Thương hiệu khách sạn Sheraton có thể về tay Trung Quốc

Kinh tếChủ Nhật, 20/03/2016 10:40:00 +07:00

Starwood Hotels & Resort - hãng sở hữu thương hiệu Sheraton cho biết sẽ rút khỏi thương vụ bán cho Marriott International, sau khi đánh giá đề xuất từ nhóm nh

Starwood Hotels & Resort - hãng sở hữu thương hiệu Sheraton cho biết sẽ rút khỏi thương vụ bán cho Marriott International, sau khi đánh giá đề xuất từ nhóm nhà đầu tư Trung Quốc hấp dẫn hơn.

Như vậy, thương vụ sáp nhập để tạo nên chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vẫn chưa thành hiện thực. Tháng 11 năm ngoái, Starwood đã đồng ý giá chào mua 12 tỷ USD (bằng cả tiền mặt và cổ phiếu) từ Marriott. Thương vụ sẽ hoàn tất cuối tháng này.

Tuy nhiên, đầu tuần, Anbang Insurance Group dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc lại ra giá 12,8 tỷ USD, trả toàn tiền mặt, cho Starwood. Và đề xuất này hôm qua được Starwood đánh giá là chất lượng hơn.

Marriott sẽ có 5 ngày để quyết định có ra lời chào mua khác hấp dẫn hơn không. Và chuỗi khách sạn này cũng cho biết sẽ cân nhắc.

Sheraton là một trong các thương hiệu khách sạn của Starwood. Ảnh: Trip Advisor 
Cổ phiếu Starwood đã tăng 5% hôm qua, vượt giá 76 USD mà Anbang đề nghị. Việc này khiến nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có cuộc chiến giá giành Starwood. Cổ phiếu Marriott cũng tăng 2% vì thông báo trên. Nếu Marriott không mua Starwood, họ sẽ được nhận 400 triệu USD tiền phá vỡ hợp đồng.

Starwood hiện sở hữu 1.300 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại khoảng 100 quốc gia. Một số thương hiệu họ sở hữu là Sheraton, Westin, St. Regis và W.

Trong khi đó, Marriott có 4.400 cơ sở tại 87 nước. Các thương hiệu nổi tiếng của họ là Marriott, Ritz-Carlton, Carlton và Residence Inn.

Còn Anbang chính là công ty sở hữu khách sạn Waldorf Astoria ở New York. Họ cũng đang hoàn tất thương vụ mua Strategic Hotels & Resorts từ Blackstone Group.

Thời gian gần đây, nhà đầu tư Trung Quốc liên tục vung tiền thâu tóm tài sản nước ngoài. Tháng trước, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã chấp thuận mua Sàn chứng khoán Chicago. Hai công ty Internet Trung Quốc - Kunlun và Qihoo cũng chi 1,2 tỷ USD cho hãng sở hữu trình duyệt Opera.

Theo hãng nghiên cứu Dealogic, năm nay, các công ty Trung Quốc đã thông báo kế hoạch mua 144 công ty ngoại, trị giá 88 tỷ USD. Còn số này cả năm 2015 mới là 106 tỷ USD và vẫn là kỷ lục cho đến nay.

Nguồn: Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn