Thương hiệu- ai uống li cà phê đắng cho bóng đá VN?

Thể thaoThứ Năm, 19/04/2012 08:43:00 +07:00

Ba câu chuyện liên quan đến cà phê đến cùng một thời điểm mang đến nhiều vị đắng hơn là sự ngọt ngào.

Ba câu chuyện liên quan đến cà phê đến cùng một thời điểm mang đến nhiều vị đắng hơn là sự ngọt ngào.

Do làm ăn thua lỗ, vay nợ nhiều một doanh nghiệp nhỏ ở Dak Nông đã phải tính đến chuyện bán hai nhãn hiệu của mình là  "Coffee Đức Lập Minh An" và "Coffee Đức Lập Dakmil" cho một doanh nghiệp Trung Quốc với giá 18 tỷ đồng. Điều đáng nói là chính doanh nghiệp này đã từng "lấy không" thương hiệu nổi tiếng Buôn Ma Thuột để trở thành Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd. Trong khi chính cái tên Buôn Ma Thuột chưa có cách nào đòi lại, hoặc mua lại thì cà phê Việt Nam phải bán tên để trả nợ.

Ngược lại, một thương hiệu cà phê lớn là Highlands Coffee cũng vừa tuyên bố sở hữu thương hiệu Phở 24 với cái giá được cho là khá cao, khoảng 20 triệu USD.

Thương hiệu Việt có nằm trong những sân bóng thế này?


Câu chuyện thứ ba là bỗng nhiên, cà phê Trung Nguyên phát hiện ra rằng họ mất luôn tên miền tiếng Anh của café Chồn vào tay một hãng cà phê lớn của thế giới. Trung Nguyên cũng đã từng khá nhiều lần cay đắng khi mất tên miềng thương hiệu của nhiều quốc gia khác nhau.

Trừ trường hợp Phở 24, nếu cái giá 20 triệu USD là có thực thì xem ra đây là phi vụ khá lời khi thương hiệu này đang đà xuống dốc. Còn lại, cho đến bây giờ cái tên (hay còn gọi là thương hiệu) vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá xác đáng.

Điều này thể hiện rõ nhất qua bóng đá.

Có lẽ không một nơi nào trên thế giới mà tên đội bóng lại được xóa sổ, thay đổi, chuyện nhượng dễ dàng như ở Việt Nam.

Những cái tên Thể Công, CAHN, CATPHCM, CA.Hải Phòng… mất đi có thể đổ lỗi cho lịch sử hoặc quá trình lên bóng đá chuyên nghiệp.

Nhưng sự thay đổi đến chóng mặt trong tên gọi và thương hiệu đội bóng vẫn khiến người ta giật mình.

Từ Sài Gòn FC sẽ biến thành Sài Gòn Xuân Thành FC chỉ đơn giản là ông chủ của đội bóng - bầu Thụy cần gắn đội bóng với cái tên Xuân Thành để hợp lý và hợp thức hóa các khoản đầu tư.

Đó chưa phải là vấn đề, nỗi sợ hãi xuống hạng của các CLB giờ nhẹ như lông hồng bởi những màn phù phép mang tên "chuyển giao".Hay những nỗ lực lên hạng của một CLB lại không nhanh bằng việc họ sẵn sàng mua lại suất trụ hạng của CLB khác ở hạng trên.

Đã xuất hiện những lời đồn đoán rằng, nếu V.Hải Phòng xuống hạng, họ sẽ vẫn ở lại V.League bằng cách mua CLB Hà Nội của bầu Hiển đang chơi ở hạng nhất, nếu đội này lên V.League. Chuyện bầu Hiển cố đẩy Hà Nội lên V.League để "bán" là dễ hiểu khi không được sở hữu hai CLB cùng một giải đấu, V.Hải Phòng chỉ cần chuyển đổi là xong.

Hoặc lại có những đồn đoán về việc CLB ĐT.Long An thay vì lên hạng bằng khả năng sẽ nhắm đến một CLB ở V.League như N.Sài Gòn để "đi đường tắt".

Câu chuyện chuyển đổi này khác với chuyển đổi thương hiệu ly cà phê hay bát phở mà nó phá vỡ trật tự mà BĐCN Việt Nam đang muốn thiết lập về một giải đấu đỉnh cao có sự cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng.

Trong các cuộc mua bán này, các ông chủ sẽ được lợi hơn cả. Cái mất rất trừu tượng nhưng những người hâm mộ có thể cảm thấy.

Suy cho cùng, bóng đá chưa thuộc về người hâm mộ, nó là cuộc chơi nhuốm sắc màu mua bán của những ông bầu.

Thái Hoàng (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn