa Chính. Trong văn bản nêu rõ: “giao cho người dân, cán bộ, hội người cao tuổi thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính quản lý bảo vệ nguyên trạng 2 cây gỗ sưa (trong đó có 1 cây đã bị chặt hạ - PV) nằm trong khuôn viên thôn Phụ Chính theo đúng quy định của Nhà nước”.

Như vậy, phải chăng “quy định của Nhà nước” không rõ ràng để Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ có thể vận dụng theo hai cách trái ngược nhau? Ông Hùng từ chối trả lời khi phóng viên đưa ra văn bản này.

Phúc Hưng

Bình luận
vtcnews.vn