Thượng nghị sĩ danh dự Pháp nói gì về bầu cử Quốc hội khóa XIV của Việt Nam?

Chính trịThứ Tư, 18/05/2016 03:00:00 +07:00

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV của Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận ngoài nước, Thượng nghị sĩ danh dự Pháp có những đánh giá về kỳ bầu c

(VTC News) - Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV của Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận trong và ngoài nước, Thượng nghị sĩ danh dự Pháp có những đánh giá về kỳ bầu cử này. 

Ngày 22/5, tức là chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, nhân dân cả nước sẽ tham gia cuộc tổng tuyên cử bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Đây là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước.

Người dân xem danh sách những người ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh: baogiaothong.vn)
Người dân xem danh sách những người ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh: Baogiaothong) 

Cuộc bầu cử cũng đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận ngoài nước. Và để phản ánh phần nào sự quan tâm đó, nhóm phóng viên truyền hình Việt Nam tại châu Âu đã có cuộc phỏng vấn bà Hélène LUC, Thượng nghị sĩ danh dự Pháp để tìm hiểu đánh giá của dư luận quốc tế về tình hình Việt Nam cũng như về các cuộc bầu cử Quốc hội.   


- Xin chào Thượng nghị sĩ, xin bà cho biết đánh giá của mình về những thành tựu mà Việt Nam đạt được qua các kỳ bầu cử quốc hội?

Trên phương diện kinh tế, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều đó có nghĩa là mức sống của người dân đã được nâng lên.

Đại hội Đảng mới đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định những vấn đề cơ bản. Ví dụ như làm sao để giảm hơn nữa số người nghèo xuống còn 1% từ con số 5% hiện nay, hay giảm sự chênh lệch về thu nhập giữa người dân…

Trong báo cáo ngoại giao mà chúng tôi nhận được, có thể thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Điều này thể hiện trong quyết tâm của cương lĩnh chính trị mới muốn duy trì con đường phát triển hiện nay để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, có tính cạnh tranh, áp dụng những tiến bộ khoa học có lợi cho con người… hay như là làm sao tận dụng tốt hiệp định xuyên Thái Bình Dương, làm sao để có lợi nhất cho người dân.

 

Tôi đặc biệt ấn tượng khi lần đầu tiên một phụ nữ được bầu làm chủ tịch quốc hội. Rõ ràng đây là một sự kiện lớn khi 1 trong 4 vị trí quan trọng của nhà nước do phái nữ đảm nhiệm
Hélène LUC  
 
- Bà đánh giá thế nào về tiến trình phát triển dân chủ qua các kỳ bầu cử quốc hội tại Việt Nam, có đặc điểm gì khác biệt so với Pháp không?

Tôi nghĩ rằng Quốc hội Việt Nam ngày càng nắm vai trò quan trọng và tiến bộ. Điều này có thể thấy qua việc các bộ luật ngày càng được thông qua và giám sát chặt chẽ; hay như vấn đề chất vấn trực tiếp các Bộ trưởng được truyền hình trực tiếp để người ngân có thể theo sát diễn biến.

Điều này sẽ giúp người dân ngày càng cởi mở, thể hiện suy nghĩ của họ với các đại biểu, được đóng góp vào công việc của quốc hội, được tham vấn và nói lên mong muốn của mình.

Điều này cũng giống như ở Pháp, khi một luật được trình ra Thượng viện, bước đi đầu tiên là chuyển tới các tổ chức xã hội để tham vấn ý kiến của người dân am hiểu về lĩnh vực đó bởi đôi khi các nghị sĩ không thể am hiểu hết mọi lĩnh vực.

Tôi cũng nhận thấy việc lựa chọn các bầu đại biểu quốc hội có cả những ứng viên tự do, nằm ngoài Đảng tự ứng cử. Đây là cách làm tiến bộ dù đó không phải là lần đầu tiên nhưng là con đường đúng đắn và cần phát triển hơn nữa.

Tôi đặc biệt ấn tượng khi lần đầu tiên một phụ nữ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Rõ ràng đây là một sự kiện lớn khi 1 trong 4 vị trí quan trọng của nhà nước do phái nữ đảm nhiệm.

- Bà nghĩ gì về việc luôn có những nhân vật hay các tổ chức nhân danh dân chủ để thực hiện các hành vi chống đối, gây mất ổn định tại Việt Nam?

Luôn tồn tại phe phản đối ở mỗi quốc gia bởi điều này là gần như không thể tránh được. Ở Pháp, không phải tất cả mọi người dân đều ủng hộ chính phủ. Vấn đề là làm sao để mỗi người, mỗi công dân có thể xác định và thể hiện quan điểm của mình. Nếu không, nó có thể dẫn họ tới hành động phản kháng.

Trong mọi trường hợp, sự phản đối nên thể hiện bằng phát biểu, thông qua tập thể hoặc tổ chức xã hội chứ không phải bằng bạo lực hay có những hành động chống phá, lật đổ chính phủ được bầu ra một cách dân chủ.

Thêm nữa, các bạn cũng không cần áp dụng cách làm của phương Tây bởi mô hình dân chủ của phương Tây không phải luôn luôn đúng và chuẩn mực cho toàn thế giới. Bởi mỗi quốc gia hay nhóm quốc gia đều có lịch sử riêng biệt của mình.

Triệu Hà - Đoàn Hà

Bình luận
vtcnews.vn